Sở TN&MT TP HCM 'hiểu sai' công nghệ xử lí ô nhiễm ở sông Tô Lịch?

Chuyên gia Nhật Bản cho rằng báo cáo của Sở TN&MT TP HCM "hiểu sai" công nghệ xử lí ô nhiễm đang thực hiện ở sông Tô Lịch.

File0646

Khu vực thí điểm xử lí ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản. (Ảnh: Di Linh).

Sở TN&MT TP HCM "hiểu sai" công nghệ?

Ngày 9/8, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM (TN&MT) có văn bản gửi UBND TP về đề xuất xử lí nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, rạch Xuyên Tâm và kênh 19/5 của Công ty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE, đơn vị đang thí điểm xử lí ô nhiễm sông Tô Lịch).

Ngày 16/8, phía JVE đã dẫn ý kiến của Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản về một số nội dung do Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đưa ra.

Cụ thể, văn bản của Sở TN&MT TP HCM có nêu: "Về khả năng cung cấp oxi "vô tận": Thật sự là không thể có vì để thiết bị hoạt động (máy tạo khí) cần cung cấp năng lượng cho nó - năng lượng cung cấp ở đây là điện năng, như vậy nếu ngưng cung cấp cho thiết bị cũng đồng nghĩa là khả năng cấp bọt khí - oxi chấm dứt".

Về nội dung này, JVE dẫn ý kiến của Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cho biết, Sở TN&MT TP HCM "hiểu sai" do công nghệ Nano-Bioreactor có 2 nguồn tạo ra oxy.

Thứ nhất là hệ thống máy Nano (có dùng điện) tạo ra trực tiếp oxy. Thứ hai, oxy được tạo ra từ nước bởi hoạt động của các tấm vật liệu thiên nhiên Bioreactor được chế tạo qua bí quyết đặc biệt tại Nhật Bản và không phải dùng điện.

IMG_6061

Các thiết bị xử lí ô nhiễm ở sông Tô Lịch. (Ảnh: Di Linh).

JVE cũng dẫn ý kiến của đơn vị Nhật Bản về việc công nghệ Bioreactor phiên bản đầu tiên được thực hiện ngày 17/5/2017 tại hồ Hạnh Phúc (TP Hải Phòng) chỉ bao gồm bột thiên nhiên Bakture (Bioreactor thế hệ thứ 1) mà không có máy nano.

"Sau một thời gian ngắn hàm lượng oxy hòa tan (DO) tăng nhanh đạt cột A1.

Sau 2 tháng và tiếp tục theo dõi sau hơn 2 năm, mặc dù không cần bổ sung hay bảo trì, nhưng theo kết quả phân tích của Viện Tài nguyên và Môi trường Biển (Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) hàm lượng Oxy hòa tan trong nước vẫn luôn duy trì ở cột A1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT, cá sinh trưởng tốt, không bị tái ô nhiễm", JVE dẫn ý kiến của Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản.

Bên cạnh đó, văn bản của Sở TN&MT TP HCM nêu về việc "công nghệ này hoàn toàn không có cơ chế để tạo ra các gốc tự do (ví dụ như HO*) vì muốn tạo ra các gốc tự do này phải có các tác nhân oxi hóa rất mạnh như O3 (ozone), H2O2… là những tác nhân có thể tạo ra nguyên tử oxi".

Về nội dung này, JVE dẫn ý kiến của Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cho biết: "Mặc dù không thể nói hết bí quyết phát minh của công nghệ nhưng công nghệ sục khí Nano tạo ra các gốc hydroxyl (•OH) hay đơn giản gọi là OH- còn có khả năng oxy hóa mạnh hơn cả O3, H2O2.

"Các gốc tự do OH- được tạo ra liên tục và chuyển động sẽ va đập vào các thành tế bào của chất ô nhiễm hữu cơ, vi khuẩn có hại như E.Coli, từ đó phá hủy thành tế bào, sau đó các vi sinh vật có lợi do Bioreactor kích hoạt thâm nhập vào bên trong và "ăn" các chất ô nhiễm (vì chất ô nhiễm là nguồn dinh dưỡng cho vi sinh vật). Các hợp chất ô nhiễm hữu cơ, bùn hữu cơ bị phân hủy thành khí CO2 bay lên và H2O", JVE trích dẫn ý kiến của Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản.

IMG_7493

Chuyên gia Nhật Bản lấy mẫu bùn sông Tô Lịch. (Ảnh: Di Linh).

Công nghệ Nhật Bản giải quyết nước thải hàng ngày đổ vào sông

Về vấn đề kích hoạt vi sinh vật, văn bản của Sở TN&MT TPHCM nêu: "Nếu quần thể các vi sinh vật này không đủ số lượng thì khả năng phân hủy cũng sẽ giảm... Giải pháp Nano - Bioreactor cần kết hợp với việc sử dụng các loại thực vật nước mới mang lại hiệu quả".

Đối với nội dung trên, JVE trích ý kiến của Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cho biết công nghệ Nano kích hoạt các vi sinh vật hiếu khí, công nghệ Bioreactor là giá thể để kích hoạt chủ yếu vi sinh vật yếm khí (có thêm một phần vi sinh vật thiếu khí và hiếu khí).

Công nghệ này đang áp dụng tại dự án xử lí tại hồ Hùng Thắng (TP Hạ Long). Số liệu phân tích của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại đây cho thấy chủng vi sinh vật có lợi sau 1 tháng xử lí tăng 60.000 lần.

IMG_6262

Sông Tô Lịch có gần 300 nguồn thải. (Ảnh: Di Linh).

Bên cạnh đó, văn bản của Sở TN&MT TP HCM có nêu: "...; một yếu tố nữa mà công nghệ chưa đáp ứng là thời gian xử lí/phục hồi cần 2-3 tháng trong khi nước thải thì thải ra hàng ngày".

Về vấn đề này, JVE dẫn ý kiến Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cho biết: "Công nghệ đang áp dụng tại sông Tô Lịch là sau khi phân hủy lượng bùn hữu cơ ô nhiễm ở tầng đáy thành khí CO2 và nước thì dù nước thải từ bên ngoài có đổ vào liên tục hàng ngày nhưng sẽ được xử lí ngay trong ngày, mà không cần thu gom, tách nước thải từ nguồn, không luân chuyển nước thải đi nơi khác, không dồn chất ô nhiễm xuống hạ lưu.

Còn thời gian 2-3 tháng là cả xử lí phân hủy bùn hữu cơ mà không cần nạo vét cơ học chứ không phải là riêng thời gian xử lý nước thải".

File0735

Chuyên gia Nhật Bản tắm nước sông Tô Lịch ngày 8/8 vừa qua. (Ảnh: Di Linh).

Bên cạnh đó, phía JVE cũng trích dẫn một số ý kiến của Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản về một số nội dung mà Sở TN&MT TP HCM đưa ra như việc khử Nito, xử lí Phốt pho...

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.