Cho đến thời điểm này, hầu hết các trường THCS tại TP HCM đang ráo riết ôn tập cho học sinh (HS) theo mẫu đề thi minh họa mà Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM đã công bố trước đó. Theo hiệu trưởng các trường, hình thức ôn tập chủ yếu vẫn là chia thành các nhóm đối tượng HS.
Phân loại thí sinh để ôn tập
Năm học 2017-2018, các trường THCS tại TP HCM có sự chủ động hơn trong việc ôn tập do đề thi minh họa được công bố sớm, thời gian dự kiến thi cũng như năm học trước nhưng không vì thế mà việc ôn tập hạ nhiệt, bởi đây là năm dự báo sự cạnh tranh một suất học lớp 10 công lập khó khăn hơn bao giờ hết.
Theo ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1), dựa vào đề thi minh họa mà Sở GD-ĐT TP HCM công bố, nhà trường đã họp với tổ bộ môn, thay đổi phương pháp giảng dạy, ôn tập giúp HS khỏi bỡ ngỡ, nhất là ở môn toán, để HS không chỉ nắm chắc kiến thức mà còn biết vận dụng giải quyết các tình huống trong thực tiễn, đúng như tinh thần đổi mới môn toán của sở.
Tương tự, tại Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1), theo cô Trần Thúy An, hiệu trưởng nhà trường, song song với việc học chương trình chính khóa, HS lớp 9 sẽ được ôn tập, củng cố và nâng cao kiến thức, tăng tính vận dụng cho các bài học. Trường cũng thường xuyên báo điểm cho phụ huynh để nắm tình hình học tập của HS. Giáo viên cũng căn cứ vào đó để ôn tập kỹ hơn, chuẩn bị tâm lý, kiến thức tốt nhất cho HS.
Học sinh xem đề ngữ văn kỳ thi lớp 10 năm 2017. Ảnh: HOÀNG TRIỀU |
Sở GD-ĐT TP HCM cũng đã có công văn yêu cầu các trường THCS tư vấn cho phụ huynh và HS chọn nguyện vọng phù hợp với khả năng và thuận tiện cho việc đi lại học tập trên cơ sở tìm hiểu kỹ các trường trên địa bàn cư trú và những trường dự định đăng ký nguyện vọng.
Đề thi sẽ đổi mới toàn diện
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, năm 2018 sẽ đổi mới toàn diện đề thi tuyển sinh lớp 10 ở cả 3 môn toán, văn, ngoại ngữ. Việc này nhằm thúc đẩy tất cả giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, không thể dạy theo kiểu cũ.
Số lượng và mức độ câu hỏi có tính tích hợp, hướng HS giải quyết những vấn đề gần gũi, gắn với thực tiễn cuộc sống, có tính thời sự, tăng cường kiểm tra khả năng vận dụng, giảm việc kiểm tra khả năng ghi nhớ.
Đồng thời, để giảm áp lực cho HS, nội dung đề thi tuyển sinh lớp 10 được thực hiện nhẹ nhàng, với chủ trương 80% câu hỏi thuộc dạng kiến thức cơ bản, chỉ khác là tính vận dụng cao hơn. HS nào có học bài, hiểu bài, có sự tư duy, biết cách giải quyết vấn đề thì sẽ được điểm cao. Tránh hiện tượng học vẹt.
Theo dự kiến, Sở GD-ĐT TP HCM sẽ công bố đề thi minh họa lần thứ hai để HS có thể hình dung tốt nhất về kỳ thi sắp tới. Tuy nhiên, theo các giáo viên, đề sẽ không có nhiều khác biệt so với đề minh họa lần thứ nhất.
Cụ thể, đối với đề toán sẽ có những kiến thức lồng ghép thêm môn lý, hóa, sinh, địa. Đặc biệt, thay vì đề thi có 5 bài toán lớn, mỗi bài gồm nhiều câu hỏi nhỏ như trước đây thì năm 2018, đề thi sẽ gồm 10 câu hỏi riêng biệt với thang điểm 10, trong đó có 3 điểm về các bài toán về các lĩnh vực khác.
Trong tổng thể kiến thức, sẽ có 50% là câu hỏi hiểu và vận dụng, 30% là kiến thức của các bộ môn khác như lý, hóa, sinh, địa.
Với môn văn, theo ông Trần Tiến Thành, chuyên viên môn ngữ văn Sở GD-ĐT TP HCM, sẽ có sự thay đổi ở phần đọc - hiểu. Cụ thể, năm 2018, văn bản sẽ hướng vào một lĩnh vực cụ thể, có thể là khoa học, sử, địa, giáo dục công dân…
Việc khoanh vùng văn bản đọc - hiểu như vậy giúp giáo viên và HS bớt áp lực, căng thẳng, không mông lung hay hướng vào những văn bản hư cấu.
Còn ở môn tiếng Anh, theo các giáo viên chuyên môn, căn cứ vào đề minh họa và đề thi năm 2017, các thí sinh cần chú ý thể hiện yêu cầu của đề thi là vận dụng các kiến thức từ thực tiễn, các tình huống cần sử dụng ngoại ngữ vào trong đời sống.