Một bộ phận người dân TP có nhu cầu ăn uống trên vỉa hè. Ảnh: K.A |
Có mặt tại một quán cà phê trên đường Huỳnh Thúc Kháng quận 1 – TP HCM, chủ cho biết, từ ngày cơ quan chức năng ra quân lập lại trật tự vỉa hè doanh thu của quán giảm hẳn.
Lý do là vì quán nhỏ, vỉa hè nhỏ nên không để được nhiều xe, khách ngại vào uống vì sợ bị phạt.
“Tôi thuê quán gần 15 triệu đồng/tháng mà mấy tháng qua khách giảm hẳn, doanh thu không đủ tiền thuê nhà và điện nước.
Giờ cứ sai phạm, một cây dù bị phạt 1,5 triệu đồng, một chiếc xe lấn vỉa hè phạt 200.000 đồng nên tôi cũng ngại nhận khách khi quán hết chỗ để xe.
Và khách cũng bỏ đi khi thấy bãi xe chật cứng dù bên trong còn nhiều bàn trống”, chị Ngọc Lan, chủ quán cho biết.
Theo chị Lan, việc lập lại trật tự vỉa hè là cần thiết nhưng do vỉa hè nhỏ, nhà mặt tiền kinh doanh cũng nhỏ nên gây nhiều khó khăn cho những người kinh doanh cửa hàng ăn uống như chị.
“Nếu cơ quan chức năng cho tôi đóng một khoản tiền nào đó để được sử dụng thêm diện tích vỉa hè thì tốt quá.
Chúng tôi sẽ để một lối đi nhỏ trên vỉa hè và sử dụng phần còn lại. Tôi nghĩ nhiều người kinh doanh như tôi cũng mong như vậy. Chứ cứ đà này chắc tôi phải đóng cửa quán”, chị Lan đề xuất.
Các điểm kinh doanh giá bình dân trên vỉa hè luôn thu hút đông người tiêu dùng. Ảnh: K.A |
Cách quán chị Lan không xa là một “quán cóc” bán cà phê và nước giải khát. Gọi là quán nhưng chỉ có một xe đẩy và vài cái ghế nhựa.
Bà Xuân (65 tuổi) chủ quán cho biết, bà đã buôn bán ở đường này mấy chục năm, chủ yếu bán cho khách quen, người ở đây ai cũng biết và đều thương giúp đỡ.
“Nhờ cái quán này mà sinh sống qua ngày, nuôi mấy đứa nhỏ học hành nên người. Giờ chính quyền nói tui kéo xe nước vào sát tường nhà dân tui cũng làm theo. Buôn bán có khó khăn hơn.
Tui biết lấn chiếm vỉa hè là sai nhưng nếu không có vỉa hè và lòng thương của người dân quanh đây chắc gia đình tôi sẽ khó khăn và không biết con cái sẽ ra sao nếu không có những đồng thu từ việc bán hàng”, bà Xuân tâm sự.
Góp thêm vào câu chuyện, ông Nguyễn Văn Thân, một người dân tại khu vực này cho biết, dân lao động như ông không có tiền vào quán uống ly cà phê hay ăn tô hủ tiếu vài chục ngàn đồng mà chỉ có thể ngồi quán cóc uống cà phê 10.000 đồng và ăn hủ tiếu lề đường 17.000 đồng.
“Xã hội phát triển mấy thì vẫn có người nghèo. Người nghèo có nhu cầu của người nghèo nên dẹp hết hàng rong chắc chúng tôi sẽ khó khăn hơn. Tôi mong rằng, TP nên qui hoạch mỗi phường một khu cho người bán hàng rong để chúng tôi có điểm ăn uống phù hợp với thu nhập của mình”, ông Thân gợi ý.
Một số tuyến đường đã không còn cảnh lấn chiếm khi chính quyền lập lại trật tự vỉa hè. Ảnh: K.A |
Sau khi chính quyền các quận tiến hành lập lại trật tự vỉa hè, tại một số tuyền đường đã có vạch sơn vàng qui định nơi dành cho kinh doanh, để xe gắn máy… phần còn lại dành cho người đi bộ.
Tuy nhiên, tại các tuyến đường này vẫn xuất hiện tình trạng nhốn nháo, ùn ứ giao thông do xe máy ngừng lại mua đồ ăn, thức uống.
Cụ thể, tại tuyến đường một chiều Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, do vỉa hè rộng nên được kẻ vạch sơn vàng qui định nơi để xe, kinh doanh và phần đường cho người đi bộ.
Dù đã nép vào sâu bên trong vạch sơn vàng nhưng một tiệm cơm tấm trên tuyến đường này vẫn hỗn loạn. Khách ngừng xe mua khá đông gây ùn ứ giao thông.
Hàng rong đang là nhu cầu mua bán của nhiều người. Ảnh: K.A |
Chị Tâm, một thực khách nói: “Cơm tấm ở đây ngon và rẻ, lại sạch sẽ nên khách đông.
Tôi là dân văn phòng thu nhập chưa đến 10 triệu đồng một tháng nên chỉ có thể dành 15 – 20 ngàn đồng ăn sáng. Với mức đó, không thể thường xuyên vào quán nên luôn mua đồ ăn trên vỉa hè.
Việc mua bán trên vỉa hè là như cầu có thực của một bộ phận người dân, do đó, tôi nghĩ phải làm sao giải quyết được nhu cầu này thay vì cứng nhắc dẹp vỉa hè.
Như vậy sẽ cắt nguồn sống của nhiều người và gây khó khăn cho những người có thu nhập trung bình và thấp”.
TS Trần Du Lịch: Hàng rong là một nhu cầu xã hội
Tiến sĩ Kinh tế Trần Du Lịch, nguyên Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, khẳng định hàng rong là một ... |