Tin tức
Tìm theo ngày
Tổng hợp thông tin Quy hoạch sử dụng đất Hà Nội mới nhất

Tổng hợp thông tin Quy hoạch sử dụng đất Hà Nội mới nhất

Chủ đề về Quy hoạch sử dụng đất Hà Nội sẽ cung cấp đầy đủ và công khai những thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, giúp các cá nhân và tổ chức trên địa bàn toàn thành phố dễ dàng tiếp nhận được thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thông qua mạng internet.

Quy hoạch sử dụng đất là gì?

Quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.

Những thông tin về Quy hoạch sử dụng đất Hà Nội

Hà Nội là thủ đô, thành phố trực thuộc trung ương và cũng là một đô thị loại đặc biệt của Việt Nam. Hà Nội nằm về phía tây bắc của trung tâm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, với địa hình bao gồm vùng đồng bằng trung tâm và vùng đồi núi ở phía bắc và phía tây thành phố. Với diện tích 3.358,6 km2.

Thủ đô Hà Nội nằm về phía tây bắc của trung tâm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, trong phạm vi từ 20°34' đến 21°18' vĩ độ Bắc và từ 105°17' đến 106°02' kinh độ Đông, tiếp giáp với 8 tỉnh là Thái Nguyên, Vĩnh Phúc ở phía Bắc, Hà Nam, Hòa Bình phía Nam, Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên phía Đông, Hòa Bình cùng Phú Thọ phía Tây.

Tính đến năm 2021, Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã với 579 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 383 xã, 175 phường và 21 thị trấn. Đây là thành phố trực thuộc trung ương duy nhất của Việt Nam có thị xã.

Về quy hoạch, ngày 26/7/2011 thủ tướng chính phủ ban hành quyết định số 1259/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

  • Tính chất: Là Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trung tâm đầu não chính trị, hành chính của cả nước, đô thị loại đặc biệt; là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước; là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
  • Mục tiêu: Xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử, với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh theo hướng liên kết vùng, quốc gia, quốc tế. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế; có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi.
  • Mô hình phát triển không gian đô thị: Thủ đô Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh (chiếm 70% diện tích đất tự nhiên của Thành phố).
  • Định hướng phát triển hệ thống đô thị: Khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, Nam đến đường vành đai 4 và về phía Bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên. Là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của Thành phố Hà Nội và cả nước. Dự báo dân số đến năm 2020 đạt khoảng 3,7 triệu người; diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 45.300 ha; đất dân dụng khoảng 26.000 ha, chỉ tiêu khoảng 70m2/người và đất ngoài dân dụng khoảng 19.300 ha. Dân số đến năm 2030 đạt khoảng 4,6 triệu người; diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 55.200 ha; đất dân dụng khoảng 34.900 ha; chỉ tiêu đất xây dựng dân dụng khu vực nội đô khoảng 60 - 65 m2/người, khu vực mở rộng phía Nam sông Hồng khoảng 90 - 95 m2/người; đất ngoài dân dụng khoảng 20.300 ha.