Tờ Nikkei Asian Review có thông tin, HP và Dell lần lượt là nhà sản xuất máy tính cá nhân số 1 và số 3 thế giới, cùng nhau chiếm khoảng 40% thị trường toàn cầu, đang lên kế hoạch tái phân bổ tới 30% sản lượng máy tính xách tay của họ ra khỏi Trung Quốc.
Trùng Khánh và Côn Sơn là hai cụm sản xuất máy tính xách tay lớn nhất thế giới. Thế nhưng, một quan chức tại Trùng Khánh tiết lộ với Nikkei, rằng HP đã hạ dự báo sản xuất năm 2019 xuống dưới 10 triệu máy tính, giảm gần một nửa sản lượng so với hai năm trước.
Ông giải thích: "Chi phí sản xuất tại Trung Quốc tăng vọt đã dẫn đến sự sụt giảm các đơn đặt hàng toàn cầu. Hiện tại, sự nghi ngại liên quan đến cuộc chiến thương mại đang khiến các dây chuyền tại đây chịu nhiều tổn thương hơn".
Hai nhà sản xuất laptop lớn rút khỏi sẽ khiến ngành xuất khẩu điện tử của Trung Quốc chao đảo. (Ảnh: AP).
HP đã vạch ra kế hoạch chuyển khoảng 20% đến 30% sản lượng ra khỏi Trung Quốc. Công ty đang xem xét dần dần xây dựng chuỗi cung ứng mới ở Thái Lan hoặc Đài Loan.
Còn Dell đã bắt đầu "chạy thử" dây chuyền sản xuất ở Đài Loan, Việt Nam và Philippines. Hãng này đang muốn tránh mọi nguy hiểm từ cuộc chiến thương mại, và lo ngại về sự thiếu hụt công nhân cũng như gia tăng chi phí ở Trung Quốc.
Trong khi đó, Amazon và Nintendo đang nhắm đến Việt Nam như một điểm đến thích hợp tiếp theo. Microsoft lại để mắt đến Thái Lan và Indonesia. Acer và Asustek đều xác nhận với Nikkei rằng họ đang dự liệu tính khả thi của việc chuyển một số dây chuyền ra khỏi Trung Quốc.
Dell từ chối đưa ra bình luận, nhưng cho biết họ khuyến khích "chính phủ Hoa Kì và Trung Quốc tiếp tục đối thoại để giải quyết các vấn đề còn tồn tại", và hi vọng sẽ thấy một thỏa thuận.
HP, Google, Microsoft và Amazon cũng không phản hồi gì về thông tin Nikkei đã đưa ra trước đó.
Trước đó, báo giới đưa tin Apple tác động lên Foxconn về việc nên cân nhắc chuyển khoảng 30% nhà máy sản xuất điện thoại thông minh của mình ra khỏi Trung Quốc. Đây được xem là hãng công nghệ giật dây cho hàng loạt cuộc "di cư" của nhiều tên tuổi khác.
Sự "di cư" trên chịu tác động bởi trận chiến thương mại cay đắng giữa Washington và Bắc Kinh. Mặc dù cuối tuần qua, thỏa thuận đình chiến giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka được nhiều kì vọng, nhưng các công ty vẫn xem xét việc di dời dây chuyền sản xuất.
Nhiều nguồn tin cho biết tình hình vẫn còn quá bấp bênh. Trong khi đó, chi phí sản xuất tại Trung Quốc ngày càng tăng, cũng khiến các nhà sản xuất ráo riết tìm kiếm địa điểm thay thế.
Tình trạng thất nghiệp đang đè nặng lên giới công nhân Trung Quốc. (Ảnh: Business Insider).
Những động thái này sẽ là một cú sốc cho ngành xuất khẩu điện tử của Trung Quốc, động lực thúc đẩy sự tăng trưởng kéo dài hàng thập kỉ của đất nước.
Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn là nhà sản xuất PC cũng như điện thoại thông minh lớn nhất thế giới. Theo nhà cung cấp dữ liệu QianZhan, tổng số kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong lĩnh vực điện tử tăng vọt 136 lần, từ mức 10 tỉ USD vào năm 1991 lên đến 1,35 nghìn tỉ USD trong năm 2017.
Darson Chiu, một nhà kinh tế chuyên ngành thương mại tại Viện nghiên cứu kinh tế Đài Loan, cho biết Mĩ cũng sẽ gánh lấy một số tác động tiêu cực từ sự dịch chuyển này. Nhưng ông lưu ý: "Trung Quốc sẽ cảm nhận đầy đủ các tác động xấu còn lại, vì nền kinh tế của đất nước sẽ phải chuẩn bị cho thời kì chậm nhịp, và nhiều công nhân cần phải tìm kiếm việc làm ở nơi khác".