Chuyện về 'Thầy giáo quân hàm xanh' xóa mù chữ cho người Bru-Vân Kiều

Người dân tộc Bru- Vân Kiều sinh sống tại bản Mây, bản Trân, bản Troộng... đa phần không biết nói tiếng Việt nên đời sống khó khăn. Đại úy Trịnh Tứ Thắng (SN 1976), Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Roòn, tỉnh Quảng Bình đã nảy ra ý tưởng xóa mù chữ cho đồng bào bằng cách một cách làm độc đáo.

Dùng mạng xã hội để kêu gọi tiền ủng hộ

3h sáng, anh trưởng đoàn gọi các thành viên dậy để lên đường vào xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Do mới tới TP.Đồng Hới lúc nửa đêm nên cả đoàn ai cũng còn đang rất mệt mỏi. Anh trưởng đoàn động viên vì bản xa và khó đi nên đoàn phải đi sớm mới kịp giờ.

Chúng tôi ai cũng háo hức tới những bản làng heo hút giáp biên giới Việt -Lào nên cái mệt mỏi bị xua đi nhanh chóng. Ở nơi đó chúng tôi được giới thiệu sẽ gặp Đại úy Thắng, Đại úy Hồ Manh là những “thầy giáo quân hàm xanh” tiêu biểu của BĐBP tỉnh Quảng Bình. Chiếc xe băng qua những con đường ngoằn ngoèo cheo leo đèo dốc, rất khó đi để đến những bản làng heo hút nơi có những con người ngày đêm trăn trở tìm cách thoát nghèo cho đồng bào dân tộc.

chuyen ve thay giao quan ham xanh xoa mu chu cho nguoi bru van kieu
Đại úy Thắng.

Khi nhắc đến “Đại úy hát karaoke”, người dân bản nào cũng hồ hởi nói: “Ở đây chúng tôi gọi anh Thắng là người vác tù và. Anh cần mẫn bám bản để đưa con chữ đến cho bà con. Cách làm độc đáo của anh ấy giúp người dân có hứng thú học chữ nhanh và dễ nhớ hơn rất nhiều”.

Anh Thắng hẹn đón chúng tôi ở cổng, đó là người chiến sĩ vóc người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, gương mặt đen đậm màu sương gió. Sau khi chào hỏi nhanh chóng, chúng tôi cùng nhau về bản. Đại úy Thắng cho biết, đường đoàn chúng tôi đang đi là đường Tây Trường Sơn nối liền từ miền Bắc vào Tây Nguyên, những năm về trước còn khó khăn bộ đội và nhân dân chủ yếu là đi bộ, có đoạn đi được bằng xe máy nhưng cũng cực kỳ vất vả. Mấy năm trở lại đây được Chính phủ đầu tư mở rộng bê tông hóa Tây Trường Sơn đã nối liền Đông Trường Sơn nhưng đường sá cũng rất ngoằn ngoèo nguy hiểm, phương tiện đi qua đây hằng ngày chỉ đếm được trên đầu ngón tay, có ngày mưa lạnh hầu như không có.

Nói về công việc dạy chữ cho đồng bào, anh Thắng cho biết: “Gần 20 năm trong quân ngũ, trước đây, tôi đã đi dạy xóa mù nhiều nhưng xóa mù chữ xong, bà con lại tái mù trở lại. Bản giáp biên giới Lào nên nhân dân có mối quan hệ thân tộc, dòng tộc, bà con đa số nói tiếng Bru-Vân Kiều và tiếng Lào là chủ yếu, tiếng Việt họ ít sử dụng và không thuộc. Muốn hát được karaoke thì cần phải học đọc cái chữ trước đã".

Khi được hỏi về việc tại sao anh có quyết tâm dạy chữ cho bà con như vậy, anh cho biết: “Nếu mình tặng cho bà con quần áo, lương thực cũng chỉ được vài ngày, cùng lắm vài tháng... Những đứa trẻ cần được đi học đổi đời, người lớn cần biết đọc biết viết để ra ngoài giao thương buôn bán, nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chấp hành nghiêm pháp luật và Quy chế biên giới... Mỗi năm mình và các thành viên trong câu lạc bộ Chung tay & Sẻ chia cùng các chiến sĩ đồn biên phòng sẽ cố gắng kêu gọi quyên góp để sắm được 2, 3 bộ trang thiết bị cho các nhà sinh hoạt cộng đồng, học chữ, học hát cho nhân dân gồm dàn máy karaoke, máy phát điện, bàn ghế, tủ sách pháp luật, màn hình ti vi và tượng Bác Hồ cho bà con các bản như là “mồi để đi câu” vậy đó”.

Anh cho biết, cùng với các anh em Biên phòng Roòn mỗi năm anh kêu gọi quyên góp kinh phí để xây dựng đầy đủ trang thiết bị cho nhà sinh hoạt cộng đồng tổng chi phí chỉ khoảng 50- 60 triệu đồng/1 nhà cộng đồng.

