Tại sao Thaiholdings muốn thâu tóm Thaigroup?

Trong thương vụ "cá bé nuốt cá lớn", Thaiholdings dự kiến chi 3.060 tỉ đồng để nắm 81,6% vốn điều lệ Thaigroup, từng là công ty mẹ nắm gần 74% vốn của Thaiholdings.

Ngày 15/8, CTCP Thaiholdings (Mã: TDH) đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường lần 2 và đã thông qua phương án điều chỉnh tăng vốn điều lệ.

Thaiholdings sẽ phát hành 296,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. Tỉ lệ thực hiện quyền mua là 539:2961.

Với 2.961 tỉ đồng thu được, Thaiholdings sẽ dành 2.954 tỉ đồng mua cổ phần Thaigroup. Số lượng cổ phần cần mua tại Thaigroup là tối đa 204 triệu cổ phần, tương đương 81,6% vốn điều lệ và giá mua tối đa 15.000 đồng/cp.

Theo đó, tổng giá trị cổ phần Thaigroup mà Thaiholdings dự kiến mua là 3.060 tỉ đồng. Trong đó 106 tỉ đồng lấy từ vốn lưu động đã đặt cọc tính đến ngày 3/8. Còn 2.954 tỉ đồng huy động qua phát hành.

7 tỉ đồng còn dư sau đợt phát hành sẽ được bổ sung vào vốn lưu động. Thời gian thực hiện phát hành dự kiến trong quí III. 

Thaiholdings sẽ hoàn tất thâu tóm Thaigroup trong vòng 90 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Sau phát hành, vốn điều lệ của Thaiholdings sẽ tăng từ 539 tỉ đồng lên 3.500 tỉ đồng.

Vì sao Thaiholdings muốn thâu tóm Thaigroup? - Ảnh 1.

Danh sách cổ đông Thaigroup chuyển nhượng cổ phần cho Thaiholdings. Nguồn: Thaiholdings

Ông Nguyễn Đức Thuỵ (cựu Chủ tịch ThaiHoldings, Chủ tịch Thaigroup) đang là cổ đông lớn nhất của Thaigroup và dự kiến chuyển 33,2% cho Thaiholdings. 8 cá nhân ở Thaigroup sẽ chuyển 48,4% cho Thaiholdings.

Thaigroup với qui mô vốn 2.500 tỉ đồng, do 11 cổ đông cá nhân góp vốn. Trong đó, có một số cổ đông cá nhân liên qua tới Thaiholdings như ông Nguyễn Đức Thuỵ và ông Nguyễn Chí Kiên, thành viên HĐQT kiêm Kế toán trưởng Thaigroup hiện là Chủ tịch Thaiholdings. Tuy nhiên, ông Kiên không nằm trong danh sách chuyển nhượng cổ phần.

Đáng lưu ý, Thaigroup từng là công ty mẹ nắm gần 74% vốn của Thaiholdings trước khi thoái sạch vốn vào tháng 4/2019.

Tại ngày 30/6 tổng tài sản của Thaiholdings đạt 1.257 tỉ đồng, vốn điều lệ 539 tỉ đồng. Do đó có thể thấy thương vụ thâu tóm Thaigroup của Thaiholdings là "cá bé nuốt cá lớn". 

Thaigroup sở hữu loạt đất vàng

Thaigroup hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, thương mại, bất động sản và xây lắp.

Theo Thaiholdings, Thaigroup đang sở hữu nhiều tài sản có khả năng chuyển nhượng như: Nhà máy xi măng Quảng Nam; 2,7 ha đất đô thị tại Khu đô thị Xuân Thành, tỉnh Ninh Bình trị giá hơn nghìn tỉ đồng; 18,7 ha đất tại Cảng Ninh Phúc.

Trong đó, Thaigroup đã kí hợp đồng chuyển nhượng nhà máy xi măng Quảng Nam ngày 6/11/2019. Dự kiến trong tháng 8/2020, Thaigroup sẽ hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng với tổng giá trị hợp đồng là 2.550 tỉ đồng. 

Bên cạnh đó, Thaigroup còn sở hữu 80,45% cổ phần tại CTCP Tôn Đản Hà Nội (sở hữu tòa Thaiholdings Tower trị giá hơn 5.000 tỉ đồng); 52,43% cổ phần CTCP Du lịch Kim Liên (đơn vị triển khai dự án có qui ô 3,5 ha tại số 5-7 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội), 98% cổ phần CTCP Encalve Phú Quốc (đơn vị triển khai dự án Khu đô thị và phức hợp 352 ha tại Bãi Thơm, Phú Quốc).

Tại ngày 30/6, Thaiholdings đã rót 365 tỉ đồng vào Du lịch Kim Liên (tỉ lệ sở hữu 17,2%) và 284 tỉ vào Công ty Tôn Đản (tỉ lệ 19,52%).  

Thaigroup cũng dự kiến chuyển nhượng dự án Cảng Ninh Phúc trong quí IV. Năm 2020, doanh thu dự kiến từ việc chuyển nhượng tài sản của Thaigroup khoảng 2.800 tỉ đồng

Doanh thu tính đến tháng 6 của Thaigroup khoảng 500 tỉ đồng, lợi nhuận gộp 50 tỉ đồng. Dự kiến năm 2020, doanh thu từ hoạt động kinh doanh của Thaigroup khoảng 1.200 tỉ, lợi nhuận gộp khoảng 100 tỉ đồng.

Tại đại hội cổ đông bất thường cũng thông qua bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT là ông Nguyễn Văn Khoa và ông Bùi Khương Duy, thay thế cho 2 cá nhân từ nhiệm là Nguyễn Thị Phương và Trương Thanh Tú.

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.