Thách thức khi Hà Nội loại bỏ xe máy xăng

Số dân nội đô sử dụng xe máy xăng quá lớn, trong khi phương tiện công cộng chưa phủ rộng, bãi đỗ xe, trạm sạc điện còn thiếu là thách thức khi Hà Nội bỏ xe xăng.

Theo lộ trình Thủ tướng yêu cầu, từ tháng 7/2026, xe máy chạy xăng sẽ không được phép lưu thông trong vành đai 1 Hà Nội, bao gồm phần lớn diện tích 4 quận vùng lõi Thủ đô là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Từ ngày 1/1/2028, ngoài cấm xe môtô, xe gắn máy chạy xăng dầu, ôtô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng bị hạn chế trong khu vực vành đai 1 và vành đai 2; đến năm 2030 áp dụng với toàn bộ phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi vành đai 3.

Các vành đai 1, 2, 3 tại Hà Nội. (Đồ họa: Hoàng Khánh).

Hàng triệu xe máy xăng chịu tác động

Hà Nội hiện có trên 9,2 triệu phương tiện, trong đó thành phố quản lý 1,1 triệu ôtô, 6,9 triệu xe máy; còn lại là phương tiện từ tỉnh khác lưu thông thường xuyên. Trong số xe máy đăng ký tại Hà Nội, khoảng 5,6 triệu xe chạy bằng xăng, còn lại 1,3 triệu xe máy điện.

Xe máy xăng được xem là phương tiện đi lại chính của người dân nội đô, đặc biệt ở 4 quận vùng lõi, nơi tồn tại nhiều ngõ sâu hun hút dài hàng km, nhà cửa chật chội. Trung bình mỗi gia đình có hai xe máy xăng thì với dân số 4 quận lõi hơn một triệu, số xe máy đi lại hàng ngày ít nhất phải 500.000 (thống kê sơ bộ của chính quyền khoảng 450.000). Đến năm 2028, khi phạm vi cấm mở rộng đến vành đai 2, số xe máy xăng chịu tác động lên tới hàng triệu, chưa kể khu vực trung tâm thu hút hàng trăm nghìn người từ ngoại thành và tỉnh lân cận đổ về.

Dự báo dân số Hà Nội có chiều hướng gia tăng do quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Đến năm 2025, Hà Nội có khoảng 7 triệu xe máy, 1,3 triệu xe ôtô con; đến năm 2030 số xe máy 7,5 triệu, xe ôtô con 1,5 triệu.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, đánh giá bãi bỏ xe máy xăng là bài toán rất khó giải đối với TP Hà Nội, dù biết đây là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí. "Dân số quá đông, người dân đi lại bằng gì trong khi phương tiện công cộng hiện mới đáp ứng được 1/5 nhu cầu", ông đặt câu hỏi.

Mật độ dân số và phương tiện ở các quận trung tâm Hà Nội rất lớn. (Ảnh: Ngọc Thành).

Phương tiện công cộng đáp ứng tỷ lệ nhỏ

Nếu loại bỏ xe máy xăng, người dân Thủ đô buộc phải tìm đến phương tiện vận tải công cộng như xe buýt thường, xe buýt nhanh, metro, taxi, xe hợp đồng. Mạng lưới giao thông đô thị Hà Nội thời gian qua đã được đầu tư nâng cấp, xây mới song vẫn chưa đạt được mục tiêu theo quy hoạch. Các dự án đường sắt đô thị chậm đi vào hoạt động tạo áp lực lớn lên giao thông đường bộ.

Hà Nội đã quy hoạch 9 tuyến đường sắt đô thị giai đoạn 2011-2020, song đến nay mới có tuyến 2A (Cát Linh - Hà Đông) hoàn thành, vận chuyển hơn 36,8 triệu lượt khách trong gần 4 năm qua, trung bình khoảng 32.900 lượt khách/ngày. Tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội hoàn thành một đoạn Nhổn - Kim Mã, các tuyến còn lại chưa hoặc đang được nghiên cứu đầu tư. Thị phần vận tải metro mới chiếm khoảng 1-2% nhu cầu đi lại của người dân.

Xe buýt là phương tiện chủ đạo trong vận tải hành khách công cộng của Hà Nội. Thống kê của ngành giao thông, thành phố hiện có 153 tuyến buýt hoạt động, tổng chiều dài khoảng 3.850 km. Năm 2024, xe buýt vận chuyển hơn 227,6 triệu lượt khách, dự kiến năm 2025 có thể đạt 240-250 triệu lượt, tương đương trên 650.000 lượt/ngày. Tuy nhiên, thị phần vận tải của xe buýt vẫn thấp, như năm 2024 đạt khoảng 14% tổng nhu cầu đi lại của người dân.

Tính tổng thể, hệ thống giao thông công cộng Hà Nội hiện đảm nhận khoảng 19% số lượng chuyến đi của người dân, còn lại xe cá nhân. Theo dự báo tại Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, đến năm 2030 vận tải công cộng đáp ứng 35-40%, xe cá nhân đảm nhiệm 60-65%. Như vậy, đại đa số người dân vẫn phải sử dụng xe cá nhân để đi lại trong nhiều năm tới.

