Thái Lan hi vọng giành lại ngôi vị quán quân xuất khẩu gạo thế giới nhờ giống lúa mới

Ngành lúa gạo Thái Lan có giá trị 6 tỉ USD mỗi năm và gần 50% trong số đó là xuất khẩu. Nhưng thiếu các giống gạo mềm đang gia tăng thêm sức ép cho ngành xuất khẩu gạo của quốc gia này.

Theo Bloomberg, trong hơn 35 năm, kể từ đầu thập niên 1980, Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm lĩnh thị trường thế giới dựa vào những loại gạo trắng và gạo jasmine có kết cấu cứng. Nhưng trong những năm gần đây, đất nước cung cấp 20% nhu cầu gạo của thế giới này đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ.

Năm 2015, Ấn Độ vươn lên chiếm ngôi vị xuất khẩu gạo số một thế giới và trong nửa đầu năm nay, Thái Lan tụt xuống vị thứ ba về xuất khẩu gạo, nhường lại vị trí số hai cho Việt Nam, nước có những loại gạo nở xốp mềm khi nấu vốn đang được ngày càng được ưa chuộng tại các nước tiêu thụ gạo lớn nhất châu Á từ Trung Quốc cho đến Philippines.

Thái Lan đặt cược vào giống gạo mới để giành lại ngôi vị quán quân xuất khẩu thế giới - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu lúa gạo Chuanchom Deerusamee đứng bên cánh đồng lúa được trồng ở Viện Nghiên cứu Lúa gạo Chai Nat ở Khao Tha Phra, tỉnh Chai Nat, Thái Lan. (Ảnh: Bloomberg).

Hơn một nửa dân số thế giới sử dụng gạo trong bữa ăn hàng ngày. Đối với Thái Lan, gạo không chỉ là trung tâm của nền ẩm thực nước này là còn là vụ mùa lương thực quan trọng nhất.

Nghề trồng lúa gạo hỗ trợ cho đời sống của hơn 4 triệu hộ gia đình Thái Lan và 50% diện tích đất nông nghiệp của nước này được sử dụng để trống lúa, vì vậy, Thái Lan được mệnh danh là "vựa lúa của châu Á". Ngành lúa gạo Thái Lan có giá trị 6 tỉ USD mỗi năm và gần 50% trong số đó là xuất khẩu.

Nhưng thiếu các giống gạo mềm đang gia tăng thêm sức ép cho ngành xuất khẩu gạo của Thái Lan, đang được dự báo sẽ chứng kiến doanh số xuất khẩu thấp nhất trong 20 năm qua khi hạn hán và đồng baht mạnh, khiến gạo Thái Lan đắt hơn so với gạo của các đối thủ. Xuất khẩu gạo của Thái Lan trong năm 2020 được dự báo sụt giảm 14% so với năm ngoái.

Đặt cược vào giống gạo mới: RD79

Trước những yếu tố bất lợi về thị trường, các chuyên gia lúa gạo Thái Lan đang tìm cách tạo ra những giống gạo mới có thể thay đổi tích cực tương lai của ngành công nghiệp lúa gạo của nước này.

Bà Chuanchom Deerusamee, chuyên gia lúa gạo ở Viện Nghiên cứu Lúa gạo Chai Nat, đã tạo ra giống gạo mềm mới có tên gọi RD79 hoặc Kor Khor 79. RD là viết tắt của từ Rice Department, cơ quan nhà nước mà bà Chuanchom làm việc.

Bà đã bắt đầu nghiên cứu giống gạo này cách đây một thập kỉ. 10 năm cũng là thời gian cần thiết để phát triển một giống gạo mới được chính phủ cấp phép và vận động nông dân bắt đầu trồng nó. Ngành lúa gạo Thái Lan giờ đây đang thúc giục nông dân tăng tốc trồng giống gạo RD79.

