'Bỏ ngay lập tức chính sách miễn học phí sư phạm' | |
Không miễn học phí cho sinh viên sư phạm làm trái ngành | |
Quy định đối tượng được miễn, giảm học phí |
Tiết học của sinh viên khoa Giáo dục mầm non trường ĐH Sư Phạm TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Mười ba năm đứng lớp là khoảng thời gian tôi không chỉ sống bằng nghề giáo mà còn sống vì nghề giáo.
Chính sách thay đổi nhiều số phận
Vốn yêu nghề gõ đầu trẻ từ nhỏ, giấc mơ phấn trắng bảng đen luôn đeo đẳng tôi mỗi ngày đến lớp. Trước ngã rẽ quyết định ở năm cuối phổ thông, trường sư phạm là lựa chọn số 1 cho tôi và khá nhiều bạn học.
Thời điểm đó, sư phạm "có giá" vô cùng. Những bạn khá giỏi mới dám mạnh dạn đăng ký vào trường đại học và cao đẳng sư phạm.
Lẽ tất nhiên có nhiều bạn thuộc diện khá giả, gia đình dư thừa khả năng lo học phí bốn năm đại học ở bất kỳ ngôi trường nào. Nhưng cũng có khá nhiều bạn quyết định dừng chân ở trường sư phạm bởi lý do đơn giản: sư phạm được miễn học phí. Trong số ấy có tôi, một nữ sinh nhà nghèo.
Ba mẹ tôi nghèo đến mức phải chạy ăn từng bữa. Suốt mười hai năm phổ thông tôi chưa bao giờ chạm tay được vào một cái cặp mới, toàn là dùng là cặp sách cũ người ta không dùng nữa.
Giữa cái nghèo dai dẳng, đeo bám ấy, tôi chưa bao giờ dám mơ về giấc mơ bốn năm đại học với những khoản học phí cao ngất ngưởng rồi tiền sách vở, áo quần, đi lại…
Cánh cổng trường sư phạm đón tôi vào một cách nhẹ tênh, gánh nặng tài chính vơi đi hơn phân nửa. Tôi lao vào học, cố duy trì vị trí trong tốp đầu lớp để giành một suất học bổng trong cuộc đua thành tích học tập.
May mắn là tôi chưa bao giờ để "lọt" kỳ học bổng nào. Các bạn chẳng tin đâu, học bổng ấy đủ để tôi dè sẻn ăn học và mỗi tháng phụ ba mẹ đóng vài chục nghìn tiền điện nước.
Câu chuyện mỗi lần lãnh học bổng là mừng rơn người, hí hửng ăn đĩa cơm bụi ba nghìn (thay vì hai nghìn bình thường) vẫn được tôi kể cho học trò nghe và các em há hốc ngạc nhiên.
Nhờ chẳng đóng học phí, lại có học bổng, tôi trải qua những ngày tháng êm đềm ở trường sư phạm.
Ngày cầm quyết định nhận nhiệm sở trên tay, lòng tôi lâng lâng hạnh phúc và cuộc đời như rẽ sang một hướng khác, tươi sáng hơn rất nhiều.
Bây giờ ngẫm nghĩ lại, tôi thấy mình trở thành một giáo viên như hôm nay nhờ phần lớn vào cái chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm.
Đúng là chưa hề có một nghiên cứu chuyên sâu nào về tác động của chính sách miễn học phí đối với động cơ học tập của sinh viên sư phạm. Nhưng tôi xin khẳng định là chính sách nhân văn văn này đã cứu rỗi khá nhiều cuộc đời, làm đổi thay số phận của rất nhiều con người.
Và chính nó đã góp phần tạo ra một tỉ lệ không nhỏ giáo viên có năng lực trong đội ngũ nhà giáo hôm nay.
Xin đừng bãi bỏ miễn học phí!
Tôi rất đồng tình với ý kiến của TS Trần Lương - khoa sư phạm Trường Đại học Cần thơ rằng chính sách miễn học phí đối với sinh viên sư phạm không những có tác động thu hút mà còn tạo cơ hội, điều kiện cho một số lượng khá đông sinh viên theo học ngành sư phạm.
