Hiện vốn Nhà nước tại Petrolimex là 75,87% và do Uỷ ban Quản lí vốn Nhà nước là đại diện sở hữu, thay vì Bộ Công Thương trước đây. Như vậy phần vốn của "siêu" Uỷ ban được đại diện bởi 9 cá nhân, hơn 981,6 triệu cổ phiếu thì số tiền cổ tức thu về hơn 2.550 tỉ đồng.
Năm ngoái, Bộ Công Thương với tư cách là cổ đông Nhà nước thu về gần 2.945 tỉ đồng, do tỷ lệ chi trả cổ tức cao hơn, 30%.
Theo lộ trình, Nhà nước sẽ giảm sở hữu tại Petrolimex xuống 51% trong 2019-2020 thông qua phát hành tăng vốn điều lệ.
Ngoài Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, cổ đông lớn khác của Petrolimex là JX Nippon Oil & Enegry cũng thu về hơn 269 tỉ đồng nhờ nắm giữ 8% vốn của tập đoàn này.
Nhân viên một cửa hàng xăng dầu của Petrolimex bơm nhiên liệu cho xe khách hàng.
Trong diễn biến liên quan, Petrolimex mới đây công bố bán thêm 20 triệu cổ phiếu quỹ để có thêm vốn cho hoạt động kinh doanh, đầu tư. Dự kiến giao dịch từ ngày 2/7 đến ngày 2/8 theo phương thức giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh.
Hồi tháng 3, tập đoàn này đã bán 12 triệu cổ phiếu quỹ (gần 1% vốn điều lệ) với giá bình quân 59.514 đồng một cổ phiếu, thu về gần 700 tỉ đồng. Hiện tỉ lệ cổ phiếu quỹ tại tập đoàn này còn 9,5% vốn, tương đương hơn 123 triệu cổ phiếu. Vì thế, nếu giao dịch bán cổ phiếu quỹ tới đây thành công, Petrolimex sẽ giảm số cổ phiếu quỹ sở hữu xuống 103 triệu cổ phiếu.
Hết quý I, Petrolimex ghi nhận doanh thu gần 42.000 tỉ đồng, giảm 7,6% so với cùng kì 2018 và lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 1.295 tỉ đồng.
Năm 2019, tập đoàn này đặt mục tiêu xuất bán gần 12,3 triệu m3, tấn xăng dầu, bằng 95% so với năm 2018 do ảnh hưởng của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn nên sản lượng bán của Công ty TNHH 1 TV Petrolimex Singapore bán về Việt Nam bị sụt gần 900.000 m3, tấn.
Doanh thu hợp nhất 195.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.250 tỉ đồng; chia cổ tức tối thiểu 12%.