“Rất khó để dự báo tương lai. Vì vậy, chúng tôi phải chuẩn bị nhiều giống gạo khác nhau cho nhiều kịch bản khác nhau”, bà Chuanchom nói khi ám chỉ đến các thách thức trong việc dự báo trước chính xác loại gạo nào sẽ được thế giới ưa chuộng. RD79 chỉ là một trong 12 giống gạo mà Chuanchom đang tham gia phát triển.

Bà cho biết với lịch sử xuất khẩu các loại gạo cứng trong hàng chục năm, Thái Lan đã không phản ứng kịp khi thị hiếu của thị trường thay đổi. Chuanchom nói: “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có một thị trường dành cho loại gạo mềm hơn cho đến khi chúng tôi chứng kiến các nước khác bắt đầu xuất khẩu nhiều gạo hơn chúng tôi”.

Thái Lan đặt cược vào giống gạo mới để giành lại ngôi vị quán quân xuất khẩu thế giới - Ảnh 2.

Giống lúa RD79 mới được trồng trong điều kiện có kiểm soát. (Ảnh: Bloomberg).

Trong hơn một thập kỉ qua, ông Sanit Jitnupong, nông dân ở tỉnh Kamphaeng Phet, chỉ trồng các giống gạo cứng hơn trên cánh đồng rộng hơn 16.000 m2 của ông. Hồi tháng 6, ông chuyển sang trồng giống gạo RD79.

Ông nói: “Tôi nghe mọi người nói rằng chúng tôi cần phải trồng giống gạo này nhiều hơn để có thể cạnh tranh trên toàn cầu".

Cho đến nay, vụ lúa mùa thu của ông dường như có triển vọng tốt. Ông ước tính ông sẽ thu về khoảng 10 tấn lúa so với chỉ mức thông thường 5 tấn trước đây.

Sau 4 tháng trồng giống gạo RD79, các nông dân bắt đầu thu hoạch, rồi sau đó sẽ bán cho các nhà máy xay xát lúa gạo và cuối cùng gạo sẽ được bán cho các nhà bán lẻ và các nhà xuất khẩu.

Ông Kriangsak Tapananon, Chủ tịch Hiệp hội các nhà máy xay xát lúa gạo Thái Lan, cho biết chưa có nhiều nông dân trồng các giống gạo mềm nhưng sẽ không mất nhiều thời gian để thuyết phục họ. 

“Thị trường trong nước đã chấp nhận loại gạo này và chẳng bao lâu nữa, nông dân sẽ đồng loạt chuyển sang trồng nó vì nó được thị trường nước ngoài đón nhận”, ông nói.

Hiện tại, Thái Lan có chưa đến 6 giống gạo mềm bao gồm RD79 được trồng với qui mô nhỏ. Ngoài ưu điểm cho năng suất cao, RD79 cũng được phát triển để chống chọi sâu bệnh và thời thiết khô hạn tốt hơn các giống gạo truyền thống của Thái Lan.  

Nhiều giống gạo cần phải luôn có nước trong quá trình phát triển, một qui trình thải ra khí metan, góp phần gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Giống gạo RD79 có thể phát triển mà không cần phải luôn có nước. Để tạo ra giống gạo RD79, bà Chuanchom đã lai giống hai giống gạo có các đặc tính riêng biệt là nở mềm khi nấu và có năng suất cao khi trồng. Sau khi có được thế hệ đầu tiên của giống gạo mới, bà đã tiếp tục lai tạo nó thêm 8 lần nữa.

Giống gạo RD79 có hình dáng thon dài như gạo jasmine nhưng không có mùi thơm. Khi nấu, gạo này vẫn giữ kết cấu nhưng nở mềm hơn.

Ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, nói: “Nếu chúng ta không nỗ lực nhiều hơn nữa để phát triển các giống gạo mềm, chúng ta có thể đánh mất luôn thị trường Mỹ”. Cho đến nay, gạo jasmine vẫn đang chiếm lĩnh thị trường Mỹ.

chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.