Con số 50,5% sinh viên chọn ngành sư phạm do được miễn học phí đã khẳng định sức hút không nhỏ của chính sách đối với người học.
Tôi biết dư luận đang lo lắng về chất lượng nguồn đạo tạo giáo viên trong cả nước, nhất là khi tình trạng sư phạm "mất giá" đặc biệt nghiêm trọng trong kỳ tuyển sinh vừa qua.
Nhưng vấn đề cốt lõi của vấn nạn "thầy giáo 3 điểm" ấy không nằm ở chính sách miễn học phí.
Nó bị "kẹt" ở mạng lưới trường sư phạm mở ồ ạt dẫn đến việc mở rộng "cửa" đón sinh viên cho đủ chỉ tiêu.
Bên cạnh đó, sư phạm không thu hút được người giỏi bởi tình trạng thất nghiệp tràn lan, chế độ đãi ngộ nhà giáo hạn hẹp cùng sự tôn vinh của xã hội đang dần đổi thay. Chính nó là những "tảng đá" lớn cản đường sinh viên giỏi về với sư phạm.
Và mất đi những giáo sinh giỏi cũng đồng nghĩa với việc chúng ta mất dần một đội ngũ nhà giáo kế cận tài năng.
Bài toán kéo người tài về với trường sư phạm đã được mổ xẻ khá nhiều. Ngành giáo dục cũng đã có những bước chuyển mình trong việc siết chặt chỉ tiêu, đặt hàng đào tạo sư phạm cũng như đề xuất những đãi ngộ đối với nhà giáo.
Còn chính sách miễn giảm học phí không "có tội" trong việc sa sút chất lượng nguồn giáo viên tương lai. Nó lại càng không có tính quyết định đối với động cơ học tập của sinh viên. Bởi đơn giản, không phải miễn học phí nên lười học hoặc là phải đóng học phí nên lo học!
Tôi nghĩ nếu chính sách miễn học phí bị xóa bỏ, tình trạng trường sư phạm bị "ế" sẽ xảy ra. Vì vậy, vấn đề hiện nay là cần nghiên cứu áp dụng chính sách miễn học phí ấy một cách linh hoạt hơn để tránh lãng phí nhân lực và vật lực.
Xin đừng bãi bỏ một chính sách miễn học phí, bởi đó là chiếc phao cứu sinh cho khá nhiều con người, trong đó có nhiều em học sinh của tôi hiện nay!
Giáo viên Đào Đình Tuấn - Trường phổ thông trung học Trần Phú, quận Tân Phú, TP.HCM: Nên duy trì một chính sách tốt Tôi có hai cô học trò học giỏi nhưng nhà nghèo. May mắn làm sao, có 1 trường đại học vừa đáp ứng ước mơ nghề nghiệp của các cô vừa không thu học phí của sinh viên, đó là trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Năm rồi hai cô học trò ấy đã đậu vào ngôi trường kể trên với số điểm khá cao. Theo tôi, đến thời điểm hiện nay, việc miễn học phí cho sinh viên sư phạm vẫn còn hợp thời, vẫn còn phát huy tác dụng, hiệu quả. Tôi đã từng hướng dẫn nhiều giáo sinh ở nhiều trường đại học trong thành phố đến trường tôi thực tập sư phạm trong nhiều năm. Qua kết quả thực tập, tôi nhận thấy các giáo sinh học khóa chính quy ở trường sư phạm vẫn nổi trội hơn, giỏi hơn những giáo sinh ở những trường đại học khác trong thành phố mặc dù số tiền bồi dưỡng mà trường sư phạm trả cho các giáo viên hướng dẫn ít hơn so với các trường khác. Từ những điều đã kể trên, tôi mạnh dạn kết luận rằng: trong tình hình kinh tế, xã hội hiện nay, việc miễn học phí cho sinh viên sư phạm vẫn còn là một chính sách tốt, cần tiếp tục được duy trì. |
'Bỏ ngay lập tức chính sách miễn học phí sư phạm'
"Phải bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm" - đề xuất này được đưa tại Hội thảo Tác động của chính ... |