Tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp thép tập trung trong tay các ông lớn

Trong quí II, chỉ một số ít doanh nghiệp thép lớn, dẫn đầu thị phần có lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kì 2019. Các công ty thép khác trên thị trường chứng khoán Việt Nam đều ghi nhận lợi nhuận suy giảm hoặc thua lỗ nặng hơn trước.
Tăng trưởng lợi nhuận ngành thép tập trung trong tay vài ông lớn - Ảnh 1.

Sản phẩm tôn mạ của Tập đoàn Hoa Sen. Nguồn: Hoa Sen.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, toàn ngành thép Việt Nam (bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và ống thép) đã sản xuất 8,1 triệu tấn thép, bán 7,8 triệu tấn, trong đó 1,4 triệu tấn xuất khẩu, giảm lần lượt 6,4%, 7,0% và 12,8% so với cùng kì năm ngoái.

Đáng lưu ý, mặc dù phụ thuộc vào xuất khẩu, tiêu thụ tôn mạ chỉ giảm 1,2% so với cùng kì, mức giảm thấp hơn đáng kể so với tiêu thụ ống thép và thép xây dựng, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dẫn số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay.

Riêng quí II/2020, sản lượng bán thép xây dựng nội địa tăng 13,2% so với quí liền trước và tương đương so với cùng kì năm ngoái. Tiêu thụ ống thép nội địa quí II tăng trưởng 43,6% so với quí trước và 6,5% so với cùng kì, VDSC cho biết.

Ngược lại, sản lượng xuất khẩu thép xây dựng, tôn mạ và ống thép giảm lần lượt 9,8%, 7,3% và 29,9% so với cùng kì.

Tiêu thụ thép xây dựng và ống thép khả quan đã giúp Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu thuần quí II đạt 20.422 tỉ đồng, tăng trưởng 35% so với quí II/2019. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 2.755 tỉ đồng, tăng 34%.

Trong 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đã bán trong nước và xuất khẩu tổng cộng 1,51 triệu tấn thép xây dựng, tăng 12,4% so với cùng kì năm ngoái; bán 347.100 tấn ống thép, tăng 31%. 

Ngoài ra Hòa Phát sản xuất 2,6 triệu tấn thép thô (phôi thép) trong quí I và II. Ngoài phục vụ các nhà máy cán thép của Hòa Phát, lượng phôi thép bán ra thị trường là 831.000 tấn, riêng tháng 6 đạt 165.000 tấn. 

Tăng trưởng lợi nhuận ngành thép tập trung trong tay vài ông lớn - Ảnh 2.

Ban lãnh đạo Hòa Phát xác định năm nay khó hoàn thành mục tiêu bán 3,6 triệu tấn thép xây dựng nhưng công ty sẽ đẩy mạnh tiêu thụ phôi thép. Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long nhận định ngành thép không bị ảnh hưởng quá lớn bởi Covid-19 và Hòa Phát được hưởng lợi từ chủ trương tăng cường đầu tư công nhằm kích cầu của Chính phủ.

Ngoài sản xuất thép, mảng nông nghiệp cũng đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh của Hòa Phát quí vừa qua nhờ giá thịt heo tăng cao.

Tăng trưởng lợi nhuận ngành thép tập trung trong tay vài ông lớn - Ảnh 3.

Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) thì ghi nhận doanh thu thuần 6.834 tỉ đồng (giảm 5,5%) và lãi sau thuế 318 tỉ đồng (tăng 98%) trong quí vừa qua. Sau 9 tháng đầu niên độ tài chính (bắt đầu từ 1/10/2019), Hoa Sen đã thực hiện 68,5% kế hoạch doanh thu và 175% mục tiêu lợi nhuận.

Từ tháng 1/2020 khi mới đề ra kế hoạch lợi nhuận 400 tỉ đồng cho cả niên độ tài chính, Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ đã lạc quan nhận định rằng Hoa Sen chắc chắn sẽ đạt và vượt mục tiêu này.

