Không qua được trạm vì nhân viên không nhận tiền lẻ
Mới đây, trong đêm giao thừa (31/12/2017), tài khoản Facebook Huỳnh Long đã đăng tải một clip ghi lại hình ảnh người đàn ông dùng tiền lẻ để mua vé qua trạm thu phí BOT Cầu Rác, tại xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).
Cụ thể, anh này có sử dụng đồng tiền xu mệnh giá 500 đồng để trả tiền vé.Theo lời người đàn ông nói thì nhân viên của trạm không chịu bán vé vì cho rằng tiền mệnh giá 500 đồng đã hết hạn lưu hành. Cùng với việc không nhận tiền lẻ, nhân viên của trạm BOT đã không mở thanh chắn để cho xe của người đàn ông qua trạm.
Sau khi clip được đăng tải lên mạng xã hội đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Đa phần dư luận cho rằng, việc nhân viên không nhận tiền lẻ của tài xế là không đúng quy định pháp luật.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người đăng tải clip này là anh Huỳnh Bửu Long, trú tại huyện Long Hồ (Vĩnh Long). Trao đổi với chúng tôi, anh Long cho biết, vào đêm 31/12, anh cùng tài xế Nguyễn Minh Nghĩa (Vĩnh Long) và một nhóm bạn điều khiển xe ô tô mang BKS 62C - 07849 đi từ Lạng Sơn về TP HCM.
Tài xế tài xế Nguyễn Minh Nghĩa (Vĩnh Long) kể lại sự việc. Ảnh: Hoài Nam |
Đến khoảng 20h30, khi đi qua trạm thu phí Cầu Rác, anh đã hỏi giá vé qua trạm và được thông báo là 35 nghìn đồng/lượt.
“Sau khi trao đổi với nhân viên thu phí, chúng tôi đưa cho nữ nhân viên bán vé tổng số tiền 34.600 ngàn đồng. Do còn thiếu, tôi đưa tiếp cho họ 500 đồng loại tiền xu bằng kim loại. Tuy nhiên, nhân viên này không chịu nhận và nói tiền đó không được phép lưu hành”, anh Long kể lại.
Cũng theo anh Long thì ngay sau khi nhân viên trạm thu phí không chịu bán vé vì cho rằng tiền không còn được phép lưu hành, chiếc xe của các anh đã bị rào chắn chắn lại, không cho di chuyển qua trạm BOT.
Đến ngày 1/1, tài xế tiếp tục dùng tiền lẻ để mua vé qua trạm BOT Cầu Rác. Ảnh: Hoài Nam |
“Họ không cho chúng tôi qua trạm mà không đưa ra lý do hợp lý”, anh Long nói.
Cho rằng nhân viên trạm thu phí BOT Cầu Rác chặn xe là trái pháp luật nên anh Nguyễn Minh Nghĩa (tài xế trả tiền lẻ) đã đánhxe sang làn đường dành cho xe máy rồi phản ánh tới cơ quan chức năng.
“Sau gần 2h đồng hồ mà không qua được trạm, đến hơn 22h lực lượng chức năng đã đến và đưa chúng tôi về trụ sở Công an huyện Cẩm Xuyên để giải quyết vụ việc. Sau nhiều giờ làm việc với cơ quan chức năng, chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời thích đáng về việc chặn giữ chúng tôi như vậy”, anh Nghĩa cho biết.
Chuẩn bị sẵn tiền mệnh giá 100 đồng để "đối phó" tài xế trả tiền lẻ
Đến khoảng 12h trưa ngày 1/1, sau khi tường trình về vụ việc, nhóm tài xế đã rời khỏi trụ sở Công an huyện Cẩm Xuyên, di chuyển qua trạm thu phí BOT Cầu Rác và tiếp tục mua vé bằng tiền lẻ.
“Chúng tôi vẫn trả tiền lẻ ở một số trạm thu phí BOT, nhưng chưa nơi nào lại từ chối việc nhận tiền này. Tiền đồng xu này Nhà nước vẫn còn lưu hành, nên chúng tôi vẫn có quyền được sử dụng để mua vé”, tài xế Nguyễn Minh Nghĩa nói.
Trong lần thứ hai quay lại mua vé bằng tiền lẻ, nhóm của anh Nghĩa đã được nhân viện trạm thu phí BOT Cầu Rác chấp nhận tiền lẻ, đồng thời trả lại tờ tiền mệnh giá 100 đồng.
Trạm thu phí Cầu Rác - xã Cẩm Trung huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Ảnh: Hoài Nam |
“Chúng tôi biết trước là nhóm tài xế này sẽ quay lại dùng tiền lẻ để trả tiền mua vé giống như BOT Cai Lậy. Vì vậy, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn tờ 100 đồng để thối lại. Đây là lần đầu tiên tôi gặp sự việc này. Đêm qua nhóm người này cũng dùng tiền lẻ mệnh giá 200 đồng để mua vé, sau đó đưa tiền xu. Do không biết đồng xu đó thật hay giả nên tôi đã không bán vé”, nữ nhân viên bán vé cho hay.
Liên quan đến sự việc này, trung tá Dương Xuân Quang, Phó trưởng Công an huyện Cẩm Xuyên cho biết, đơn vị của ông đã nắm được vụ việc và đang xác minh, làm rõ.
BOT Cầu rác đã chuẩn bị tiền mệnh giá 100 đồng để đối phó tài xế trả tiền lẻ. Ảnh: Hoài Nam |
“Khi nhận được thông tin, chúng tôi huy động hơn 10 người gồm Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra đến hiện trường và mời chủ phương tiện di chuyển ra khỏi luồng thu phí. Hiện chúng tôi đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc”, trung tá Quang nói.
Ông Đoàn Trọng Vinh, Trạm phó Trạm thu phí BOT Cầu Rác xác nhận, có sự việc tài xế dùng tiền mệnh giá thấp qua trạm và nhân viên không bán vé. Tuy nhiện, ông Vinh cho hay, sự việc cụ thể như thế nào thì ông chưa xác định được, phải chờ thông tin từ cơ quan chức năng.
Trạm thu phí Cầu Rác thành lập từ năm 1979 với mục đích thu phí trên quốc lộ 1 do Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Năm 2005, Hà Tĩnh kêu gọi đầu tư xây dựng tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh. Tổng Công ty Sông Đà được chọn làm chủ đầu tư. Công ty này sau đó làm hơn 16 km đường tránh TP Hà Tĩnh theo hình thức BOT. |
Dân lại tiếp tục dùng tiền lẻ, 'quây' trạm BOT Cầu Rác | |
Gần 10 năm 'cõng phí oan', dân phấn khởi chờ ngày miễn 100% giá vé qua trạm BOT Cầu Rác |