Starup Việt rất ngộ, được rót vốn là xây văn phòng mới, còn startup nước ngoài sẽ tìm khách hàng, tăng bán sản phẩm

Trong khi các startup nước ngoài được rót vốn, điều đầu tiên họ nghĩ đến là làm sao có thêm khách hàng mới, làm sao tăng sản phẩm bán ra thị trường, nhưng các startup Việt Nam khá ngộ, sau khi được đầu tư thì tập trung xây văn phòng rất đẹp.

Đó là chia sẻ của bà Lê Huỳnh Kim Ngân - sáng lập và CEO Twenty.vn, một chuyên gia kết nối, cố vấn khởi nghiệp nổi tiếng trong cộng đồng startup tại chương trình Startup Việt 2019, do báo điện tử VnExpress tổ chức với chủ đề "Hành trình kì lân - Unicorn to be", diễn ra hôm nay (2/12) tại TP HCM.

Startup Việt không có tư duy mở bằng các startup Indonesia

Chia sẻ về thách thức để một startup trở thành kì lân, bà Lê Huỳnh Kim Ngân cho biết tại Đông Nam Á, hiện các kì lân công nghệ đang trỗi dậy với những cái tên quen thuộc như Grab, Traveloka, GoJek, Sea Group, Razer. Các doanh nghiệp này đang có các khoản đầu tư vào Việt Nam.

Tại Việt Nam, VNG cũng nằm trong danh sách những "kì lân" của khu vực. Bà Ngân dự báo thêm tương lai VNPay có thể cũng sẽ sớm gia nhập câu lạc bộ này.

79285252-1421762194639297-7522-6343-1794-1575256923_680x0

Bà Lê Huỳnh Kim Ngân cho biết các startup Việt không có tư duy mở bằng các startup Indonesia. (Ảnh: BTC).

"Qua khảo sát, tôi nhận thấy 9/11 kì lân khu vực hiện nay, các nhà sáng lập đều từng học tập ở nước ngoài. Đây là một yếu tố khá quan trọng bởi học tập, từng sống và làm việc tại nước ngoài giúp nhà sáng lập có tư duy đổi mới, sáng tạo. Nếu được nên dành thời gian qua những nước khác, thậm chí sống như người bản xứ mới hiểu được tại sao sản phẩm đó có thể sống được", bà Ngân cho biết.

Bà cho rằng trước đây, nhiều năm trước khi là người đứng ra tổ chức Vietnam Venture Summit 2019 - sự kiện đầu tiên tại Việt Nam quy tụ hơn 200 nhà đầu tư khắp thế giới tìm hiểu hệ sinh thái khởi nghiệp, bà cũng từng phân tích mô hình kinh doanh khá phiến diện, cho đến khi được đi nhiều nơi, thậm chí sống ở đó, mới có góc nhìn toàn diện hơn. 

Cũng nhờ vậy, mới gạt được định kiến mô hình này hay mô hình kia không hợp Việt Nam, nhưng thực tế, những nước khác đã đi qua nhiều giai đoạn mới đạt được đích đến cuối cùng.

"Nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp ý với tôi rằng, tư duy các nhà sáng lập Việt Nam cần cởi mở và thắng thắn hơn, tức phải sẵn sàng thay đổi bởi các starup Việt thường cố chấp. Họ thích làm việc với những nhà sáng lập Indonesia hơn Việt Nam", chuyên gia Lê Huỳnh Kim Ngân khẳng định.

Startup Việt rất ngộ, vừa được rót vốn là xây văn phòng mới ngay

"Trong khi các startup nước ngoài được rót vốn, điều đầu tiên họ nghĩ đến là làm sao có thêm khách hàng mới, làm sao tăng sản phẩm bán ra thị trường nhưng các startup Việt Nam khá ngộ, sau khi được đầu tư thì tập trung xây văn phòng rất đẹp. Khi hỏi ra, thì hầu hết cho rằng xây văn phòng là lí do để thu hút nhân tài", bà Ngân thẳng thắn.

Chuyên gia cho rằng tập trung cho sự tăng trưởng phải là ưu tiên hàng đầu của các startup. Bà khẳng định điều này dĩ nhiên startup nào cũng nghĩ đến. Nhưng có thực hiện đúng hay không lại là việc khác, đơn cử như xây một văn phòng vừa rộng vừa đẹp như trên.

