Rút ngắn thời gian hoàn thành cầu Bình Khánh và Phước Khánh trên tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi kiểm tra thực địa và họp với các đơn vị liên quan trong việc triển khai cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ, chiều nay (13/3), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã kiểm tra Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành tại nút giao với Quốc lộ 50 (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP HCM); Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai); chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương nhằm kiểm điểm tiến độ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh hai dự án giao thông trọng điểm quốc gia.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 58 km, kéo dài từ huyện Bến Lức (Long An) đến huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, có 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Dự án khi hoàn thành sẽ là tuyến huyết mạch kết nối các tỉnh miền Tây sang miền Đông thông qua kết nối với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao đổi với tư vấn giám sát của JICA về phương án rút ngắn thời gian thi công hai cầu lớn trên tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành. (Ảnh: VGP/Minh Khôi).

Dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 31.320 tỷ đồng, sử dụng 3 nguồn vốn: Vay ADB (13.654,6 tỷ đồng), vay JICA (11.975,7 tỷ đồng) và vốn đối ứng (5.689,7 tỷ đồng). Dự án gồm 11 gói thầu xây lắp chính với đoạn 1 phía tây (5 gói thầu A1-A4) sử dụng vốn vay ADB; đoạn 2 (3 gói thầu J1-J3) sử dụng vốn vay Cơ quan Hợp tác phát triển Nhật Bản (JICA); đoạn 3 phía đông (3 gói thầu A5-A7) sử dụng vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).  

Dự án được khởi công từ tháng 7/2014, một số đoạn tuyến sử dụng các nguồn vốn khác nhau nên không triển khai đồng thời tại cùng thời điểm khởi công. Từ đầu năm 2019, dự án đang trong quá trình thực hiện thì gặp nhiều vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật dẫn đến không được bố trí vốn để tiếp tục thực hiện đối với vốn ADB phía tây, vốn JICA và vốn đối ứng.

Do đó, dự án bị chậm tiến độ, một số gói thầu dừng thi công từ giữa năm 2019, một số nhà thầu đã chấm dứt hợp đồng và khởi kiện VEC ra Trung tâm trọng tài quốc tế để yêu cầu đền bù chi phí phát sinh. Tổng khối lượng hiện đạt khoảng 81,66% (11.065 tỷ đồng/ 13.741 tỷ đồng tổng giá trị hợp đồng đã được ký). Khó khăn lớn nhất hiện nay của chủ đầu tư là không có nguồn vốn ứng để tiếp tục thực hiện một số gói thầu của dự án sử dụng vốn vay của JICA.

Ông Trương Việt Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VEC kiến nghị được sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi chưa đến kỳ trả nợ, trên cơ sở bảo đảm nghĩa vụ, trách nhiệm trả nợ của doanh nghiệp, để làm vốn đối ứng nhằm đẩy nhanh tiến độ các gói thầu hiện nay; phương án khởi động lại một số gói thầu (đoạn phía tây) bị tạm dừng từ tháng 6/2019. Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp bày tỏ đồng thuận với kiến nghị của VEC.

 Một đoạn công trường cao tốc Bến Lức - Long Thành vào cuối năm 2022. (Ảnh tư liệu: Hoàng Huy).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, từ năm 2007 đã có chủ trương về dự án cao tốc Bến Lức-Long Thành, năm 2010 đã có các quyết định triển khai. Tuy nhiên, việc dừng thi công một số gói thầu trong 3 năm 9 tháng, có nguyên nhân khách quan, chủ quan nhưng trách nhiệm rất lớn thuộc về các bộ, ngành, chủ đầu tư, các đơn vị, cơ quan liên quan. 

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương thực hiện dự án, tính đến nguồn vốn của các nhà tài trợ ảnh hưởng đến tiến độ dự án; cơ chế sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi của VEC để làm vốn đối ứng, vốn đầu tư cho dự án.

Ngay sau đó, Bộ GTVT phải hoàn thành các thủ tục cần thiết để VEC có thể thực hiện đấu thầu các gói thầu còn lại trong thời gian ngắn nhất. VEC bàn với đơn vị tư vấn kỹ thuật để rút ngắn thời gian thi công, hoàn thành 2 cầu Bình Khánh, Phước Khánh, sớm vận hành toàn tuyến cao tốc.

"Phải bù lại thời gian chậm 3 năm, 9 tháng. Các bộ, ngành phải khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao nhất", Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh "mỗi con đường mới sẽ mở ra không gian phát triển mới".

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.