Theo phong tục tập quán của người Chăm, họ thường tùy táng theo người chết những vật dụng làm từ vàng. Vì lý do này mà đất Quảng Nam - Đà Nẵng trải qua không ít cơn sốt săn tìm kho báu "vàng Hời" và những ngôi mộ cổ trở thành nơi thu hút sự hiếu kỳ của giới săn "vàng Hời".
![]() |
Sự thật về 'kho vàng' trong những ngôi mộ ở Đà Nẵng
Nhiều người dân sống ở quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng cho rằng khu đất mình đang sống ở bên dưới có những kho báu ... |
Kho báu "vàng Hời'' tại Gò Lăng?
Theo dân gian lý giải thì “vàng Hời” là vàng của các vua chúa người Chăm Pa, được chôn giấu ở những kho bí mật dưới đất lâu năm. Loại vàng này thường gặp là hình tượng Phật, buồng cau, trầu, nải chuối hay đàn gà... và thậm chí có linh hồn để di chuyển, đi lại bình thường.
Theo sự chỉ dẫn, chúng tôi hỏi thăm vị trí khu vực Đá Ba nổi tiếng nằm tại Hòa Thọ Tây (Q.Liên Chiểu) và sự tích của ba phiến đá này. Đi xe máy phía dưới chân cầu vượt Hòa Cầm, chúng tôi hỏi về Đá Ba và khu vực Gò Lăng nằm phía Tây tuyến xe lửa Bắc Nam.
![]() |
Khu vực Đá Ba |
Ngay lập tức người đàn ông đang cắt tóc trong tiệm hỏi ngược: "Anh đi săn tìm "vàng Hời" ở trên đấy sao? Tôi hỏi thật đấy bởi năm nào chẳng có vài người lên đây hỏi chỗ đấy. Họ còn hỏi tụi tôi mấy ngôi mộ cổ người Chăm còn ở chỗ nào không?” Nói rồi người đàn ông này chỉ cho chúng tôi ra khu vực Đá Ba ngay đường vào khu vực Gò Lăng.
Nhìn bề ngoài Đá Ba là hệ thống đá có 3 khối đá ong hình lập phương được xếp thẳng hàng, chiều cao 3 khối đá ngang mặt người đứng, chiều rộng gần 1m, khoảng cách giữa mỗi khối đá từ 50 - 70 cm. Mặt đá hướng về phía mặt trời lặn, bởi bề mặt này còn sót lại những con chữ tượng hình khó hiểu.
Ngay khu đất Gò Lăng vốn có nhiều đá ong nên việc người Chăm Pa khai thác để làm đền đài, lăng mộ có thể hiểu được. Tuy nhiên ba viên đá to được đục đẽo và xếp như thế để làm gì lại là một bí ẩn với người dân Gò Lăng đến tận bây giờ.
Tới nhà ông Gương, người đàn ông này chia sẻ từ khi sinh ra đã thấy ba tấm Đá Ba ở phía gần đường quốc lộ 1A. "Khu vực Đá Ba nằm cạnh cây Quắn đã 400 năm tuổi. Nghe người ta nói rằng đây là dấu mốc người Chăm Pa đánh dấu kho báu "vàng Hời" ở gần đó. Nhiều người cũng đến đây tìm hiểu nhưng rồi lại bỏ đi chứ không biết làm gì để giải mã bí mật".
Theo lời kể của ông Gương thì, chỗ đất này kéo qua làng Đông Phước, Đồng Bé hay Gò Theo có nhiều mộ cổ người Chăm hay người Hoa lắm. Tôi cũng thấy mấy lần họ đào mộ lên để cải táng hay có đất canh tác nhưng nào có thấy đồng vàng nào đâu. Cũng nhiều chuyện hoang đường thêu dẹt nhưng có người đào mộ thì chẳng thấy nói, mà toàn người ta truyền miệng, nên tôi chẳng tin cho lắm…
Cuộc săn "vàng Hời" không hồi kết
Vốn có một nông trại ngay ở dưới chân Gò Lăng, ông H.Thu chia sẻ: “Cách đây độ 30 năm, phong trào đào mộ cổ tìm vàng khá rầm rộ. Ngay như ngôi mộ cổ bề thế cạnh khu trang trại của tôi bị người ta đào ngách nhỏ vào trong để tìm cổ vật. Khi tôi phát hiện ra thì thấy xương sọ, xương chân tay bị vất bên cạnh, còn từ huyệt mộ thấy mộ đường hào vừa đủ một người chui vào”
Những người dân bản địa tại Gò Lăng khẳng định rằng cha ông xưa kể lại rằng ngày mới khai hoang lập ấp, mộ cổ hình mai rùa của người Chăm Pa ở Gò Lăng nhiều vô kể. Không những thế, nó còn kéo dài đến làng Đồng Bé (trên cầu vượt Hào Cầm) hay làng Đồng Phước (cuối đường Tôn Đản) và khu vực Gò Theo (khu vực Hòa Thọ Đông, Quận Cẩm Lệ).
![]() |
Ông Phan Lào trao đổi với Phóng viên |
Trao đổi ông Phan Lào (SN 1934, trú làng Đồng Bé, P. Hòa Thọ Tây, Q.Liên Chiểu) chia sẻ rằng xa xưa người dân nơi ông vẫn thường thắp hương cho những ngôi mộ cổ vô danh ở ngoài cánh đồng khu vực Đồng Bé.
Ông Phan Lào cũng chia sẻ như năm 1985, có người đàn ông ở làng Đồng Phước đi đào mộ cổ để tìm "vàng Hời". Đào mãi chẳng thấy vàng đâu, người đàn ông này trở về nhà rồi mắc bệnh chết bất đắc kỳ tử không lâu sau đó.
"Có người chết rồi cũng có người phất lên giàu nhanh chóng dù chỉ làm nông ở nhà. Người ta đồn do đào được kho báu "vàng hời" nên mới giàu. Thế là người ta rủ nhau đi tìm "vàng Hời" suốt mấy năm liên tục. Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm được đâu mà có người còn nói không tìm được "vàng Hời" lại may chứ xui gì", ông Lào vừa cười vừa nhớ lại.
![]() |
Bà Cảnh kể chuyện với Phóng viên về "vàng Hời" |
Gần nhất vào năm 2012, một người rà sắt vụn đã dò trúng một lọ "vàng Hời" trong mộ cổ lên đến gần 10 kg trên đường Nguyễn Tấn Phước (P.Hòa Thọ Tây). Theo bà Phan Thị Cảnh (trú tổ 34 P.Hòa Thọ Tây) cho biết thông tin này lan ra và biến khu vực này trở thành nơi hiếu kỳ của những người rà sắt vụn, những người trong xóm.
Qua ba lần tìm kiếm số vàng trong mộ cổ không dưới 30 kg, tuy nhiên không phải ai cũng có số trúng đậm như người rà sắt phế liệu.
"Có vài người thu gom bán được chục triệu nhưng cũng có người chỉ được vài trăm ngàn. Đến tận bây giờ nhiều người vẫn đồn khu vực Cẩm Lệ còn nhiều kho vàng lắm nhưng muốn tìm không dễ bởi nó bị vùi lấp hay quá trình đô thị hóa che hết đi mọi dấu vết. Chỉ khổ cho chúng tôi cũng bị cuốn theo vụ đào phải "vàng Hời"… bà Cảnh cho biết.
Còn tiếp