SSI Research: P/E của hầu hết các ngành đã quay trở lại mức trước Covid-19

SSI Research cho biết hệ số P/E thị trường là 16,03 lần tại ngày 28/12/2020, mức định giá này của hầu hết các ngành đã quay trở lại mức trước Covid-19, ngay cả khi tính đến lợi nhuận phục hồi mạnh mẽ năm 2021.

SSI Research vừa có báo cáo sơ lược về triển vọng vĩ mô và thị trường Việt Nam năm 2021.

SSI Research cho biết năm 2021, ước tính tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết trong phạm vi nghiên cứu của đơn vị này là 23% sau khi giảm 17% trong năm nay. 

Tại ngày 28/12/2020, hệ số P/E thị trường năm 2021 ở mức 16,03 lần. Theo dữ liệu lịch sử của thị trường Việt Nam, SSI Research chọn thời gian tham chiếu P/E trong vòng 3 năm qua vì đây là khoảng thời gian thị trường chứng khoán Việt Nam đạt mức tăng trưởng mạnh về quy mô và nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng đầu tư hơn trong bối cảnh chu kỳ nền kinh tế tăng trưởng mạnh. 

P/E trung vị trong giai đoạn 2018 - 2020 là 16,4 lần và mức P/E đạt được cao nhất là 21,6 lần tại ngày 22/3/2018.

Với hệ số P/E thị trường là 16,03 lần, SSI Research cho biết định giá hiện tại của hầu hết các ngành đã quay trở lại mức trước Covid-19, ngay cả khi tính đến lợi nhuận phục hồi mạnh mẽ năm 2021. 

Tuy nhiên, SSI Research cho rằng năm 2020 - 2021 có thể sẽ khác, đặc biệt khi tính đến thanh khoản dồi dào và vai trò của nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là nhà đầu tư “F0” ngày càng tăng. 

Ngoài ra, định giá thị trường Việt Nam vẫn còn thấp hơn tương đối so với các nước khác trong khu vực. 

Trong kịch bản tốt nhất, dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán sẽ là động lực giúp P/E thị trường năm 2021 đạt mức cao kỷ lục như mức đã đạt được trong vòng 3 năm qua. Trong kịch bản cơ sở,  SSI Research sử dụng mức hệ số P/E 18 lần cho chỉ số VN-Index trong năm 2021 (tương đương với triển vọng tăng giá là 12,3%), báo cáo nêu rõ.

Ngành ngân hàng và bất động sản là hai ngành lớn nhất trong VN-Index, với tỷ trọng lần lượt là 27% và 26%. Cả hai lĩnh vực này đều được cho là hưởng lợi trong đại dịch do môi trường lãi suất thấp và thanh khoản dồi dào giúp cải thiện NIM của các ngân hàng niêm yết, trong khi rủi ro hình thành nợ xấu là hạn chế do đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ hai và thứ ba diễn ra rất ngắn. 

Mặt khác, giá bất động sản tiếp tục tăng trong bối cảnh nguồn cung tại TP HCM ở mức hạn chế. 

Theo dự báo của SSI Research, ngành năng lượng, tiêu dùng không thiết yếu và bất động sản là ba lĩnh vực có thể đạt mức tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2021. 

Trong báo cáo đầu tháng 12 của Fiin Group dự báo các cổ phiếu của doanh nghiệp phi tài chính có P/E dự báo ở mức 20,6x cho cả năm 2020 và tương đương với mức P/E lúc ra báo cáo là 20,5 (dựa trên lợi nhuận trượt 4 quý gần nhất) nhưng cao hơn so với mức định giá cuối năm 2019 (17,2) do EPS dự báo suy giảm ở mức 21,9% trong năm 2020. 

Các cổ phiếu ngân hàng đầu tháng 12 được định giá ở mức 1,8 P/B và 12,2 P/E. Với dự báo lợi nhuận tăng trưởng 10,1% trong năm 2020, cổ phiếu của khối ngân hàng có P/E khoảng 12,3. 

Tuy nhiên, Fiin Group cho biết các chỉ số định giá này được xác định dựa trên lợi nhuận kế toán và có thể thay đổi lớn tùy thuộc vào việc các ngân hàng sẽ chủ động hạch toán nợ xấu do tác động của Covid-19 ra sao hoặc liệu Thông tư 01 có được gia hạn bởi ngân hàng nhà nước hay không. 

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.