TS Phan Lê Bình, Trưởng đại diện Công ty tư vấn OCG (Nhật Bản), đánh giá trong các năm tới phương tiện công cộng của Hà Nội chỉ đáp ứng cao nhất là 50% nhu cầu chuyến đi mỗi ngày của người dân. "Nếu người dân không còn đi xe máy mà chuyển sang xe buýt thì hệ thống xe buýt sẽ bị quá tải vì năng lực chuyên chở giới hạn", ông dự báo.

Người dân đi tàu điện Nhổn - ga Hà Nội. (Ảnh: Giang Huy).

Thiếu vị trí xây dựng bãi đỗ xe chuyển tiếp

Việc cấm xe máy xăng từ tháng 7/2026 sẽ khiến người dân từ ngoài vành đai 1 phải dừng xe xăng và gửi tại vành đai này để chuyển sang phương tiện khác. Tuy nhiên, khu vực vành đai 1 có mật độ xây dựng thuộc diện lớn nhất thành phố, rất ít đất trống có thể bố trí làm bãi đỗ xe.

Theo quy hoạch giao thông tĩnh, Hà Nội có 1.620 bãi đỗ xe, nhưng hiện mới đầu tư và đưa vào khai thác 72 bãi; 61 bãi đang trong quá trình chuẩn bị và còn nhiều vướng mắc, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND thành phố cuối năm 2024. Việc xây dựng các bãi đỗ xe gặp khó khăn do một số bãi là đất ở, đất công sở và nằm ở trong khu đất rất khó để giải phóng mặt bằng.

Quỹ đất giao thông tĩnh tại Hà Nội mới đạt 0,16% đất xây dựng đô thị, trong khi theo quy hoạch phải đảm bảo 3-4%. Phần lớn phương tiện cá nhân gửi tại bãi xe của chung cư, khu đô thị, nhà riêng hoặc điểm đỗ tự phát trong khu dân cư, trên lòng đường, vỉa hè, sân trường, sân cơ quan hoặc các khu đất trống của dự án.

Hạ tầng trạm sạc xe điện hạn chế

Việc bãi bỏ xe xăng sẽ khiến nhu cầu xe máy điện, ôtô điện gia tăng, nhưng hiện hạ tầng trạm sạc cho xe máy, ôtô điện còn thiếu. Phần lớn người dân ở 4 quận lõi sống trong ngõ nhỏ, nhà ống, chung cư cũ, nơi không có chỗ đỗ xe cố định hoặc không có hệ thống sạc điện riêng. Họ thường tự sạc điện tại nhà, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.

Một số doanh nghiệp sản xuất xe điện đã đầu tư trạm sạc công cộng và hỗ trợ xe máy được sạc miễn phí, song các trạm này mới phục vụ loại xe máy riêng của hãng, khó tích hợp dùng chung giữa các hãng. Mặt khác, hiện chưa có quy chuẩn quốc gia về lắp đặt trạm sạc cho xe máy điện khiến việc triển khai thiếu đồng bộ.

Ngoài những thách thức nêu trên, việc chuyển đổi xe máy xăng còn là gánh nặng tài chính với nhiều người dân, nhất là những người thu nhập thấp. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người ở Hà Nội là 163,5 triệu đồng, trong khi đó một chiếc xe máy điện chính hãng giá dao động 30-50 triệu đồng.

Thời gian từ nay đến khi cấm xe máy xăng trong vành đai 1 chỉ còn một năm cũng là thách thức lớn với chính quyền. Từ năm 2017 Hà Nội đã có lộ trình từng bước hạn chế hoạt động của xe máy ở một số khu vực và dừng hoạt động xe máy ở các quận cũ vào năm 2030, nhưng đến nay hầu như chưa triển khai.

Để giải bài toán trên, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng TP Hà Nội cần khảo sát số lượng xe máy chạy xăng hiện có, phân loại theo niên hạn và tình trạng sử dụng để xây dựng gói hỗ trợ phù hợp. Thành phố cần có chính sách trợ giá, hỗ trợ vay mua xe điện cho hộ nghèo, người lao động. Mức hỗ trợ có thể gồm một phần tài chính để đổi phương tiện hoặc trợ cấp chi phí đi lại. Cạnh đó, cần vận động các hãng xe điện triển khai chương trình đổi xe cũ lấy xe mới, giảm giá xe điện, đặc biệt cho nhóm thu nhập thấp...

Thành phố cần xây dựng hệ thống trạm sạc công cộng đặt tại các trạm xăng, bãi gửi xe, khu dân cư, trung tâm thương mại hỗ trợ nhiều dòng xe để tránh độc quyền và bảo tính cạnh tranh, tiện lợi cho người dân. Ngoài ra, cần có quy chuẩn về an toàn sạc điện tại khu dân cư, hướng dẫn sử dụng thiết bị sạc đúng cách để phòng chống cháy nổ. Số xe điện tăng, đồng nghĩa pin hết hạn sử dụng sẽ lớn, thành phố và doanh nghiệp cần có giải pháp thu gom, xử lý tránh gây ô nhiễm môi trường.

chọn
Ninh Bình sắp mở đường 6.900 tỷ đồng nối Nho Quan, Tam Điệp, Yên Mô ra đường ven biển
Đường kết nối liên vùng giữa Nam đồng bằng sông Hồng - vùng núi Tây Bắc - vùng duyên hải Bắc Trung Bộ (giai đoạn 1) tại Ninh Bình có chiều dài hơn 32 km, với tổng mức đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng, dự kiến khởi công ngay năm nay.