Thanh Hóa điều chỉnh quy hoạch khu đô thị hơn 1.100 tỷ đồng

Khu đô thị sinh thái Núi Long có vốn đầu tư hơn 1.126 tỷ đồng, do liên danh CTCP Sông Mã - CTCP Đông Sơn - CTCP Đầu tư Trung tâm Thương mại Bờ Hồ làm chủ đầu tư.

UBND tỉnh Thanh Hóa mới đây đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị Núi Long tại TP Thanh Hóa.

Phạm vi ranh giới điều chỉnh tại lô đất HH-01 có diện tích hơn 8.747 m2, lô đất HH-03 diện tích 5.450 m2, lô đất TM 3.444 m2 thành đất xây dựng nhà ở xã hội để bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, chỉ tiêu dân số được điều chỉnh lên thành 3.900 người, tăng hơn 1.100 người so với trước đó.

Cơ quan tổ chức lập quy hoạch là liên danh CTCP Sông Mã - CTCP Đông Sơn - CTCP Đầu tư Trung tâm Thương mại Bờ Hồ.

Thanh Hóa điều chỉnh quy hoạch khu đô thị hơn 1.100 tỷ đồng - Ảnh 1.

Phối cảnh dự án Khu đô thị sinh thái Núi Long. (Ảnh: thanhhoaexpress.vn).

Khu đô thị sinh thái Núi Long được phê duyệt quy hoạch vào tháng 10/2011. Quy mô khu vực lập quy hoạch tại khu vực phía tây nam của TP Thanh Hóa, có quy mô khoảng 128 ha thuộc một phần quỹ đất trong địa giới hành chính của các phường Đông Vệ, Tân Sơn, TP Thanh Hóa và thôn Thắng Sơn thuộc xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn.

Cụ thể, đất ở có diện tích 22 ha, đất dân cư hơn 5,7 ha, đất công công hơn 6,5 ha, đất cây xanh – mặt nước 55,9 ha và các loại đất khác.

Đây là khu đô thị theo dạng sinh thái của TP Thanh Hóa, với các loại hình ở sinh thái thấp tầng dạng liên kế, biệt thự; chung cư cao tầng, hỗn hợp và nhà ở xã hội. Gắn kết mật thiết với khu du lịch Mật Sơn, vành đai xanh, thảm thực vật bảo vệ môi trường nguồn nước hồ Núi Long của Nhà máy nước Thanh Hóa.

Quy hoạch giao thông lấy trục đường Vành đai trung gian thuộc dự án phát triển kinh tế toàn diện TP Thanh Hóa; Đại lộ Đông Tây là trục đấu nối và cửa ngõ chính kết nối đô thị với các khu vực lân cận.

Đường vành đai trung gian (CSEP) có chỉ giới đường đỏ 34 m, lòng đường 15 m, phân cách giữa 5 m, vỉa hè 14 m.

Đến tháng 6/2017, Thanh Hóa điều chỉnh dự án xuống hơn 59 ha trong đó đất hở rộng hơn 20 ha, đất giáo dục 2,2 ha, đất cây xanh 5,6 ha, đất khách sạn, chung cư và văn phòng hơn 3,1 ha. Quy mô dân số gần 7.000 người.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.126 tỷ đồng, thời gian triển khai dự án không quá 5 năm.

Về liên danh thực hiện dự án, CTCP Sông Mã cổ phần hóa vào năm 2013. Theo phương án cổ phần hóa do Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng ky khi đó, doanh nghiệp có vốn điều lệ 35 tỷ đồng tương ứng với 3,5 triệu cổ phần phát hành với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.

Trong đó, Nhà nước giữ 395.000 cổ phần (11,29% vốn), cổ phần ưu đãi cho người lao động là 42.200 cổ phần (1,29%), cổ phần bán ra bên ngoài là 3.062.800 cổ phần (87,51% vốn).

Sau đó, Tổng công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Phát (Công ty Anh Phát) của ông Trịnh Xuân Nghiệm đã mua 87,51% vốn của Sông Mã để trở thành cổ đông lớn nhất và sở hữu công ty này.

Tháng 3/2018, Sông Mã đã tăng vốn điều lệ lên 200 tỷ đồng, đông thời Công ty Anh Phát đã thoái toàn bộ vốn tại doanh nghiệp. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật hiện nay của Sông Mã là ông Lê Văn Tám.

CTCP Đầu tư Trung tâm Thương mại Bờ Hồ được thành lập từ tháng 7/2010 với vốn điều lệ 60 tỷ đồng, bao gồm ba cổ đông sáng lập: Nguyễn Việt Quang (30%), Phạm Xuân Lực (30%) và Nguyễn Văn Hòa (40%).

Còn CTCP Đông Sơn được thành lập vào tháng 9/2015 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, bao gồm ba cổ đông sáng lập: CTCP Xe khách Thanh Hóa (35%), Hoàng Đức Quang (40%) và Nguyễn Thị Liên (25%). Trong đó, CTCP Xe Khách Thanh Hóa là công ty liên kết của Sông Mã.

Đến tháng 11/2019, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên 400 tỷ đồng, trong đó: Hoàng Đức Quang (22%), Nguyễn Thị Liên (6,25%), CTCP Xe Khách Thanh Hóa đã chuyển nhượng hết cổ phần.

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến xây cầu vượt sông Luộc nối Hải Dương - Thái Bình
Một cầu vượt sông Luộc dự kiến được xây dựng kết nối huyện Thanh Miện, Hải Dương và huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.