Savills nhận định, dịch Covid-19 diễn ra trong những tháng đầu năm đã tác động mạnh đến phân khúc bán lẻ. Tuy nhiên, trong khi phân khúc trung tâm thương mại bị ảnh hưởng không đáng kể thì mặt bằng nhà phố phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Tính riêng trong quí III/2020, công suất tại các trung tâm thương mại có giảm nhẹ 1 điểm so với quí IV/2019 (trước khi xuất hiện dịch bệnh) nhưng vẫn duy trì ở mức cao 95%, còn giá chào thuê trung bình gần như không đổi.
Theo chia sẻ của bà Võ Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu, Savills Việt Nam: "Việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 và công suất cao giúp các chủ nhà củng cố niềm tin vào thị trường.
Ngoài ra, các trung tâm thương mại cung cấp dịch vụ tích hợp từ mua sắm, giải trí và ẩm thực, có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của người mua sắm."
Việc hỗ trợ giá thuê dưới tác động dịch bệnh được áp dụng cho cả các trung tâm thương mại và nhà phố cho thuê. Thế nhưng số lượng trung tâm thương mại áp dụng giảm giá thuê không nhiều và chủ yếu tập trung tại các khu vực ngoài trung tâm.
Các hình thức hỗ trợ có thể kể ra như giảm 10 - 30% trên giá thuê trong ngắn hạn cho khách thuê mới hoặc giảm 1- 2 USD trên phí dịch vụ cho các khách thuê có kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch.
Còn các dự án tại khu vực trung tâm gần như không đưa ra chính sách hỗ trợ nào khi tỉ lệ lấp đầy tại khu vực này gần như đạt 100%, nếu có trống thì các vị trí này cũng được cho thuê nhanh chóng.
Ngược lại, mặt bằng nhà phố cho thuê đã đối mặt với thách thức lớn trong 9 tháng vừa qua. Số lượng mặt bằng nhà phố đang chào thuê ra thị trường ngày càng nhiều nhưng tốc độ lấp đầy lại rất chậm.
Chỉ có các nhà phố căn gốc tại những tuyến đường có lưu lượng giao thông cao mới được thuê nhanh chóng. Song, một số cung đường thương mại lớn như Hồ Tùng Mậu, Ngô Đức Kế, Lê Lợi hay Phạm Ngũ Lão tại quận 1 cũng rất khó cho thuê.
Bà Trang lí giải, "khó khăn của phân khúc nhà phố có thể đến từ một số chủ nhà vẫn rất lạc quan vào đà hồi phục của thị trường và không có ý định giảm giá chào thuê.
Còn khách thuê tiếp tục giảm số lượng cửa hàng hoặc giảm diện tích và chuyển đổi sang thương mại điện tử.
Đặc biệt tại các khu vực có lượng người lưu thông giảm và phụ thuộc lớn vào lượng khách du lịch, khách thuê vẫn quyết trả mặt bằng dù một số chủ nhà chấp nhận giảm giá thuê trong ngắn hạn."
Theo số liệu Savills đưa ra, dự kiến ba tháng cuối năm nay thị trường sẽ có thêm hơn 50.000 m2 bán lẻ từ 7 dự án mới, trong đó khu vực ngoài trung tâm chiếm hơn 80%.
Nhiều nhãn hàng nước ngoài hiện đã tạm hoãn kế hoạch gia nhập thị trường và nhiều doanh nghiệp hạn chế mở rộng thị trường có thể ảnh hưởng đến công suất thuê nói chung.
Thực tế trong quí III vừa rồi, khách thuê thuộc ngành hàng F&B và thời trang đã có sự thay đổi rõ rệt về diện tích thuê, hoặc do trả mặt bằng hoặc do giảm bớt diện tích thuê để cắt giảm chi phí.
"Xu hướng giảm diện tích thuê hoặc trả những cửa hàng hoạt động không hiệu quả sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới", bà Trang nhận định.
Tuy nhiên, đại diện Savills cũng kì trong quí cuối năm nay và quí I/2021, nền kinh tế chuyển biến tích cực, tiêu dùng nội địa tăng mạnh và hiệu ứng từ các hiệp định thương mại tự do sẽ thúc đẩy ngành bán lẻ Việt Nam phát triển hơn.