Điều làm tôi bất ngờ là cách anh kêu gọi sự ủng hộ kinh phí từ xã hội. Anh cho biết facebook là công cụ chính giúp anh quyên góp tiền từ thiện. “Khi kêu gọi cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều bạn bè cứ hỏi: Sao ở đó bà con khó khăn thế mà không tặng đồ dùng, lương thực, thuốc men, quần áo? Chúng tôi chỉ biết nghẹn ngào giải thích: "Ở những nơi quá khó khăn như thế, cái gì cũng cần cả. Hàng năm, chúng tôi cũng làm nhiều chương trình tặng áo, chăn, sách vở, thuốc men, gạo... Nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế. Người dân nơi đây cần phải biết chữ, trẻ con phải được tới trường mới có cơ hội thay đổi cuộc đời. Mọi người ai cũng phải biết nói tiếng Việt, phải biết đọc, biết viết, biết hát và để giữ gìn bản sắc của dân tộc mình".

6 năm “vác tù và”

Sau gần 1 tiếng đi xe máy, chúng tôi cũng đã đến nhà sinh hoạt cộng đồng bản Chân Troộng. Mắt thấy, tai nghe về dàn karaoke tôi càng thêm nể phục người chiến sĩ biên phòng này. Qua những câu chuyện của mình tôi có thể cảm nhận được sự nhiệt huyết, vô tư, trong sáng của anh. Khi thấy anh Thắng, ông Hồ Bằng, một người dân hồ hởi chạy tới ôm trầm lấy thầy giáo mang quân hàm xanh này.

Nói với PV, ông Tiến cho biết: “Nhờ có bộ đội Thắng mà cuộc sống của bản chúng tôi thay đổi hẳn. Nhiều người đã biết đọc và giao tiếp tốt. Tôi biết ơn anh ấy lắm”.

Khi thấy tôi hỏi nhiều về những thành tích mà mình làm được, Đại úy Thắng gạt đi và nói: “Kỳ thực, tôi không làm được nhiều đâu, tôi coi đó là việc mình phải làm thôi. Ở đơn vị, anh em thi thoảng vẫn trêu tôi là “người vác tù và””. Đã hơn 6 năm nay, ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, người thầy giáo mang quân hàm xanh ấy ngày ngày miệt mài với công việc thiện nguyện trong câu lạc bộ Chung tay & Sẻ chia.

chuyen ve thay giao quan ham xanh xoa mu chu cho nguoi bru van kieu
Năm 2017 Đại úy Thắng được vinh danh tại Hà Nội.

Từ tháng 3 năm 2015 đến nay được Đảng ủy, Ban Chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ khảo sát các em học sinh trên địa bàn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vươn lên trong học tập để nhận đỡ đầu trong chương trình “Nâng bước tới trường”, Đại úy Thắng đã khảo sát, tham mưu cho đơn vị nhận đỡ đầu mỗi năm 4 em học sinh, tặng quỹ học bổng mỗi tháng 500 nghìn đồng/em.

Riêng bản thân anh tự nhận đỡ đầu 6 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn mỗi em 300 ngàn đồng/tháng/ em. Kinh phí từ những công việc làm thêm ngày nghỉ như viết báo, dựng video clip bán hàng online... và trích từ lương hàng tháng của anh. Vào dịp năm học mới anh còn mua thêm dụng cụ học tập tặng các cháu; thường xuyên buổi tối xuống tận nhà để dạy thêm cho các em, đến nay từ chỗ học lực trung bình các em đã vươn lên đạt học sinh khá, giỏi mỗi năm.

Sau một ngày ở vùng biên giới, chúng tôi chào anh Thắng và lên đường tiếp tục cuộc hành trình 500km về Hà Nội. Trong mỗi chúng tôi luôn in sâu câu nói mà vị Đại úy nói trước khi chào chúng tôi ra về: “Năm năm hay mười năm nữa nếu có cơ hội thì vẫn quay lại thăm tôi nhé, tôi sẽ vẫn tiếp tục công cuộc đem con chữ tới bà con cho tới khi nào tôi không thể...”.

Là 1 trong 60 “Thầy giáo mang quân hàm xanh” được vinh danh

Tháng 11, tại Hà Nội, đại úy Trịnh Tứ Thắng cùng 59 chiến sĩ vùng biên trên các vùng biên giới, hải đảo, những người đã làm tròn hai vai- vừa là người lính vừa là người thầy được vinh danh trong chương trình “Chiến sĩ quân hàm xanh nâng bước em đến trường”. Họ là những chiến sĩ, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Quốc gia, còn tình nguyện mở hàng nghìn lớp học tình thương, lớp xóa mù chữ trên cả nước, để gieo con chữ cho trẻ em nghèo nơi vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc.

chuyen ve thay giao quan ham xanh xoa mu chu cho nguoi bru van kieu Việt Nam có thêm hơn 1.200 GS, PGS không liên quan việc 'trượt' xếp hạng 350 đại học châu Á?

PGS.TS Lưu Văn An - Phó Giám đốc Học viện Báo chí & Tuyên truyền cho rằng, Việt Nam không có trường đại học nào ...

chọn
Cầu Bến Mới nối Nam Định - Ninh Bình sau 2 năm thi công
Cầu Bến Mới dự kiến tạo một trục kết nối giao thông hoàn chỉnh giữa các khu di tích Đền Trần, Phủ Dầy của tỉnh Nam Định và quần thể danh thắng Tràng An, Bái Đính của tỉnh Ninh Bình, tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương.