SSI Research vừa có báo cáo cập nhật ngành bia. Theo báo cáo, nhu cầu đối với bia bị ảnh hưởng tiêu cực hơn bởi dịch Covid-19 trong 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng giảm 12,7%, trong khi Nielsen thống kê tiêu thụ danh mục sản phẩm FMCG chỉ giảm 7,3%.
Theo Nielsen, sản lượng tiêu thụ quí II giảm 22,6% so với cùng kì. Dữ liệu của Nielsen phản ánh mức tiêu thụ bia thực tế, trong khi doanh thu của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã: SAB) và các công ty bia khác phản ánh số liệu từ nhà máy sản xuất tới các đại lí phân phối.
Tỉ trọng tiêu thụ bia chiếm 20,7% trong tiêu thụ FMCG tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 (theo Nielsen), giảm nhẹ so với mức giảm 22% trong năm 2019.
Sản lượng sản xuất phục hồi kể từ tháng 5, tăng 60% so với giai đoạn tháng 2 đến tháng 4. Sản lượng lũy kế nửa đầu năm giảm 17% so với cùng kì năm 2019, theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
Quí II là quí xấu nhất đối với ngành bia do chính sách giãn cách xã hội trên toàn quốc trong 3 tuần đầu tiên của tháng 4, và do các cơ sở kinh doanh đồ uống bị yêu cầu đóng cửa trong thời gian dài hơn các cơ sở kinh doanh khác (giữa tháng 3 đến đầu tháng 6).
Các yêu cầu đóng cửa đối với các cơ sở kinh doanh đồ uống như vậy tiếp tục được ban hành tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao trong đợt bùng phát dịch bệnh hiện tại.
Quí I là quí xấu nhất đối với lợi nhuận của Sabeco, do Sabeco không tích cực đẩy mạnh kênh bán hàng và phân phối trong quí I. Tuy nhiên, mức tiêu thụ bia gần như đã phục hồi về mức trước khi có dịch Covid-19 vào tháng 6, theo SAB. Biên lợi nhuận cao hơn cũng được ghi nhận do nỗ lực cắt giảm chi phí của công ty. Tương tự, hầu hết các công ty sản xuất bia niêm yết đều phục hồi dần trong quí II.
Trong năm 2020, SSI Research ước tính sản lượng bia của Sabeco giảm 30% so với năm trước. Trong 6 tháng cuối năm 2020 kì vọng sẽ tốt hơn 6 tháng đầu năm nếu như không có đợt giãn cách xã hội nào trên phạm vi cả nước như hồi đầu tháng 4.
Trong năm 2021, SSI Research cho rằng ngành này có thể phục hồi 20% do sự phục hồi từ mức cơ sở thấp ước tính trong năm 2020. Mặc dù vậy, SSI Research không kì vọng mức tiêu thụ bia sẽ đạt mức trước khi có dịch Covid-19 trong năm 2021. Mức tiêu thụ bia có thể mất vài năm để phục hồi về mức trước khi có dịch và trước khi ban hành Nghị định 100.
Đối với Sabeco, SSI Research ước tính tỉ suất lợi nhuận gộp sẽ dao động trong khoảng 28,2 - 28,5% trong 2 - 3 năm tới. Tỉ suất lợi nhuận ổn định như vậy là nhờ vào dự án số hóa của công ty, “Sabeco 4.0”.
Trong năm 2021, SSI Research ước tính Sabeco có thể đạt 33.330 tỉ đồng doanh thu thuần và 5.082 tỉ đồng lợi nhuận ròng. Sang năm 2022, ước tính doanh thu thuần của Sabeco có thể đạt 36.080 tỉ đồng và lợi nhuận ròng đạt 5.594 tỉ đồng.
Tiêu thụ tại các kênh off-trade càng trở nên quan trọng hơn trong các năm tiếp theo. Do đó, các công ty bia đã bắt đầu nỗ lực tập trung nhiều hơn vào các kênh off-trade và kênh thương mại hiện đại. Sabeco cho biết họ sẽ tiến xa hơn vào nền tảng thương mại hiện đại.
Thông thường, tại Hà Nội và TP HCM, SSI Research nhận thấy Heineken là công ty bia có độ phủ sản phẩm cao nhất trên kênh thương mại hiện đại. Gần đây, Heineken đã cho ra mắt sản phẩm mới không cồn “Heineken 0.0” tại Việt Nam sau khi Nghị định 100 có hiệu lực.
Trong khi đó, Sabeco chưa có kế hoạch sản xuất sản phẩm tương tự, do công ty tin rằng sản phẩm này chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ trong toàn ngành nói chung. Thay vào đó, Sabeco đã giới thiệu sản phẩm khác có tên là “Lạc Việt” nhân dịp kỉ niệm 145 năm thành lập để cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm Bia Việt, một sản phẩm của Heineken đã được ra mắt từ đầu tháng 4.