Để có thể đạt mức giải ngân cao nhất, người đứng đầu chính quyền địa phương chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ từng dự án, tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra hiện trường trong quá trình triển khai dự án. Khi thời tiết thuận lợi, các nhà thầu, tư vấn, thi công cần tăng ca để tăng tỷ lệ giải ngân. Không thể đổ thừa cho giải phóng mặt bằng, thiếu nguyên liệu hoặc giá cao vì nhiều dự án không vướng mặt bằng vẫn giải ngân thấp và nhiều công trình vẫn thi công đúng tiến độ.
Đặc biệt, huyện Duy Xuyên, Đại Lộc cần sớm tháo gỡ vướng mắc mặt bằng thi công hoàn thành cầu Sông Thu. Ông Phan Việt Cường cũng biểu dương nỗ lực thi công của các nhà thầu trong thời gian qua, đồng thời đề nghị tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thời gian, đảm bảo công trình đạt chất lượng, mỹ thuật.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang triển khai hàng chục công trình trọng điểm về giao thông, với hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công. Tuy nhiên, vốn đầu tư công giải ngân không hết do nhiều ách tắc trong quá trình triển khai nên nhiều công trình không đúng tiến độ.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay, một số công trình trong điểm như cầu Vân Ly và đường dẫn có tổng mức đầu tư 575 tỷ đồng; Dự án đường nối quốc lộ 14H đến ĐT609C (huyện Duy Xuyên - Đại Lộc) khởi công vào tháng 7/2022, tổng mức đầu tư 340 tỷ đồng; Dự án đường nối ĐT609C đến quốc lộ 14B (huyện Đại Lộc) có tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng…
Các công trình này dự kiến hoàn thành vào năm 2024. Tuy nhiên, hiện nay tiến độ thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án chưa đạt được kết quả cao. Các khu tái định cư đến nay chưa triển khai thủ tục xây dựng để bố trí cho các hộ bị giải tỏa trắng. Về nguồn vốn trong thời gian qua bố trí cho dự án chưa đảm bảo tiến độ thực hiện, dẫn đến nợ khối lượng xây lắp hoàn thành và chậm chi trả tiền cho giải phóng mặt bằng.
Các khu tái định cư đến nay chưa triển khai xây dựng để thực hiện giải tỏa các hộ bị giải tỏa trắng, trong khi thời gian thực hiện dự án được phê duyệt đến năm 2024 kết thúc. Một số công trình mặt bằng bàn giao chưa đảm bảo để triển khai thi công. Đặc biệt, nguồn vật liệu đắp trên địa bàn khan hiếm, giá cả tăng cao… Do đó, các công trình triển khai xây lắp không thể đảm bảo tiến độ, nguồn vốn không thể giải ngân hết.
Tính đến hết ngày 30/11, vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Quảng Nam, không bao gồm các dự án do trung ương quản lý, giải ngân qua kho bạc là trên 5.529 tỷ đồng, đạt 55,2% so tổng vốn đầu tư công năm 2023 sau điều chỉnh.
Theo đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 giải ngân 4.613,25 tỷ đồng, đạt 53,9% so với kế hoạch vốn sau điều chỉnh, đạt 59,3% so với kế hoạch vốn UBND tỉnh giao từ đầu năm, đạt 66,4% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và thấp hơn so với cùng kỳ 30/11/2022. Kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài giải ngân 916,47 tỷ đồng.
Nguồn vốn phân bổ vào đầu năm 2023 lớn và bằng với tổng mức đầu tư dự án. Trong khi đó, các dự án có quy mô lớn (3/5 dự án là nhóm B) và triển khai trên địa bàn rộng, nhiều công trình ở vùng sâu, vùng xa và đa số các hạng mục công việc phải đấu thầu qua mạng nên mất nhiều thời gian. Một số dự án không lường hết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai lập dự án, thiết kế nên phải điều chỉnh, bổ sung dự án, thiết kế cho phù hợp với thực tế.
Đối với các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giải ngân chậm do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng nên việc thi công chậm, chưa có khối lượng để giải ngân; việc gia hạn hiệp định vay đến nay vẫn chưa hoàn thành, nên chưa đủ cơ sở để giải ngân mặc dù đã có khối lượng nghiệm thu hoàn thành.
Bên cạnh đó là việc khan hiếm nguồn nguyên vật liệu đất đắp, cát xây dựng và biến động đơn giá xăng, sắt, thép đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.