Ngày 12/6, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Mai Trọng Tuấn, 79 tuổi, cựu phi công Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông Tuấn chính là người đưa ra ý tưởng về "đường bay vàng" từng được nhiều người quan tâm.
Ông Tuấn cho biết, ông vừa gửi tâm thư tới một số cơ quan chức năng. Trong tâm thư này, ông Tuấn trình bày ý tưởng và đề xuất mở “Đại lộ xương sống” nối Hà Nội với TP HCM, đi qua ba nước Đông Dương gồm: Lào, Campuchia và Việt Nam.
Cựu phi công Mai Trọng Tuấn được nhiều người biết đến bởi những đề xuất táo bạo. Ảnh: Nguyễn Yên. |
Trong tâm thư gửi cơ quan chức năng, ông Tuấn nhấn mạnh, việc mở “Đại lộ xương sống” là cần thiết bởi con đường này sẽ giúp ba nước giải quyết được nhiều vấn đề về kinh tế, quân sự…, đồng thời thắt chặt mối quan hệ anh em láng giềng.
Bên cạnh đó, tuyến đường sẽ góp phần việc giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất, đồng thời không cần phải xây dựng sân bay Long Thành tốn nhiều chi phí.
“Không cần xây dựng sân bay Long Thành, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ ‘ế’ nếu mở Đại lộ xương sống”, ông Tuấn khẳng định.
Phân tích những mặt lợi của “Đại lộ xương sống” đối với ba nước Đông Dương, ông Tuấn cho rằng, đối với Việt Nam, con đường này sẽ ngắn nhất nối hai vùng trọng điểm kinh tế (Đông bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm 80% dân số, 65% diện tích cả nước), và cũng là vựa lúa lớn nhất trên bán đảo Đông Dương.
Từ con đường dài 1.900km như hiện nay, "Đại lộ xương sống" sẽ còn 1.000km tính từ Hà Nội đến TP HCM.
Đối với Lào, tuyến đường sẽ tạo điều kiện cho vùng Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào thông thương làm ăn, buôn bán thuận lợi với hai vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam; mở rộng xuất nhập khẩu với các nước Đông Bắc Á và Đông Nam Trung Quốc.
Các vùng Hạ Lào lưu thông dễ dàng làm ăn thuận lợi với phía nam Campuchia và Vịnh Thái Lan; thu nguồn phí giao thông lớn vì có đường đi qua dài nhất.
Đối với Campuchia, tuyến đường cũng tạo tuận lợi trong việc thông thường làm ăn với Việt Nam, Lào. Các tỉnh nghèo nằm trong khu tam giác của ba nước có điều kiện phát triển.
Tác giả đề xuất ý tưởng cho rằng, "Đại lộ xương sống" sẽ giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất, đồng thời không cần xây dựng sân bay Long Thành. Ảnh: Nguyễn Yên |
Ngoài ra, vị cựu phi công cũng cho rằng, “Đại lộ xương sống” sẽ giảm áp lực cho con đường hàng không Bắc – Nam.
“Cả chục năm nay, chúng ta đang loay hoay với dự án sân bay Long Thành vì sợ sân bay Tân Sơn Nhất quá tải. Khi Đại lộ xương sống được mở ra cự ly gần hơn, tốc độ nhanh hơn, thời gian ít, giá thành rẻ, lại không bị ảnh hưởng bởi thời tiết.
Nhiều người dân hai miền Bắc – Nam sẽ chọn Đại lộ xương sống để đi lại. Như vậy, lượng khách đi bằng đường hàng không giảm xuống 50% - 60%, chắc chắn khi đó, tư duy cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất không đủ tải sẽ đảo ngược”, ông Tuấn lý giải.
Ông Tuấn cũng cho hay: “Hiện nay, tuyến đường Quốc lộ 1A là con đường huyết mạch của cả đất nước. Tuy nhiên, hiện đang được mở rộng, vì con đường quá ngoằn ngoèo, nhiều góc khuất, thường xảy ra những tai nạn thảm khốc chết người.
