Sớm gỡ các dự án treo ở Vũng Tàu

Cử tri nhiều lần đặt vấn đề chất vấn, yêu cầu lãnh đạo tỉnh giải quyết dứt điểm, khả thi chứ không phải “nói để cho có, hứa rồi bỏ đó”.

Tại kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khóa 6 đang diễn ra, chủ đề làm nóng diễn đàn thảo luận của các đại biểu là qui hoạch treo, dự án chậm triển khai trong nhiều năm qua.

Người dân bị "trói tay" vì chủ đầu tư thiếu năng lực

Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Du lịch, thay mặt tổ đại biểu số 3, phát biểu: TP Vũng Tàu hiện có rất nhiều dự án nhà ở, khu đô thị (KĐT) triển khai chậm, kéo dài nhiều năm gây bức xúc cho người dân. Đơn cử như dự án KĐT Chí Linh, khu nhà ở Đồi 2 phường 10, khu nhà ở Đồi Ngọc Tước 2 phường 8, khu nhà ở phía tây đường Hàng Điều, phường 1…

"Người dân trong vùng dự án đã có quyết định thu hồi đất không có các quyền đối với đất của mình như xây dựng, cải tạo nhà ở, chuyển nhượng, mua bán. Trong khi đó hệ thống hạ tầng như đường, điện ngày càng xuống cấp mà không được đầu tư sửa chữa vì không phù hợp qui hoạch. Điều này dẫn tới việc người dân tự ý xây nhà trái phép, chạy chọt, xin xỏ để được cấp phép sửa chữa, xây tạm… Tình trạng này gây mất niềm tin của người dân vào chủ đầu tư (CĐT) dự án, chính quyền địa phương, phát sinh nhiều đơn thư khiếu kiện, gây mất an ninh trật tự" - bà Hiền trăn trở.

Bà Hiền chỉ ra nguyên nhân khách quan là chính sách pháp luật về đất đai, đầu tư xây dựng thay đổi. Song nguyên nhân chính là do các CĐT thiếu năng lực, chỉ nhằm vào lợi nhuận mà bỏ qua lợi ích cộng đồng và quyền lợi của người dân.

Sau khi dự án được phê duyệt, CĐT chỉ ưu tiên chọn phần dễ để giải phóng mặt bằng, có qui hoạch nhà ở để triển khai dự án, bán nền hoặc lách luật cho người dân góp vốn… Còn lại phần diện tích xây dựng trường học, công viên hoặc các khu khó bồi thường thì để lại. Hệ quả là người dân trong vùng dự án chịu hậu quả. Điều này còn khiến các KĐT chịu bộ mặt chắp vá, thiếu thốn về hạ tầng kỹ thuật, xã hội.

"Về trách nhiệm quản nhà nước, các cơ quan cấp phép chủ trương đầu tư nhưng thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát tiến độ các dự án. Đối với các dự án kéo dài hàng chục năm, đã có quyết định thu hồi đất nhưng CĐT không triển khai thì đề nghị cơ quan chuyên môn nghiên cứu tạo điều kiện cho người dân được sửa chữa nhà ở" - bà Hiền kiến nghị.

Đại biểu Mai Minh Quang tiếp lời: "Nhiều đồ án qui hoạch kéo dài nhiều năm chưa triển khai, gây trở ngại rất lớn cho người dân đối với quyền sử dụng đất của mình. Họ không thể xây dựng, sửa chữa nhà, thế chấp vay vốn, cũng không thể phân chia quyền thừa kế, tách thửa cho người thân".

Sớm gỡ các dự án treo ở Vũng Tàu - Ảnh 1.

KĐT Chí Linh triển khai xây dựng hơn 20 năm chưa xong, đã qua tám lần xin điều chỉnh qui hoạch. (Ảnh: T.KHÁNH)

Rà soát lại các dự án treo nhiều năm

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thông tin: “Theo qui định tại Điều 49 Luật Đất đai, khu vực dự án chưa có thông báo thu hồi đất thì người sử dụng đất được tiếp tục thực hiện các quyền của mình như sửa chữa, cầm cố, thế chấp nhưng không được xây mới nhà ở. Trường hợp đã có thông báo thu hồi đất người dân vẫn được sử dụng đất, nếu có nhu cầu chuyển nhượng thì phải thực hiện đăng vào sổ địa chính, không cấp sổ hồng được; muốn sửa chữa phải được cơ quan chức năng cho phép”.

Nghe ông Linh phát biểu, ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trao đổi lại: “Hiện nay ở một số khu vực nông thôn, đặc biệt ở thị trấn, thị tứ, địa phương có qui hoạch các tuyến đường nhưng vì chưa có nguồn vốn nên vẫn treo ở đó. Những thửa đất nằm trong qui hoạch các tuyến đường này người dân hoàn toàn bị hạn chế quyền, gần như bị vô hiệu hóa hết, không thực hiện được”.

Theo ông Tạ Quốc Trung, Giám đốc Sở Xây dựng, hiện ở Vũng Tàu có khoảng 50 dự án phát triển nhà ở thương mại đang triển khai và năm dự án KĐT mới. Các sở, ngành cùng với TP vẫn đang làm việc với CĐT rà soát các dự án chậm triển khai. Đến nay đã đề xuất tỉnh thu hồi chủ trương đầu tư với 12 dự án, gia hạn bốn dự án đồng thời đốc thúc, có giải pháp, kiến nghị cùng tháo gỡ khó khăn cho các CĐT dự án còn lại để sớm triển khai thực hiện.

Ví dụ người dân có một căn nhà, xung quanh là đất nông nghiệp và họ có nhu cầu cho con xây nhà ở riêng. Thế nhưng trong vùng dự án không cho chuyển mục đích sử dụng đất, người dân xây sẽ bị đập vì không phải đất ở. Bài toán cho người dân xây nhà tạm trên đất nông nghiệp trong vùng qui hoạch là vấn đề mà tất cả chúng ta phải bàn đến để gỡ cho dân. Không làm được việc này thì có bàn mãi cũng không giúp được gì cho người dân trong vùng qui hoạch.

Ông NGUYỄN VĂN TRÌNH, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu


Tôi đề nghị UBND tỉnh đến chu kỳ điều chỉnh thì rà soát lại các qui hoạch cũ theo tư duy phát triển mới để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn và mức độ khả thi. qui hoạch nào chưa làm nhưng khả thi thì giữ và phải có lộ trình thực hiện; qui hoạch nào không khả thi thì loại ra, xóa bỏ và thông báo cho người dân biết.

Ông NGUYỄN HỒNG LĨNH, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.