Năm 2015, khi mẫu Bphone ra mắt lần đầu tiên, cả BKAV - nhà sản xuất lẫn thiết bị này hứng chịu rất nhiều chê bai từ người dùng cũng như các chuyên gia công nghệ. Dù sở hữu cấp hình khá cao, giá Bphone thời điểm đó bị xem là "không tưởng" khi quá cao so với mặt bằng chung, ngang ngửa với các mẫu flagship đến từ các thương hiệu uy tín thời điểm đó. Ngoài ra, sản phẩm còn dính nghi án là hàng đặt Trung Quốc với nhiều chi tiết được gia công sau đó đóng mác thương hiệu Việt.
Chiếc SH-100 của Samsung. |
Lúc này, trên các diễn đàn công nghệ bắt đầu xuất hiện câu chuyện về chiếc điện thoại Samsung đầu tiên, người Hàn Quốc đã ủng hộ ra sao và góp phần đưa hãng đến thành công ngày nay. Cụ thể, nhiều người chia sẻ, truyền nhau về mẫu điện thoại di động đầu tiên của Samsung sản xuất năm 1988, với giá bán khoảng 5.000 USD, ngang với GDP bình quân của Hàn Quốc thời điểm đó.
"So với các hãng lớn thời điểm đó, giá bán và chất lượng sản phẩm Samsung thua toàn diện", tuy nhiên câu chuyện luôn khẳng định có 99,99% người mua những chiếc điện thoại này là người Hàn Quốc. Nhờ sự ủng hộ của những người "yêu nước" và sản phẩm quê hương, Samsung có những bước đệm đầu tiên, trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới sau 25 năm.
Cái kết của câu chuyện trên luôn là câu hỏi tại sao người Việt Nam không ủng hộ hàng nội địa như người Hàn Quốc từng làm và đề cập rất nhiều tới Bphone, BKAV cũng như những cố gắng của doanh nghiệp này. Sau 2 năm từ 2015, câu chuyện tiếp tục được khơi dậy đầy đủ, nguyên bản như từng chia sẻ trước đây khi chứng kiến Bphone 2017 ra mắt và tiếp tục hứng phản ứng trái chiều từ dư luận. Nguyên nhân chủ yếu từ giá bán 9,789 triệu đồng bị xem là quá cao so với phần cứng và tính năng mà máy đem lại.
Về Samsung, mẫu điện thoại đầu tiên của hãng có tên SH-100, ra mắt năm 1988 là phiên bản di động được phát triển từ máy điện thoại dùng trên ôtô do chính đơn vị sản xuất, ra đời năm 1985. Lúc này, Samsung vẫn là một doanh nghiệp nhỏ với quy mô kinh doanh chủ yếu trong nước, doanh số các mặt hàng cũng ít ỏi.
SC-1000, nguyên mẫu của SH-100 vốn là điện thoại dùng trên ôtô. |
SH-100 có bản lề là một mẫu điện thoại di động do Motorola sản xuất. Lúc này, Motorola đang là hãng tiên phong trên thị trường, còn Nokia, "ông vua di động" một thời khi đó mới ra mắt được 3 mẫu điện thoại. Thị trường không có nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng, đặc biệt là tại các quốc gia châu Á, nơi vẫn đi chậm hơn về công nghệ. Bên cạnh đó, điện thoại của năm 1988 chỉ dừng lại ở nghe gọi, khác hoàn toàn với tiêu chí lựa chọn thiết bị di động hiện nay khi máy phải đáp ứng nhiều yêu cầu về giải trí, kết nối, liên lạc (cấu hình, tính năng phải hiện đại)...
Samsung SH-100 bán ra đúng vào Thế vận hội Mùa hè được tổ chức tại Hàn Quốc. Tuy là điện thoại di động đầu tiên của quốc gia này, sản phẩm không gây được nhiều ấn tượng trên thị trường. Theo các báo cáo, hãng chỉ tiêu thụ được khoảng 1.000 - 2.000 thiết bị trong suốt vòng đời sản phẩm. Một con số khá khiêm tốn so với dân số 42 triệu người của Hàn Quốc vào năm 1988.
