“Đây mới chỉ là đề xuất, nghiên cứu của Sở GTVT Hà Nội và Sở sẽ báo cáo UBND thành phố xem xét để trình các cấp có thẩm quyền, sau đó trình HĐND thành phố xem xét, quyết định. Sau khi HĐND thành phố quyết định thì mới tổ chức thực hiện”, ông Vũ Văn Viện nêu rõ.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, theo đề án, “phí giảm ùn tắc giao thông” là một loại phí mà người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (ô tô) phải trả khi đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông nhằm giảm lưu lượng xe ô tô đi vào, góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong phạm vi thu phí.
Đây là một biện pháp kinh tế của cơ quan nhà nước để điều chỉnh hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông xe cơ giới đường bộ khi không cần thiết đi vào vùng thu phí; đồng thời, khuyến khích việc sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng.
Loại phí này không trùng với danh mục các loại phí và lệ phí được xác định trong Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13 ban hành ngày 25/11/2015 cũng như các loại phí, lệ phí liên quan đến phương tiện đường bộ và sử dụng đường bộ theo các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư của Bộ Tài chính quy định.
Đối tượng thu phí bao gồm: Các xe ô tô di chuyển từ bên ngoài vào trong khu vực thu phí có nguy cơ ùn tắc giao thông (trừ các phương tiện được miễn phí: xe ưu tiên theo quy định hiện hành, xe công an, quân đội, xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe công vụ, xe buýt công cộng, xe ô tô vận tải hàng hóa...).
Bên cạnh đó, các phương tiện được miễn phí có điều kiện gồm: Xe hộ gia đình và xe ô tô của cơ quan công sở trong khu vực thu phí bắt buộc phải đi lại qua khu vực thu phí được miễn phí theo lượt nhất định.
Các đối tượng được giảm phí gồm: xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách (xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, ...).
Phạm vi thu phí căn cứ trên các nguyên tắc: Là khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông; khu vực có thể tổ chức giao thông thuận tiện cho các phương tiện giao thông không cần đi vào khu vực thu phí có điều kiện thuận lợi để vòng tránh và đi qua địa bàn thành phố một cách thuận lợi; khu vực có điều kiện để tổ chức xây dựng, lắp đặt các trạm thu phí, ít ảnh hưởng đến giao thông và hạn chế gây ùn tắc giao thông tại điểm thu phí.
Trên cơ sở các nguyên tắc nêu trên, căn cứ kết cấu hạ tầng giao thông và mật độ giao thông, dự kiến phạm vi thu phí giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 – cầu Thanh Trì – Pháp Vân – Mai Dịch – Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long – Võ Chí Công – cầu Nhật Tân – đường Hoàng Sa – đường Trường Sa – đường Lý Sơn – đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào vành đai 3.
Với vành đai thu phí như trên, dự kiến đặt trạm thu phí tại 68 vị trí và 87 trạm thu phí. Phạm vi thu phí này có điều kiện để các xe ô tô các tỉnh, thành phố không cần thiết đi qua khu vực thu phí có điều kiện đi ra ngoài khu vực thu phí.
Mức thu phí được xác định đảm bảo bù đắp chi phí đầu tư và chi phí vận hành bảo trì hệ thống thu phí. Ngoài ra, mức thu phí phải đảm bảo tác động đến việc thay đổi hành vi của người tham gia giao thông theo hướng tích cực: Điều chỉnh lộ trình hoặc chuyển sang phương tiện giao thông công cộng khi di chuyển đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông. Đồng thời, mức thu phí phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với khả năng đóng góp của người tham gia giao thông.
Trên cơ sở khái toán kinh phí đầu tư và chi phí vận hành, bảo trì hệ thống thu phí và lưu lượng xe thu phí (được xác định dựa số liệu thu phí của Tổng cục đường bộ và đếm lưu lượng, dự kiến số lượng không đi vào khu vực thu phí…), dự kiến mức thu phí thấp nhất đủ bù đắp chi phí đầu tư và chi phí quản lý, vận hành khoảng 50.000 đồng/lượt xe.
Theo nguyên tắc mức phí đủ tác động điều chỉnh hành vi trên cơ sở thực tế về mức thu các điểm đỗ xe trong khu vực trung tâm thành phố, dự kiến mức thu hợp lý để có tác dụng điều chỉnh hành vi người điều khiển phương tiện khoảng 100.000 đồng/lượt xe.
Như vậy, mức phí sẽ được xác định trong khoảng từ 50.000 - 100.000 đồng/lượt xe.
Mức phí cụ thể và các chính sách miễn giảm cho các đối tượng sẽ được UBND thành phố (trên cơ sở dự án đầu tư và phương án quản lý tài chính của sự án đầu tư được duyệt) trình HĐND thành phố xem xét tại kỳ họp trong năm 2024 trước khi thu phí.
Theo đề án, dự kiến HĐND thành phố thông qua đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông” tại kỳ họp cuối năm 2021 về loại phí và khung phí.
Từ năm 2022 - 2023 sẽ hoàn thiện các điều kiện thu phí; xây dựng dự án đầu tư trạm thu phí; phương án tài chính, quản lý chi phí, xác định cụ thể mức thu phí và các chính sách miễn giảm cụ thể cho các đối tượng thu phí. Năm 2024, sẽ trình HĐND thành phố ban hành mức thu phí cụ thể và các chính sách miễn giảm phí theo dự án đầu tư được duyệt và tổ chức thực hiện sau khi HĐND thành phố quyết định trong năm 2024.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND của HĐND thành phố, UBND thành phố đã triển khai 28/37 nhiệm vụ; trong đó kết cấu hạ tầng giao thông được tập trung trong đầu tư theo quy hoạch, tỷ lệ đất giành cho giao thông tăng lên. Vận tải hành khách công cộng được mở rộng và nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải chưa đồng bộ theo quy hoạch, các tuyến vành đai 1-2-3 được đầu tư chưa hoàn chỉnh. Vành đai 4, vành đai 5 chưa được đầu tư. Các tuyến đường sắt đô thị đều chậm tiến độ theo như dự kiến. Tỷ lệ vận tải hành khách công công chưa đạt yêu cầu đề ra. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt vào giờ cao điểm và các dịp lễ, Tết tập trung đông người.
“Vì vậy, việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân theo Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND của HĐND thành phố; trong đó, có giải pháp "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm hạn chế ùn tắc giao thông” là hết sức cần thiết”, ông Vũ Văn Viện nhấn mạnh.