Thế cục mới tại Coteccons: Ông Nguyễn Bá Dương lép vế trong HĐQT

Sóng sánh thượng tầng Coteccons sau sự kiện Tổng giám đốc Nguyễn Sỹ Công rút khỏi HĐQT liệu có bớt dữ dội?

Như đã thông tin trước đó, cơ cấu thành viên HĐQT của CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) có sự thay đổi ngay trước thềm ĐHĐCĐ với việc ông Nguyễn Sỹ Công - Tổng giám đốc và ông Trần Quyết Thắng - thành viên HĐQT độc lập xin từ nhiệm. 

HĐQT Coteccons thông báo về việc bổ nhiệm ông Bolat Duisenov và ông Herwig Van Hove là hai thành viên HĐQT tạm thời thay thế cho thời hạn còn lại của nhiệm kỳ 2017 - 2022. Việc bổ nhiệm này sẽ được đưa ra xin chấp thuận của ĐHĐCĐ thường niên được tổ chức vào ngày 30/6/2020.

Trong thông cáo gửi đại chúng, Coteccons cho biết đã đạt được những bước tiến quan trọng để giải quyết các quan ngại về vấn đề quản trị doanh nghiệp và sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết, vì lợi ích tốt nhất của cổ đông, nhân viên và khách hàng, giữ vững vị thế dẫn đầu ngành xây dựng Việt Nam. 

Liệu những động thái mới của đội ngũ quản trị có cho thấy một sự nhượng bộ đến từ phe của Chủ tịch Nguyễn Bá Dương? Sau thông tin này, cổ phiếu CTD phản ứng tích cực với hai phiên tăng trần liên tiếp (22/6 và 23/6). 

Thực tế, thế cân bằng trong 7 ghế HĐQT đã bị phá vỡ sau sự kiện ông Nguyễn Sỹ Công từ nhiệm. Cụ thể, sẽ có ba thành viên là đại diện của Kusto Group bên cạnh đại diện The8th ủng hộ nhóm cổ đông Kazakhstan ra mặt dù một mực phủ nhận mối quan hệ. 

Số thành viên HĐQT độc lập từ ba giảm xuống hai, gồm ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam và ông Tan Chin Tiong - một chuyên gia người Singapore. 

Ông Nguyễn Bá Dương lép vế rõ ràng nếu đặt trong HĐQT mới, hội đồng này có được thông qua hay không sẽ phải chờ đến ĐHĐCĐ. 

Nhóm ủng hộ Chủ tịch Nguyễn Bá Dương có thể không vui vẻ gì với diễn biến mới này khi nhóm nhà đầu tư nước ngoài đang thắng thế trong HĐQT. Nhưng chí ít, Coteccons có thể thoát khỏi thế giằng co đã kéo dài cả năm nay khi các lãnh đạo không đồng thuận và khó có thể đi đến quyết sách nào quan trọng. 

Báo cáo quản trị 2019 của Coteccons cho thấy HĐQT công ty này chỉ thực hiện đúng 5 cuộc họp, thấp nhất tính từ khi có sự tham gia của nhóm Kusto. Tất cả các thành viên đều có mặt đầy đủ, trong đó ông Yerkin Tatishev ủy quyền cho người khác tham dự. 

Thế cục mới tại Coteccons: Ông Nguyễn Bá Dương lép vế trong HĐQT - Ảnh 1.

Đồ họa: Justin Bui

Trong bối cảnh thị trường xây dựng và bất động sản gặp nhiều khó khăn, rất ít dự án mới được triển khai, nhiều công trình đang thi công bị tạm ngưng và kéo dài tiến độ; điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của Coteccons trong khi chi phí phát sinh. 

"Chúng tôi lấy làm tiếc trong bối cảnh đó các cổ đông lớn thông qua những đại diện của mình trong HĐQT đã không ủng hộ những quyết sách quan trọng mang lại lợi ích cho công ty. Việc này khiến giá cổ phiếu CTD sụt giảm nghiêm trọng, không phản ánh đúng vị thế của doanh nghiệp đứng đầu ngành xây dựng như Coteccons", báo cáo nêu. 

Quả thật, những mẫu thuẫn thượng tầng khiến Coteccons càng lún sâu khủng hoảng. Doanh thu thuần năm 2019 của công ty này chỉ đạt 22.685 tỉ đồng, lợi nhuận ròng 711 tỉ đồng, giảm lần lượt 15% và 53%. 

Bảng xếp hạng công ty uy tín ngành Xây dựng - Vật liêu xây dựng năm 2020 do Vietnam Report công bố, Coteccons lần đầu rơi khỏi vị trí dẫn đầu, nhường chỗ cho đối thủ trực tiếp CTCP Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC). Xếp hạng dựa trên các điểm số tính toán về tài chính, điểm media coding và khải sát các chuyên gia trong ngành. 

Thế cục mới tại Coteccons: Ông Nguyễn Bá Dương lép vế trong HĐQT - Ảnh 2.

Đồ họa: Justin Bui

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.