Tuy không thành công, thiết bị này vẫn trở thành nền tảng để Samsung quyết định đầu tư, phát triển mảng kinh doanh điện thoại di động. Một thời gian dài sau đó, sức tiêu thụ các mẫu di động của hãng vẫn ở mức cầm chừng, nhưng Samsung không ngừng cải tiến và ra đời nhiều mẫu điện thoại mỗi năm.
Chiếc điện thoại SH-100 đánh dấu bước chân của Samsung vào làng di động nhưng chỉ bán trong nước. Do đó, có thể nói 99,99% người mua là người Hàn Quốc (mang quốc tịch Hàn Quốc). Điều này khác với việc "99% người Hàn Quốc mua chiếc điện thoại đầu tiên của Samsung để ủng hộ doanh nghiệp nhà".
Tuy nhiên, hãng điện tử này thành công như ngày hôm nay không chỉ dựa vào sự ủng hộ của người dân trong nước (Hàn Quốc có rất nhiều tập đoàn lớn khác với tiềm lực mạnh hơn Samsung khi đó). Thực tế, Samsung được biết đến là một đế chế kinh doanh đa ngành nghề. Họ đầu tư vào tất cả các mảng có thể sinh lời, từ thực phẩm, dệt may, điện tử, chất bán dẫn, đến bảo hiểm, chứng khoán, công nghiệp ôtô, đóng tàu, hàng không vũ trụ... Chiến lược kinh doanh bài bản, dám đặt mục tiêu lớn và cạnh tranh để vươn mình ra quốc tế mới là chìa khóa để Samsung lớn mạnh như ngày nay, thậm chí đánh bại "đại gia" một thời ngay trên chính thị trường quê hương như Daewoo.
Bphone là một trong số các smartphone đóng mác "Made in Vietnam" trên thị trường hiện nay. Ảnh: Anh Quân. |
Sau gần 30 năm, thị trường và công nghệ đã có nhiều thay đổi. Người dùng có vô vàn lựa chọn để sở hữu những sản phẩm theo nhu cầu và túi tiền của mình nên không tránh khỏi so sánh trước khi đi đến quyết định cuối cùng. BKAV chưa bao giờ công bố lượng Bphone được tiêu thụ, tuy nhiên không ít chuyên gia theo dõi thị trường di động tin rằng 99,99% người mua Bphone là người Việt Nam (mang quốc tịch Việt Nam) vì sản phẩm này hiện chỉ bán trong nước.
BKAV cho biết phiên bản Bphone 2017 Gold (cấu hình cao cấp) sẽ được bán quốc tế, cụ thể là Dubai, tuy nhiên vẫn chưa rõ thời điểm và giá bán của sản phẩm.
Không chỉ cạnh tranh với smartphone từ thương hiệu ngoại, Bphone cũng có những đối thủ được khẳng định là điện thoại thương hiệu Việt khác như Asanzo, Vivas Lotus hay Mobiistar đến từ các doanh nghiệp khác trong nước.
CEO BKAV lần đầu thừa nhận khó khăn và thất bại của Bphone 2015 Trên sân khấu sự kiện ra mắt Bphone 2017, CEO Nguyễn Tử Quảng đã có những trải lòng về lý do thất bại của Bphone ... |
Nhiều nét tương đồng giữa Bphone 2017 và iPhone Bphone 2017 và iPhone có nhiều điểm giống nhau về thiết kế cũng như giao diện người dùng, dù hai máy sử dụng nền tảng ... |
Ảnh thực tế Bphone 2017: thiết kế bóng bẩy hơn đời đầu Bphone 2017 được đánh giá cao về thiết kế hơn so với mẫu tiền nhiệm nhờ sự chau chuốt và rút kinh nghiệm từ thất ... |