SCB dự kiến tăng vốn thêm 15.000 tỉ đồng, nhận các bất động sản để thu hồi nợ

Tính đến cuối quí III/2020, SCB có vốn điều lệ 15.232 tỉ đồng. Ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 15.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2020-2023, riêng năm 2020-2021 tăng 5.000 tỉ đồng.

Sáng 7/12, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2020. Cuộc họp có sự tham gia của 135 cổ đông đến tham dự, đại diện cho 1,43 tỉ cổ phần, tương ứng tỉ lệ sở hữu hơn 94% cổ phần tại Ngân hàng.

Nhận tài sản có giá trị lớn hơn 20% vốn điều lệ để cấn trừ nợ

Tại cuộc họp, một nội dung quan trọng được Ngân hàng bổ sung vào tờ trình ĐHĐCĐ thông qua là việc phê duyệt chủ trương đối với giao dịch nhận tài sản để thay thế/cấn trừ nghĩa vụ trả nợ có giá trị lớn hơn 20% vốn điều lệ của Ngân hàng.

Theo Hội đồng quản trị (HĐQT) SCB, cứ theo yêu cầu khách hàng đề nghị chuyển nhượng toàn bộ 116 quyền sử dụng đất tại KDC Nam Gạch 2 tại khu chức năng số 5, khu đô thị Nam Thành Phố tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM để thay thế khả năng trả nợ bao gồm cả số dư nợ gốc, lãi vay và lãi phạt chậm trả cho Ngân hàng.

116 bất động sản nói trên tại huyện Bình Chánh có giá trị 13.955 nghìn tỉ đồng, được tổ chức định giá vào tháng 8/2020. SCB sẽ nhận tài sản thế chấp để thay thế cho nghĩa vụ trả nợ của bên vay. Giá trị cấn trừ bằng số dư nợ gốc, lãi vay và lãi phạt tối đa bằng giá trị tài sản. Sau khi hoàn tất thủ tục, SCB hoàn toàn có quyền sở hữu, quản lí và định đoạt tài sản.

Theo HĐQT SCB, đây là những bất động sản có vị trí thuận lợi, có thanh khoản cao và thuận lợi cho việc kinh doanh. Vì vậy, phương án nhận tài sản để cấn trừ sẽ giúp SCB chủ động hơn trong việc thu hồi nợ, đảm bảo nguồn vốn cho ngân hàng hơn so với phương án thu giữ tài sản, kiện ra toà để phát mãi tài sản. 

Theo đó, HĐQT trình cổ đông thông qua tờ trình cho phép HĐQT thực hiện các giao dịch xử lí tài sản có giá trị trên 20% vốn điều lệ của ngân hàng. Đồng thời, HĐQT cũng yêu cầu cổ đông uỷ quyền cho HĐQT toàn quyền xử lí khai thác tài sản hoặc chuyển nhượng cho bên thứ ba để thu hồi vốn.

Trước đó, báo cáo tài chính quí III/2020 của SCB cho thấy, tính đến 30/9, qui mô tài sản của SCB đạt 611.694 tỉ đồng, là ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có tổng tài sản lớn nhất trong nhóm ngân hàng ngoài quốc doanh.

Huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 553.832 tỉ đồng, tăng 13,3% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng đạt 351.990 tỉ đồng, tăng 5,4% so với đầu năm. 

Trong quí III/ 2020, SCB đã trích lập 1.963 tỉ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, nâng tổng quĩ dự phòng rủi ro lên hơn 13.000 tỉ đồng. Ngân hàng cho biết, đây là đệm dự phòng tài chính, hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong thời gian tới.

Đầu năm nay, đề án cơ cấu lại gắn với xử lí nợ xấu giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn đến năm 2030 của SCB đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt. 

SCB cho biết, đây được xem là là phương án tái cơ cấu chủ động hỗ trợ thêm một số cơ chế mới, là giải pháp tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính giúp ngân hàng phát triển bền vững hơn sau quá trình tái cơ cấu.

SCB thông qua kế hoạch tăng vốn, nhận các bất động sản để thu hồi nợ - Ảnh 1.

Sáng 7/12, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2020 (Ảnh: Hoàng Trung)

Thông qua kế hoạch tăng vốn 

Tại cuộc họp bất thường kì này, HĐQT cũng đã trình cổ đông thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ thêm 15.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2020 - 2023; riêng năm 2020 - 2021 tăng 5.000 tỉ đồng thông qua việc chào bán 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp, tức tỉ lệ thực hiện 32,9%.

Ngân hàng cho biết, việc tăng vốn sẽ quyết định mức độ thành công trong việc mở rộng qui mô hoạt động và nâng cao vốn tự có, đáp ứng các tỉ lệ an toàn hoạt động theo Thông tư 22 và lộ trình đáp ứng tỉ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41.

Với số vốn tăng thêm, ngân hàng sẽ dùng 4.000 tỉ đồng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, dành 500 tỉ đồng để đầu tư vào tài sản cố định và hiện đại hóa công nghệ thông tin; 500 tỉ đồng đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp trụ sở hoạt động và hệ thống nhận diện thương hiệu SCB.

ĐHĐCĐ sẽ giao Hội đồng quản trị (HĐQT) đề xuất phương án cụ thể trong từng thời kì, đảm bảo phù hợp với tình hình thị trường và hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Hiện vốn điều lệ của SCB ở mức 15.232 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đề xuất cổ đông thông qua lộ trình niêm yết cổ phiếu SCB trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) với mục tiêu chậm nhất là năm 2025. Giao HĐQT xây dựng lộ trình cụ thể từng năm và thực hiện các công việc thủ tục cần thiết theo qui định của pháp luật.

Cuộc họp kết thúc lúc 10h20 sáng cùng ngày. Kết quả kiểm phiếu, 100% cổ đông tham dự chấp thuận thông qua tất cả các tờ trình và không có ý kiến khác.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.