Theo tin tức trên báo Tuổi trẻ, ngày 23/9, thông tin từ Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) Công an tỉnh Đồng Nai cho hay vừa bắt quả tang một cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng phụ gia, hóa chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên địa bàn.
Trước đó, rạng sáng cùng ngày, PC49 tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất giá đỗ của ông Đỗ Như Báo tại KP.8, P.Hố Nai, TP.Biên Hòa.
Thời điểm kiểm tra, tại cơ sở có 3 công nhân đang trực tiếp sản xuất giá đỗ, bên trong chứa hàng chục thùng nhựa đang ũ giá đỗ đã thành cọng. Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện 5kg hóa chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
|
Theo chủ cơ sở khai nhận, việc sản xuất giá đỗ trải qua nhiều công đoạn. Tuy nhiên, để giá sinh trưởng nhanh, cọng giá mập mạp, không rễ, trắng đẹp mắt và tươi lâu thì phải sử dụng một loại hóa chất đem pha loãng với nước lạnh rồi tưới trực tiếp lên hạt đậu.
Sau 3-5 ngày, giá có thể được thu hoạch và được mang đi tiêu thụ ở một số chợ trên địa bàn TP. Biên Hòa. Mỗi ngày, cơ sở trên đưa ra thị trường trên 500kg giá thành phẩm.
Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tịch thu số hóa chất không rõ nguồn gốc. Đồng thời, niêm phong một số mẫu giá, tiếp tục phân tích để đánh giá mức độ vi phạm và có hình thức xử lý phù hợp đối với cơ sở trên.
Trước đó, báo Thanh Niên cũng đưa tin, sáng 17/5, Đoàn kiểm tra liên ngành của Chi cục Quản lý thị trường Bình Dương phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật, Cảnh sát Kinh tế Công an TX.Thuận An (Bình Dương) đã kiểm tra, phát hiện cơ sở sản xuất giá đỗ của bà Phạm Thị Mỹ Phượng (42 tuổi) ở khu phố Thạnh Bình (P.An Thạnh, TX.Thuận An) phát hiện trên 1 tấn giá đỗ được làm từ hóa chất Trung Quốc.
|
Tại thời điểm kiểm tra, trong cơ sở của bà Phương đang lưu trữ 1.800 trong ống hóa chất màu trắng, dạng lỏng của Trung Quốc và trên 20 vỏ ống đã được sử dụng.
Trong cơ sở của bà Phượng có 88 thùng giá đỗ đã nảy mầm cho ra sản phẩm và trên 20 thùng mới được cho đỗ vào, chưa tưới hóa chất.
Bà Phượng khai nhận số hóa chất do bà mua ở chợ về để làm giá, mỗi ngày trung bình bà làm ra khoảng 20 thùng giá, mỗi thùng khoảng 15kg. Theo bà, mỗi thùng giá ban đầu được cho vào khoảng 1,3kg giá đỗ đã được ngâm bằng nước vôi, vỏ chuyển sang màu vàng.
Sau khi giá được đưa vào thùng, cứ khoảng 20 thùng thì lấy 5 ống hóa chất pha với nước rồi tưới vào thùng chứa đỗ. Cứ như vậy trong khoảng 48 giờ giá mọc lên đầy thùng với trọng lượng khoảng 15kg/thùng.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành tịch thu toàn bộ số giá, hóa chất đưa đi tiêu hủy đồng thời lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Phượng.
Thông tin trên Khám Phá, thầy Trần Như Ý (giáo viên hóa học trường THCS Nguyễn Chí Thanh – Thừa Thiên Huế) cho biết, việc sử dụng thuốc tăng trưởng đối với rau mầm nói chung, giá đỗ nói riêng là rất nguy hại. Trong thành phần của các loại thuốc kích thích tăng trưởng thường có 6 benzylaminopurine được hòa tan trong dung dịch Na2CO3. Khi hai chất này theo thức ăn ngấm vào cơ thể người rất có hại cho sức khỏe, về lâu dài, có nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Một cán bộ thuộc Viện Bảo vệ thực vật – Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, loại thuốc tăng trưởng như thế này bị cấm sử dụng. Người tiêu dùng nên chọn lựa kỹ càng khi mua các loại rau mần, giá đậu. Cách phân biệt đơn giản, giá đậu được làm bằng thuốc kích thích thường mập, mọng nước, giòn, không có rễ. Riêng giá được ủ mầm bình thường thân nhỏ, rễ dài, bẻ ra cứng và dai hơn.
|
Cách chọn mua giá đỗ an toàn...
Chọn giá đỗ ít mập và không đều nhau: Thông thường, các loại giá đỗ được tẩm hóa chất khi bày ra bán ngoài chợ sẽ là những cây giá đỗ có thân mập mạp, bóng mượt, trắng nõn hơn bình thường và giá ủ bằng hóa chất thì sợi giá rất đều nhau.
Nhiều rễ: Theo kinh nghiệm của nhiều bà nội trợ đã làm giá, giá đỗ ủ theo cách thông thường và trong thời gian ít nhất 3 -4 ngày sẽ rất nhiều rễ chứ không ít rễ như giá đỗ ủ hóa chất vì thời gian ủ nhanh. Khi làm bạn phải mất thời gian nhặt rễ. Giá đỗ ngâm ủ thuốc, có 1 chút rễ màu xạm hơn ở chân, còn hoàn toàn không có rễ dài.
Thân giá đỗ không bóng, cong queo: Một số kinh nghiệm khác là khi giá đỗ ủ bằng hóa chất thì thân bóng và rất thẳng, còn ủ theo cách thông thường thì trông giá sẽ chặt hơn, không bóng, không to và không mập.
Không chọn giá đỗ sần sùi, có sâu: Nhiều người quan niệm khi đi mua giá đỗ, phải chọn những loại giá đỗ sần sùi, có sâu thì mới là rau sạch. Tuy nhiên, cái đấy phải tùy, nếu rau hay giá đỗ xấu, có vết sần thường người ta cũng ít phun tẩm hóa chất hơn chứ không phải là không có.
Nên chọn giá đỗ cọng ngắn: Hầu như người mua giá đỗ nào cũng muốn mua những giá đỗ cọng dài và mập mập. Tuy nhiên, chỉ có giá đỗ tẩm thuốc mới có cọng dài đều và mập. Bạn nên chọn giá đỗ cọng ngắn, gầy mới an toàn hơn. Ngoài ra theo nhiều nghiên cứu, cọng giá càng dài, lượng protein và các khoáng chất càng ít. Chỉ nên chọn cọng giá có độ dài khoảng 2-3 cm là vừa.
Ngoài ra một vài lưu ý dưới đây người tiêu dùng nên lưu ý khi sử dụng. Giá đỗ có nguy cơ gây ngộ độc rất cao, bởi giá thường làm ở nhiệt độ 30 - 35oC, đây là môi trường tốt cho vi sinh vật phát triển. Mà người dân mình hay ăn giá sống, nếu chưa rửa sạch sẽ rất dễ nhiễm vi sinh vật. Vì vậy, khi dùng bạn nên nên chần qua nước sôi, rửa và ngâm nước sạch và kèm theo ít muối. Ngoài ra mặc dù giá đỗ rất bổ, nhưng mọi người không nên ăn quá 550g giá mỗi ngày, vì như vậy rất có hại cho sức khỏe.
An Yên (Tổng hợp)