Thầy giáo quân hàm xanh dạy tiếng Việt cho người Lào

Chúng tôi gặp Thượng úy Nguyễn Văn Trinh, Đồn Biên phòng Thông Thụ, BĐBP Nghệ An khi anh đang đứng trên bục dạy tiếng Việt, tại trung tâm bản Nậm Táy, cụm bản Viêng Phăn, huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, Lào.

Học trò của anh đều là những người Lào chất phác có nhu cầu học tiếng Việt Nam.

thay giao quan ham xanh day tieng viet cho nguoi lao
Thượng úy Nguyễn Văn Trinh (ngoài cùng bên phải) cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị trao đổi với Trưởng bản Nậm Táy. Ảnh: Hải Thượng

Xuất phát từ thực tế điều kiện kinh tế, đời sống của người dân bản Nậm Táy còn rất khó khăn, Đồn Biên phòng Thông Thụ đã xây dựng kế hoạch giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và học tiếng Việt Nam. Kế hoạch của đồn đã được Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An thông qua.

Với cương vị là nhân viên phiên dịch tiếng Lào, Thượng úy Nguyễn Văn Trinh được lựa chọn thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, soạn thảo bộ giáo án dạy tiếng Việt cho người dân Lào và trực tiếp đứng lớp giảng dạy.

Để thu hút được đông đảo học viên theo học, anh đã tham mưu cho chỉ huy Đồn Biên phòng Thông Thụ và Ban quản lý bản Nậm Táy lựa chọn thời gian học vào các ngày nghỉ cuối tuần hoặc vào dịp nghỉ hè của các em học sinh.

Bên cạnh đó, anh dành nhiều tâm sức biên soạn giáo án cho phù hợp các lứa tuổi trong lớp học. Trong lớp học chỗ ngồi của các học viên cũng được Nguyễn Văn Trinh bố trí hợp lý, để có điều kiện hỗ trợ, kèm cặp lẫn nhau trong học tập.

Lớp học của thầy giáo Trinh có đủ các lứa tuổi, thành phần, từ cán bộ, giáo viên đến người già và các em học sinh... nhưng tất cả đều có chung niềm đam mê, yêu thích tiếng Việt Nam.

Trò chuyện với chúng tôi bằng tiếng Việt, cậu học trò May Xí, học viên khóa thứ 3 do thầy giáo Trinh đứng lớp vui vẻ chia sẻ: “Từ khi BĐBP Việt Nam sang mở lớp dạy tiếng Việt, chúng em rất vui. Nhờ thầy giáo Trinh tận tình giảng dạy, chúng em tiếp thu rất nhanh.

Trên lớp, thầy tận tình chỉ từng nét bút, cách phát âm từng từ. Buổi tối, thầy cùng các cán bộ Biên phòng khác đến trực tiếp giúp người học yếu tập đánh vần, ôn lại bài đã học trên lớp. Hiện nay, chúng em gặp người Việt có thể giao tiếp được, nhờ vậy, việc mua bán, trao đổi hàng hóa với nhau thuận lợi hơn. Bà con trong bản có thể trao đổi, học tập kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi với người dân Việt Nam được dễ dàng hơn”.

Không chỉ tận tình chỉ bảo cho các học viên từng con chữ, từng nét bút, Thượng úy Nguyễn Văn Trinh còn gắn bó, chia sẻ khó khăn với các học viên. Cùng ăn, cùng ở, cùng làm... với người dân nơi đây, qua những buổi trao đổi, truyền dạy tiếng Việt trên lớp, anh hiểu rõ hoàn cảnh gia đình của từng học viên.

Qua nắm tình hình, trong bản Nậm Táy có 2 học sinh có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nguy cơ bỏ học là rất cao. Anh đã tham mưu với chỉ huy Đồn Biên phòng Thông Thụ, nhận đỡ đầu 2 trường hợp này.

Đây cũng là hoạt động của đồn nhằm hưởng ứng Chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động. Theo đó, hằng tháng, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Thụ trích một phần lương để hỗ trợ mỗi em 500 ngàn đồng/tháng.

thay giao quan ham xanh day tieng viet cho nguoi lao
Thượng úy Nguyễn Văn Trinh (người đứng) phiên dịch cho cán bộ Quân y BĐBP Nghệ An trong đợt khám chữa bệnh tại bản Nậm Táy. Ảnh: Hải Thượng

Bà Chìa Chư Pó là mẹ một trong 2 học sinh được BĐBP hỗ trợ cho biết: “Gia đình tôi nghèo lắm. Chồng tôi bị bệnh mất sớm. Tôi cũng bị bệnh nặng, không lao động được, nên không có tiền cho con đi học. Con tôi thường xuyên phải bỏ học để phụ giúp gia đình. Năm 2014, gia đình tôi được Đồn Biên phòng Thông Thụ giúp đỡ mỗi tháng 500 ngàn đồng. Nhờ vậy, đến nay, con tôi đã được đi học trở lại. Tôi vô cùng xúc động, biết ơn các anh BĐBP Việt Nam”.

Chứng kiến những hoạt động giúp đỡ người dân Lào của Thượng úy Trinh nói riêng và BĐBP Việt Nam nói chung, ông Thò Xây Vả, Cụm trưởng Cụm bản Viêng Phăn cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao việc làm của BĐBP Việt Nam, trong đó có bộ đội Trinh. Các anh đã đầu tư xây Nhà văn hóa cộng đồng giúp bản chúng tôi có nơi sinh hoạt, vui chơi giải trí, hội họp.

BĐBP Việt Nam còn xây nhà hữu nghị tặng hộ nghèo, cử bộ đội Trinh sang dạy tiếng Việt để chuyển giao khoa học-kỹ thuật giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Người dân Lào được học tiếng Việt sẽ thuận lợi hơn trong trao đổi thông tin, mua bán hàng hóa giữa hai bên biên giới. Chúng tôi luôn coi bộ đội Trinh và anh em BĐBP Việt Nam như người thân của mình”.

Sau thành công của các khóa học, bản Nậm Táy đã đề nghị BĐBP Việt Nam tiếp tục mở thêm nhiều lớp học tiếng Việt để có nhiều người Lào biết nói tiếng Việt hơn. Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Nguyễn Văn Thưởng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Thông Thụ cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì dạy tiếng Việt Nam cho người dân trên địa bàn bản Nậm Táy. Từ những lớp học được mở, phong trào học tiếng Việt của người dân ở các bản biên giới của Lào phát triển rất nhanh.

Không chỉ người dân ở bản Nậm Táy tham gia học tiếng Việt, mà còn nhiều người dân ở các bản lân cận cũng tham gia học. Chúng tôi sẽ mở nhiều lớp hơn để đáp ứng nhu cầu học tiếng Việt của bà con người Lào”.

Những năm qua, Thượng úy Nguyễn Văn Trinh và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Thụ đã tổ chức thành công 3 khóa dạy tiếng Việt cho gần 115 học viên người Lào. Qua khảo sát, 100% học viên đều đọc thông, viết thạo và giao tiếp tiếng Việt trôi chảy. Những nỗ lực của các anh đã thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó thủy chung, bền vững, son sắt giữa hai dân tộc Việt - Lào, góp phần giữ gìn biên giới hòa bình, ổn định và phát triển.

chọn
Luật Đất đai mới có khiến BĐS công nghiệp gặp khó?
VARS nhận định, thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam đang đối diện với một số thách thức nhất định, trong đó có rủi ro đầu tư khi chi phí đất đai và xây dựng tăng cao, nhất là chi phi tạo lập quỹ đất khi Luật Đất đai mới chính thức hiệu lực.