Một đoạn sông Tô Lịch đang được quây lại để xử lí vì mực nước thấp. (Ảnh: Di Linh).
Như chúng tôi đã đưa tin, ngày 16/5/2019, dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản đã được tiến hành. Đây là dự án được nhiều người dân chờ đợi với mong muốn giảm ô nhiễm sông Tô Lịch.
Đáng chú ý, ngày 15/6 vừa qua, Công ty cổ phần cải thiện môi trường Nhật - Việt (JVE), đơn vị thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản (Nano-Bioreactor) đã tiếp tục quây một đoạn sông để xử lí bùn.
Nhằm làm rõ hơn về việc xử lí bùn ở sông Tô Lịch, chúng tôi đã có trao đổi với đại diện Phòng Kĩ thuật của JVE.
Theo phía JVE, đây vẫn là công nghệ Nano-Bioreactor đang áp dụng thí điểm tại sông Tô Lịch.
"Công nghệ này ngoài xử lí căn cốt vấn đề mùi sau 3 ngày, thì khoảng sau 2 tháng, lượng bùn và chất thải ở dưới lòng sông Tô Lịch sẽ bị phân hủy, nước sẽ trong trở lại và đạt các chỉ tiêu chất lượng nước theo QCVN08", phía JVE thông tin.
Đơn vị thí điểm làm sạch sông Tô Lịch cho biết "bài toán" của Sông Tô Lịch gồm 3 yêu tố. Thứ nhất là cần xử lí lượng nước thải hàng ngày chưa qua xử lí lên tới 150.000m3/ngày đêm từ 280 cửa xả thải vào gây ô nhiễm.
Được biết, công nghệ Nano-Bioreactor có thể xử lí tới 1,35 triệu m3/ngày đêm gấp 9 lần lượng nước xả thải vào, ngoài ra tốc độ xử lý bằng 6 lần tốc độ âm thanh nên chất ô nhiễm sẽ được xử lí. trong ngày.
Thứ hai là cần xử lí mùi của sông Tô Lịch. Theo phía JVE, mùi của sông Tô Lịch do lượng khí độc Hydro Sunfua (H2S), Amoniac NH3(mùi khai) gây mùi hôi thối khó chịu.
"Tuy nhiên bọt khí Nano phân hủy phá vỡ cấu trúc phân tử của H2S, NH3 làm cho sông hết mùi trong thời gian ngắn", đại diện JVE cho biết.
Lớp bùn của sông Tô Lịch khá dày, nhiều công nhân thi công khi lội bùn muốn rút chân không dễ. (Ảnh: Di Linh).
Thứ ba là cần xử lí lượng bùn dày 1-1.5m(tùy vị trí) dưới lòng sông Tô Lịch triệt để.
"Từ trước đến nay, khi xử lí sông, hồ là ở Việt Nam chúng ta chỉ nghĩ đến việc nạo vét tầng bùn đáy. Các dự án nạo vét cơ học tốn nhiều chi phí nhưng không xử lí được tận gốc vấn đề. Một thời gian sau nạo nét, lượng bùn tầng đáy lại tích tụ.
Ngoài ra, mỗi lần nạo vét cơ học, phải tốn diện tích đất để chôn lấp bùn, từ đó có nguy cơ ảnh hưởng tới mạch nước ngầm.
Công nghệ Nano-Bioreactor vừa xử lí ô nhiễm nước sông Tô Lịch, vừa xử lí phân hủy bùn ở dưới đáy sông Tô Lịch. Tuy nhiên, vì xử lý phân hủy bùn thành CO2 và nước ở khu vực tầng đáy nên chúng ta chưa "cảm nhận" được", đại diện JVE thông tin.
Ngoài ra, theo đơn vị thí điểm, khi mực nước sông Tô Lịch thấp, dẫn đến không đủ nước để dẫn bọt khí nano đến khu vực bùn cao hơn mực nước nên chuyên gia Nhật Bản quyết định quây khu vực bùn (có cung cấp nước thải liên tục từ bên ngoài vào, tạo dòng lưu thông trong khu vực quây bùn, chứ không phải là hoàn toàn tách biệt với khu nước thải bên ngoài) để thực hiện công nghệ phân hủy bùn thành CO2 và nước.
Khu vực thí điểm xử lí bằng công nghệ Nhật Bản sắp được 1 tháng. (Ảnh: Di Linh).
Cũng liên quan đến vấn đề xử lí bùn sông Tô Lịch, đại diện đơn vị thí điểm cho biết công nghệ này đã áp dụng ở nhiều nước trên thế giới như Ấn độ, Trung Quốc (xử lí bùn và nước sông).
Được biết, tại Việt Nam, công nghệ trên đã từng áp dụng thí điểm làm sạch nước và phân hủy tầng bùn đáy dày 1,5m về chỉ còn 10cm tại một hồ điều hòa của tỉnh Quảng Ninh.
Đáng chú ý, phía JVE cũng cho biết, ngày 17/6, một số đơn vị sẽ lấy mẫu nước, bùn ở sông Tô Lịch sau 1 tháng thí điểm xử lí ô nhiễm bằng công nghệ Nhật Bản để phân tích.
"Theo thực tế của qui trình và thời gian phân tích ra kết quả lấy mẫu thì sau 7 ngày mới có kết quả của các chỉ tiêu QCVN08.
Tuy nhiên, các đơn vị còn phân tích cả số lượng vi sinh vật có lợi, có hại, vi khuẩn có hại thay đổi thế nào trước và sau xử lí nên phải sau 10 ngày mới có kết quả", đại diện JVE nói.
Cũng theo đơn vị này, kết quả sẽ được báo cáo các Sở, ban, ngành của Hà Nội và phía chuyên gia Nhật Bản, JVE sẽ xem xét công bố cho các cơ quan báo chí.
Chuyên gia Nhật Bản lội sông Tô Lịch lấy mẫu bùn và nước. (Ảnh: Di Linh).
Trước đó, ngày 6/6, TS Kubo Jun, chuyên gia Nhật Bản đã trực tiếp lội xuống sông Tô Lịch để lấy các mẫu nước, bùn.
Sau khi dùng tay lấy bùn và đưa lên mũi ngửi, vị này cho biết chỉ số về độ dày bùn, mùi hôi đã giảm đáng kể.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quốc Tuấn, một người dân sống cạnh sông Tô Lịch cũng cho biết mùi hôi thối đã giảm.