Tết Mậu Tuất 2018: Dịch vụ đổi tiền lẻ 'nhan nhản', hét giá 'cắt cổ'

Cùng với nhu cầu đổi tiền lẻ để mừng tuổi hoặc đi lễ chùa vào dịp Tết Mậu Tuất 2018 tăng cao, nhiều điểm đổi tiền lẻ đã phát sinh trên thị trường và giá chê...

Dịch vụ đổi tiền lẻ "nhan nhản", hét giá "cắt cổ"

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, cùng với sự sôi động của nhiều mặt hàng nhằm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, dịch vụ “đổi tiền lẻ” cũng chiếm vị trí “đắc địa” trên thị trường bởi ngày Tết mọi người thường dùng tiền lẻ để đi lễ chùa hoặc để mừng tuổi cho trẻ em lấy may trong năm mới.

tet mau tuat 2018 dich vu doi tien le nhan nhan het gia cat co

Dịch vụ đổi tiền lẻ đang là hoạt động Kinh doanh "hot" trên thị trường Tết Mậu Tuất 2018. Ảnh: Minh Trần

Đi dọc theo các tuyến phố của thành phố Hà Nội, PV liên tục bắt gặp những tấm biển treo trước các cửa hàng hoặc trên các vỉa hè với dòng chữ “đổi tiền lẻ mới” hoặc “đổi tiền lẻ”. Dừng chân trước cửa một tiệm cầm đồ ở đường Hồ Tùng Mậu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) với tấm biển to “đổi tiền lẻ” trước cửa, PV Chất lượng Việt Nam Vietq.vn đã liên lạc với chủ cửa hàng cầm đồ này theo số điện thoại được ghi trên biển hiệu. Khi được hỏi đổi tiền lẻ, người phía đầu dây bên kia cho biết, với loại tiền lẻ có mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng thì sẽ được đổi với giá chênh lệch khá cao là 30%. Tức là nếu khách hàng đổi 1 triệu đồng tiền lẻ thì sẽ phải chi ra 300.000 đồng phí chênh lệch.

“Tuy nhiên, nếu em đổi nhiều từ 1 triệu đồng trở lên thì sẽ được giảm xuống còn 25%, tức là nếu em đổi 1 triệu đồng thì em sẽ phải mất 250.000 đồng phí chênh lệch”, người này cho biết.

tet mau tuat 2018 dich vu doi tien le nhan nhan het gia cat co
Trước các cửa tiệm công khai treo biển mời chào đổi tiền lẻ. Ảnh: Minh Trần

Ngoài ra, theo chủ tiệm cầm đồ này, các loại tiền có mệnh giá 10.000 đồng và 20.000 đồng giá chênh lệch sẽ là 12%. Nếu khách hàng đổi nhiều bên cửa hàng sẽ có người giao tận nơi.

Không chỉ được mời chào công khai trên thị trường, dịch vụ đổi tiền lẻ còn được rao trên mạng xã hội như facebook, zalo, Google... Cụ thể, một tài khoản facebook có tên DatBui đã đăng bài quảng cáo đổi tiền lẻ “còn nguyên seri”. Khi PV check inbox ngỏ ý muốn đổi và yêu cầu được tư vấn, thì chủ tài khoản facebook này đã liệt kê giá chênh lệch của từng mệnh giá tiền. Cụ thể: Tiền mệnh giá 1.000 đồng là 20%, mệnh giá 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng là 10%, mệnh giá 50.000 đồng là 7%, mệnh giá 100.000 đồng và 200.000 đồng là 6%.

Không những thế, khi gõ dòng chữ “đổi tiền lẻ” trên Google, ngay lập tức rất nhiều trang mạng rao đổi tiền lẻ được hiện lên. Trong đó, một trang mạng có tên Diendanvayvon quảng cáo dịch vụ đổi tiền lẻ và đưa ra cho khách hàng một số điều lưu ý:

“Các bạn đừng ra ngân hàng yêu cầu đổi tiền, vì tại đó họ không bao giờ đổi tiền cả. Nhân viên trong ngân hàng may ra còn đổi được một ít mà chưa chắc đã được liền seri.

Bạn đã xác định đổi tiền, nên đổi trước Tết tầm 15 - 20 ngày, tránh để sát Tết mới đổi. Khi đó bạn sẽ bị đẩy giá % đổi lên rất cao.

Chọn địa điểm gần bạn nhất để đổi nhé vì khi ở gần bạn có thể gặp trực tiếp và xem chất lượng tiền như thế nào”.

Khi liên hệ với số điện thoại được cung cấp trên trang này, khách hàng được một người tư vấn, với tiền mệnh giá 1.000 đồng giá chênh lệch sẽ là 25%, 2.000 đồng là 15%, 5.000 đồng là 12%, 10.000 đồng và 20.000 đồng là 15%. Người này cho biết do giáp Tết nên giá % tăng cao, khách hàng có thương lượng là nếu đổi nhiều tiền thì có được giảm giá không thì nhận được câu trả lời là “không”.

Như vậy, lợi dụng nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao dịp cận Tết, nhiều điểm đổi tiền lẻ “mọc” lên “nhan nhản” khắp thị trường nhằm hưởng lợi từ việc “hét” giá chênh lệch cao “cắt cổ”. Với nhiều hình thức như công khai treo biển mời chào hoặc rao trên mạng xã hội... người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm đến bất cứ lúc nào.

Đổi tiền lẻ dịp Tết để hưởng chênh lệch sẽ bị xử phạt thế nào?

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 48/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018, trong đó, yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường phát hiện và xử lý các hành vi đổi tiền lẻ trái quy định của pháp luật.

Cụ thể, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế, nhất là trong dịp Tết; chỉ đạo các tổ chức tín dụng bảo đảm hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt cho hệ thống máy ATM, các hệ thống thanh toán điện tử và hệ thống thanh toán thẻ, đặc biệt tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết, bảo đảm an ninh kho quỹ.

Đồng thời, chủ động có các giải pháp phù hợp nhằm ổn định thị trường tiền tệ; tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định…

Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Theo đó, hành vi đổi tiền không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xem xét, xử phạt, mức phạt được quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 5, cụ thể:

"5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật;"

Như vậy, dịch vụ đổi tiền lẻ là hành vi trái pháp luật và bị nghiêm cấm. Nếu người nào thực hiện các hành vi đổi tiền không đúng quy định như: đổi tiền có phí, đổi tiền không đúng mệnh giá, đổi tiền không bằng giá trị… thì bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.