Vậy tại sao chúng ta không mở Đại lộ xương sống, vừa hạn chế chiều dài, lại có sẵn đường mà người dân bên nước bạn đã mở trước đó. Nếu được mở, đại lộ sẽ không ngoằn ngoèo, nguy hiểm như quốc lộ 1A”.
Theo ông Tuấn, nếu chúng ta mở “Đại lộ xương sống" thì chỉ cần tập trung mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất như kế hoạch đang thực hiện là sẽ giải quyết được vấn đề giao thông vận tải Bắc Nam mà không cần phải xây dựng sân bay Long Thành.
Đề xuất mở “Đại lộ xương sống” của ông Mai Trọng Tuấn: Điểm bắt đầu từ đèo Mụ Dạ (Việt Nam) qua biên giới Việt – Lào tiếp đến các điểm gồm: NaPao, Mường Phìn, Xa La Van, Champasak, 4 điểm nằm trên đất Lào, Stung reng, Karatie, Bình Phước, 2 điểm trên đất Campuchia tới điểm cuối Bình Phước. Ước tính tổng chiều dài 1.000km. Trong đó, phần nằm trên đất Việt Nam là 30km, trên đất Lào 560km, trên đất Campuchia 410km. “Đại lộ xương sống của ba nước Đông Dương sẽ là chiếc đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế cũng như nhiều mặt khác cho ba nước anh em và chắc chắn sẽ là một dấu ấn đặc biệt trong mối quan hệ giữa ba nước cho con cháu mai sau," tác giả đề xuất ý tưởng khẳng định. |
Cựu phi công Mai Trọng Tuấn và những đề xuất táo bạo Ông Mai Trọng Tuấn là người đề xuất thiết lập "đường bay vàng” vào năm 2009. Ý tưởng này đã được đông đảo người dân quan tâm. Theo đó, ông đề nghị thiết lập "đường bay vàng” nối thẳng Nội Bài - Tân Sơn Nhất dọc kinh tuyến 106 độ Đông. Theo ông Tuấn, đường bay vàng sẽ rút ngắn được hành trình bay Hà Nội – TP HCM xuống 142km so với đường bay hiện tại, tương đương 12 phút bay, tiết kiệm gần 1.500 lít nhiên liệu, chi phí mỗi chuyến bay giảm 30 triệu đồng và cả năm tiết kiệm khoảng 550 tỷ đồng. Tuy nhiên, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam cho rằng, sau khi thử nghiệm, tính toán, phương án "đường bay vàng” chỉ rút ngắn được 2 đến 2 phút rưỡi bay. Trong khi đó, chi phí lại tăng thêm trung bình khoảng 460 USD/chuyến do phải trả phí khi bay qua vùng trời của Lào và Campuchia. Hơn nữa, theo Cục Hàng không Việt Nam, các yếu tố về mặt kỹ thuật - công nghệ là chưa đảm bảo yêu cầu của pháp luật Việt Nam để mở đường hàng không thẳng Nội Bài - Tân Sơn Nhất. Ngoài đề xuất gây chú ý dư luận trên, ông Tuấn còn kiến nghị không nên xây sân bay quốc tế Long Thành. Ngoài ra, vị cựu phi công từng có một số đề xuất khác thu hút nhiều ý kiến trái chiều như: Đưa khí lạnh từ Đà Lạt về TP HCM; gieo mạ miền Nam đưa ra miền Bắc cấy; kiến nghị FIFA bổ sung thẻ xanh vào hệ thống thẻ phạt... |
Sân golf Tân Sơn Nhất được cấp phép thế nào
Được chấp thuận đầu tư năm 2007 và đưa vào hoạt động năm 2015, dự án sân golf Tân Sơn Nhất nhiều lần bị phản ... |
Công nhân ‘trắng đêm’ đội mưa làm cầu vượt thép 'giải cứu kẹt xe' ở Tân Sơn Nhất
Trong đêm mưa, hàng chục công nhân vẫn hối hả thi công cầu vượt thép "giải cứu kẹt xe" ở sân bay Tân Sơn Nhất. |
Đưa đón khách đi Tân Sơn Nhất bằng trực thăng
Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square xác nhận đang tiến hành thỏa thuận và ký kết hợp đồng nguyên tắc dài ... |