Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nước ta có hai nhà sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) là Formosa Hà Tĩnh và Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG).
Trong tháng 10 vừa qua, Formosa Hà Tĩnh xuất xưởng 380.760 tấn HRC và tiêu thụ 245.320 tấn. Hoà Phát sản xuất 115.283 tấn và bán ra thị trường 87.538 tấn. Như vậy, tổng sản lượng sản xuất HRC của nước ta tháng vừa qua là 496.043 tấn.
Tháng 10/2020 là lần đầu tiên Hoà Phát bán HRC ra ngoài thị trường. Trước đó, doanh nghiệp của tỉ phú Trần Đình Long chỉ sử dụng HRC cho các nhà máy tôn mạ và ống thép. Toàn bộ lượng HRC bán ra trong tháng 10 đều là ở thị trường miền Bắc.
Tính đến ngày cuối tháng 10, Hoà Phát còn 60.497 tấn HRC tồn kho.
Luỹ kế 10 tháng đầu năm 2020, Hoà Phát đã sản xuất 345.510 tấn HRC. Sản lượng của Formosa Hà Tĩnh cao gấp 8,8 lần, đạt 3,04 triệu tấn.
Về tiêu thụ, Formosa Hà Tĩnh bán ra 2,91 triệu tấn, trong đó có khoảng 718.000 tấn ở miền Bắc, gần 1,66 triệu tấn ở miền Nam và gần 531.000 tấn xuất khẩu. Hoà Phát, như đã nói ở trên, mới bắt đầu bán hơn 87.000 tấn trong tháng 10 ở thị trường miền Bắc.
Trong tháng 11, Hoà Phát có đơn hàng cung cấp 140.000 tấn HRC cho các nhà máy ống thép trong nước, trong đó 60% là ở miền Bắc.
Hoà Phát cho biết hiện nay sản lượng đặt mua HRC vào tháng 1/2021 là khoảng 180.000 tấn, tuy nhiên công ty chỉ có thể cung cấp khoảng 90.000 tấn do còn phải ưu tiên sử dụng nội bộ.
Tại Trung Quốc, chính sách cắt giảm sản lượng trong mùa đông đã chính thức bắt đầu, trong khi nhu cầu nội địa nước này với HRC lại tăng cao.
Chính quyền thành phố Đường Sơn (thuộc tỉnh Hà Bắc) - một trong những trung tâm sản xuất thép lớn của Trung Quốc - đã yêu cầu hầu hết các nhà máy thép phải giảm sản lượng lò cao từ 10% đến 45% trong giai đoạn tháng 10/2020 - tháng 3/2021 để hạn chế ô nhiễm.
Việc đồng USD giảm giá so với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng đã thúc đẩy các nhà máy tập trung bán ở trong nước, dẫn tới thiếu hụt nguồn cung HRC trên thế giới.
Với thị trường trong nước, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết giá bán HRC từ tháng 10 trở lại đây đã có xu hướng tăng 15-20 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 10/2020 và hiện dao động quanh mức 550-570 USD/tấn.
Dù vậy, nhu cầu với HRC vẫn rất lớn. Thị trường tôn mạ, ống thép, thép kết cầu cuối năm thường tăng trưởng tốt hơn do mùa mưa bão dần kết thúc, tiêu dùng giáp Tết Nguyên đán tăng.
Theo Tập đoàn Hoà Phát, Việt Nam đã tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do, mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp tôn mạ, thép cán nguội, ống thép của Việt Nam.
Tuy nhiên, các đơn hàng xuất khẩu đi thị trường Mỹ, EU cần chứng minh được nguồn gốc xuất xứ thép nền (HRC) sản xuất tại Việt Nam. Do đó, các nhà máy thép Việt Nam tích cực đặt hàng HRC của doanh nghiệp trong nước như Hòa Phát.
Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) - doanh nghiệp dẫn đầu thị phần tôn mạ - mới đây cũng cho biết các nhà sản xuất HRC trên thế giới đang hạn chế xuất khẩu, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung trầm trọng.
Theo Hoa Sen, giá HRC tại Việt Nam đã tăng lên mức 570 USD/tấn và không dễ gì mua được.