Nội dung trên nằm trong đề án của UBND tỉnh Tây Ninh vừa gửi Bộ Giao thông Vận tải về nghiên cứu hình thành sân bay Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đơn vị tư vấn lập đề án, sân bay dự kiến xây ở xã Phước Ninh có địa hình đồng bằng, bằng phẳng, không tập trung đông dân cư... Vị trí này cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 74 km, cách sân bay Long Thành khoảng 106 km, cách biên giới Campuchia 44 km và TP Tây Ninh khoảng 24 km.
Sân bay được nghiên cứu thiết kế theo tiêu chuẩn cấp 4E của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), với công suất khai thác một triệu hành khách mỗi năm; công suất giờ cao điểm 400 khách mỗi giờ. Đường băng dài 3.200 m, rộng 45 m và 6 vị trí đỗ máy bay, khai thác các loại máy bay code E (Boeing 777-300ER, Airbus A350-900 hoặc tương đương) và code C (Airbus A320, A321 hoặc tương đương).
UBND tỉnh Tây Ninh cho biết tổng mức đầu tư giai đoạn đầu khoảng 4.738 tỷ đồng. Dự kiến vốn ngân sách chiếm 15%, còn lại là nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), thời gian hoàn vốn dự kiến 42 năm.
Để có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo, UBND tỉnh Tây Ninh kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, cho ý kiến thẩm định để tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ trình Thủ tướng quyết định bổ sung sân bay vào quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh đánh giá vị trí dự kiến xây dựng sân bay Tây Ninh là địa điểm phù hợp để bố trí cảng hàng không vệ tinh cho sân bay Tân Sơn Nhất, nhằm giải tỏa áp lực quá tải hành khách lẫn sự cố kỹ thuật khi cần thiết. Sân bay khi hoạt động là sân bay dân dụng và quân sự, phục vụ bay nội địa và quốc tế.
Tây Ninh thuộc vùng Đông Nam Bộ, rộng hơn 4.000 km2, gần 1,4 triệu người. Địa phương được xem là một trong những cửa ngõ giao lưu quốc tế quan trọng giữa Việt Nam với Campuchia, Thái Lan. Trung tâm hành chính của tỉnh là TP Tây Ninh cách TP HCM gần 100 km, kết nối qua quốc lộ 22. Hiện, địa phương có hai tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài, Gò Dầu - Xa Mát đang chờ xây dựng.