Trong nửa đầu 2020, Hoa Sen tiếp tục dẫn đầu thị phần tôn mạ với 30,3%, cải thiện so với thị phần 29,5% của cả năm 2019.

Tăng trưởng lợi nhuận ngành thép tập trung trong tay vài ông lớn - Ảnh 4.

Hoa Sen từng lên kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào ngày 8/8 để bàn việc phát hành gần 90 triệu cổ phiếu HSG (tức 20% vốn điều lệ hiện nay) cho đối tác chiến lược, giá bán dự kiến không thấp hơn giá trị sổ sách 13.800 đồng/cp. 

Tuy nhiên kế hoạch đã bị hủy bỏ vì yêu cầu không tụ tập để chống dịch Covid-19 và giá cổ phiếu HSG thời gian gần đây sa sút.

Một doanh nghiệp khác có kết quả kinh doanh khởi sắc là CTCP Thép Việt Ý (Mã: VIS). Quí II/2020, Thép Việt Ý ghi nhận lợi nhuận ròng 25 tỉ đồng trong khi cùng kì năm ngoái lỗ 32 tỉ đồng.

Theo báo cáo giải trình, công ty cho biết đã mua bán nguyên vật liệu đầu vào trong quí II sát theo biến động lên xuống của thị trường. Quản trị hàng tồn kho ít chênh lệch giữa giá trị sổ sách với giá thị trường nên được hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Tiết giảm chi phí sản xuất phôi thép và tỷ giá VND/USD biến động thuận lợi cũng hỗ trợ cho lợi nhuận quí II.

Đây là quí đầu tiên Thép Việt Ý có lãi sau chuỗi 8 quí thua lỗ liên tiếp. Tại ngày 30/6/2020, Thép Việt Ý đang có khoản lỗ lũy kế 561 tỉ đồng. Gần đây công ty đã thay cả chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc.

Tăng trưởng lợi nhuận ngành thép tập trung trong tay vài ông lớn - Ảnh 5.

Các doanh nghiệp khác như Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel – Mã: TVN), CTCP Thép Nam Kim, CTCP Gang Thép Thái Nguyên (Tisco – Mã: TIS), CTCP Ống Thép Việt Đức (Mã: VGP) đều có lợi nhuận quí II năm nay đi xuống so với cùng kì.

CTCP Thép Pomina (Mã: POM) lỗ nặng hơn trước. Quí II/2020 cũng là quí thua lỗ thứ 6 liên tiếp của Pomina. Trên bảng cân đối kế toán tại ngày 30/6/2020, Pomina đang ghi nhận khoản lỗ lũy kế 156 tỉ đồng.

Trong báo cáo giải trình, Pomina cho biết công ty đang làm dự án lò cao để sản xuất thép. Dự kiến từ tháng 10/2020 lò cao mới đi vào hoạt động và cho ra doanh thu, hiện nay công ty đang phải gánh chi phí lãi vay 6 tháng tăng gần 41% so với cùng kì lên mức 209 tỉ đồng. Riêng quí II, chi phí lãi vay tăng 26% lên 107 tỉ đồng.

Thép Nam Kim thì cho biết lợi nhuận quí II năm nay giảm sút chỉ còn bằng 1/8 cùng kì là bởi quí II/2019 công ty có thu nhập bất thường từ chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty TNHH Một thành viên Nam Kim Corea cho công ty Chinasia Textile Limited. Trong quí III/2019, Nam Kim bán tiếp Nhà máy Nam Kim 1 cho Công ty TNHH Sứ Kỹ thuật Minh Long 2.

Giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp thép tại ngày 30/6 nhìn chung không có thay đổi đột biến so với ngày đầu năm 2020.

Tăng trưởng lợi nhuận ngành thép tập trung trong tay vài ông lớn - Ảnh 6.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.