Theo bà, trước khi có hàng loạt chiến dịch quảng cáo, mời người nổi tiếng trong và ngoài nước như hiện nay, thì sàn thương mại điện tử Shopee thực tế đã có rất nhiều người bán hàng. Nguyên nhân là sàn này âm thầm dùng số tiền các nhà đầu tư rót, giúp các nhà bán hàng free ship, miễn phí giao hàng. Đó cũng là một trong những lí do khiến Shopee dẫn đầu về tỉ lệ người dùng hiện nay.

Hay X-men, theo bà Ngân, cũng nhận được vốn rót từ các quỹ đầu tư, nhưng nhà sáng lập doanh nghiệp đã dùng số tiền trên để tập trung thay đổi nhãn hiệu để đánh vào cảm xúc khách hàng, tức những gì người tiêu dùng có thể thấy nhằm tăng trải nghiệm. Trong khi đó, những thứ khách hàng không thấy như vận hành, văn phòng thì X-men chưa nghĩ tới, thậm chí văn phòng vẫn để rất nhỏ, hay lãnh đạo không dùng ôtô riêng, thay vào đó sẽ dùng taxi để tiết kiệm chi phí.

"Các startup cũng phải nghiêm túc nhìn nhận, sản phẩm của mình, mô hình của mình có đúng thời điểm hay không. Nếu đang làm sản phẩm đi trước thời đại quá sớm như blockchain… Các anh chị có đủ tiền sống tiếp nhiều năm nữa hay không, trong khi những năm đầu tiên cũng đang sống lai rai", chuyên gia cảnh báo.

Thậm chí ngay cả Facebook, nếu như ra đời năm 1995, thì không chắc nó sẽ bùng nổ nhanh như vậy. Nhưng thời điểm Facebook ra đời là thời điểm đện thoại thông minh phát triển, 2008-2012 đây là giai đoạn Facebook tăng vọt. Cùng giai đoạn này, sự phát triển của Facebook kéo theo điện thoại thông minh giá rẻ ồ ạt ra đời.

Khởi nghiệp tại Việt Nam: Từ sa mạc đến rừng nguyên sinh

Chuyên gia Lê Huỳnh Kim Ngân cũng nói một công thức thành công khác thường thấy của startup kì lân, là họ thường nghĩ đến mô hình kinh doanh trước, mô hình kinh doanh phải phù hợp nhu cầu thị trường trước khi tạo ra sản phẩm. Trong khi đó, thực tế những startup lại thường nghĩ đến sản phẩm trước, đến khi có được sản phẩm lại "vỡ mộng" với thị trường.

IMG_8878

Startup Luxstay vừa kí kết hợp tác chiến lược với Shark Việt, Shark Hưng và ca sĩ Sơn Tùng M-TP. (Ảnh: Phúc Minh).

Sau khi đáp ứng được những nhu cầu đầu tiên, các startup cũng phải không ngừng đổi mới cho sản phẩm của mình. 

"Thay đổi là những yếu tố rất quan trọng, càng lớn phải càng thay đổi, không hoàn toàn bỏ hết cái cũ mà mang cái mới, trải nghiệm mới phù hợp hơn cho khách hàng hiện đại. Thị trường rất nhiều sự lựa chọn mới mẻ, startup phải chủ động để không bị rơi vào trạng thái bị bỏ quên.

Ông Eddie Thái - Giám đốc 500 Startups Việt Nam, quỹ đầu tư mạo hiểm toàn cầu, ví von nếu như năm 2013, hệ sinh thái Việt Nam vẫn còn như sa mạc, các khoản đầu tư hạn chế với tổng cộng giá trị chưa đến 50 triệu USD. 

Thời điểm đó, Chính phủ chưa có nhiều động thái hỗ trợ, hệ sinh thái mới chỉ ở giai đoạn phôi thai. Nhà đầu tư có nguồn lực nhưng chưa chú ý nhiều đến thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, 3 năm sau, năm 2016, Việt Nam như một rừng nguyên sinh startup màu mỡ, hệ sinh thái khởi nghiệp. Thị trường tiêu dùng bùng nổ, người dân tăng chi tiêu, thương mại điện tử có giá trị đâu đó 5 tỉ USD. Nhà đầu tư tăng rót vốn, Chính phủ bắt đầu tham gia "cuộc chơi" mạnh mẽ hơn với định hướng trở thành "quốc gia khởi nghiệp".