SSI Research: Lợi nhuận Vietcombank, BIDV và VietinBank dự báo giảm 36% trong nửa cuối năm

SSI Research dự báo, tổng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng trong nửa cuối năm giảm 22,1% so với cùng kì 2019. Trong đó, lợi nhuận của Vietcombank, BIDV và VietinBank giảm 36%, chủ yếu do chi phí dự phòng gia tăng.

Bộ phân Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa có báo cáo đánh giá triển vọng về ngành ngân hàng trong nửa cuối năm với nhận định: Lợi nhuận sẽ tiếp tục sụt giảm do thu nhập hoạt động đi xuống và trích lập dự phòng gia tăng.

Theo SSI Research, tính đến cuối tháng 7, tổng tín dụng tăng 3,7%, so với mức 3,65% trong 6 tháng đầu năm và bằng một nửa cùng kì năm trước (khoảng 7,5%). Nhu cầu tín dụng có thể tiếp tục suy yếu do cả nước hiện đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ hai trong khi các ngân hàng có thể sẽ không hạ tiêu chí cấp tín dụng. Bên cạnh đó, cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn và trái phiếu doanh nghiệp có thể tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng, mảng bán lẻ sẽ không mạnh như trước.

SSI Research ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ trong khoảng 7,5- 8,5%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng ban đầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 11-14%.

SSI Research: Lợi nhuận Vietcombank, BIDV và VietinBank ước giảm 36% trong nửa cuối năm - Ảnh 1.

Nguồn: SSI Research

Mặt khác, SSI Research cho rằng tác động của việc giảm lãi suất huy động sẽ phản ánh rõ hơn trong 6 tháng cuối năm 2020.

Đến cuối tháng 7, các ngân hàng niêm yết đã giảm lãi suất huy động 0,9 – 2,1 điểm phần trăm. Mức giảm lớn nhất thuộc về lãi suất huy động kì hạn 12 tháng (là lãi suất tham chiếu cho lãi suất cho vay dài hạn) đã được thực hiện từ tháng 6 và tháng 7.

SSI Research dự báo lãi suất huy động tiếp tục giảm khoảng 0,5 điểm phần trăm đối với kì hạn trên 6 tháng và 0,7 điểm phần trăm đối với kì hạn dưới 6 tháng trong 5 tháng tới. Động thái này là do nhu cầu tín dụng yếu, cũng như quyết định gần đây của NHNN về việc nới rộng thời gian áp dụng mức trần 40% về tỉ lệ vốn ngắn hạn dùng cho vay trung và dài hạn thêm một năm nữa đến hết ngày 30/9/2021.

Đơn vị phân tích này cũng nhận định nợ tái cơ cấu tăng sẽ làm tỉ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) tiếp tục giảm trong nửa cuối năm.

Theo đó nợ xấu và nợ vay tái cơ cấu sẽ tăng nhanh vào cuối năm. Dựa trên ước tính của NHNN vào quí I, khoảng 2 triệu tỉ đồng dư nợ cho vay, chiếm 23% tổng tín dụng, chịu ảnh hưởng bất lợi bởi đại dịch. Khi đại dịch kéo dài, số lượng khách hàng gặp khó khăn về dòng tiền sẽ tiếp tục tăng lên. Các ngân hàng sẽ phải đưa các khoản vay vào danh sách tái cơ cấu, hoặc phân loại lại thành nợ xấu. Do đó, thu nhập lãi mất đi liên quan đến nợ tái cơ cấu và nợ xấu có thể ở mức đáng kể hơn.

Hơn nữa, một phần thu nhập lãi được ghi nhận trong 6 tháng có thể sẽ được thoái thu do khoản nợ này bị hạ xếp loại.

SSI Research ước tính, những tác động tiêu cực của việc giảm lãi suất và miễn lãi sẽ kéo dài trong suốt nửa cuối năm 2020, lâu hơn giai đoạn nửa đầu năm. Do đó, NIM sẽ giảm thêm 0,6 điểm phần trăm trong nửa cuối 2020 nếu lo ngại thành hiện thực.

SSI Research: Lợi nhuận Vietcombank, BIDV và VietinBank ước giảm 36% trong nửa cuối năm - Ảnh 2.

Nguồn: SSI Research

Bên cạnh đó, SSI Research cũng cho rằng trích lập dự phòng sẽ làm giảm thêm lợi nhuận. Đơn vị phân tích này ước tính các ngân hàng sẽ đẩy nhanh việc trích lập dự phòng cho nợ xấu mới và nợ tái cơ cấu, dù thời hạn của Thông tư 01 có thể được kéo dài để trì hoãn thời gian ghi nhận nợ xấu.

Với các lập luật trên, SSI Research ước tính tổng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng trong nửa cuối năm giảm 22,1% so với cùng kì 2019, do thu nhập hoạt động (TOI) giảm 4% và chi phí dự phòng, tăng 48%.

Trong đó, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV và VietinBank) ước tính giảm 36%, chủ yếu do chi phí dự phòng tăng 59% trong nửa cuối năm 2020.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.