Đàn heo của thế giới không đủ bán cho Trung Quốc

Một người Trung Quốc trung bình tiêu thụ khoảng 30 kg thịt heo mỗi năm, nguồn đạm này quan trọng tựa như việc người dân ở Mỹ ăn khoảng 26 kg thịt bò mỗi năm, và người Anh khoảng 18kg.

Chỉ số giá tiêu dùng ở Trung Quốc lần đầu tiên trong một thập niên đã vượt xa mục tiêu của chính phủ: 3%. Nguyên nhân là giá thịt heo tăng vọt vì chịu ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi. 

Hàng trăm triệu con heo ở Trung Quốc đã bị tiêu hủy

Thịt heo là nguồn đạm số một của người dân Trung Quốc. Trước tình trạng đã có hơn hàng trăm triệu con heo bị nhiễm dịch tả châu Phi khi chưa đầy 2 tháng nữa là Tết Nguyên đán, rất có thể số heo của thế giới bây giờ không thể lắp đầy khoảng trống trên.

photo-1

Hình ảnh tại một lò buôn thịt lợn. (Ảnh: EPA).

Tờ The Guardian nhận định: "Thịt heo là một vấn đề lớn ở Trung Quốc". Một người Trung Quốc trung bình tiêu thụ khoảng 30 kg thịt heo mỗi năm, nguồn đạm này quan trọng tựa như việc người dân ở Mỹ ăn khoảng 26 kg thịt bò mỗi năm, và người Anh khoảng 18kg. Kể từ tháng 8/2018, khi Trung Quốc thông báo cho Tổ chức Thú y Thế giới rằng dịch tả heo châu Phi đang bùng phát, căn bệnh này đã lây lan với tốc độ phi thường. 

Khoảng 40% đàn heo Trung Quốc, tức con số lên đến hàng trăm triệu con, hiện đã bị tiêu hủy và kết quả là tình trạng thiếu thịt heo cùng giá cả tăng vọt. Chính phủ Trung Quốc buộc phải đào sâu vào kho dự trữ thịt đông lạnh khẩn cấp khổng lồ của mình. Giá nhà sản xuất đã tăng 125% kể từ tháng 7, theo ông Rupert Claxton của công ty tư vấn thực phẩm quốc tế Girafood. 

Sự gia tăng đó đã làm tỉ lệ lạm phát của Trung Quốc trong tháng 10 đã lên đến 3,8%. 

Chu Chấn Xuân, một chủ nhà hàng ở Thâm Quyến, chia sẻ với The Guardian rằng: "Chúng tôi chi thêm khoảng 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng chỉ vì giá tăng. Đó là tương đương với tiền lương hàng tháng cho toàn thể nhân viên của 2 nhà hàng. Mọi người đều biết đây là một vấn đề lớn. Mọi người đều hi vọng giá sẽ giảm trước hoặc ngay sau Tết Nguyên đán. Nếu không, điều đó có thể khiến một số người nản chí về doanh nghiệp của mình". 

Số heo thế giới hiện không thể lắp đầy nhu cầu của người dùng Trung Quốc

Thịt heo nhập khẩu vào Trung Quốc cũng đã tăng vọt. Vào tháng 9 năm ngoái, 94 triệu kg đã được nhập cảng, nhưng cuộc khủng hoảng dịch tả heo châu Phi đã đẩy con số này lên 161 triệu kg trong năm nay. 

Các quan chức đang gấp rút kiểm định thịt heo tại các trang trại ở Brazil, Ireland và một số quốc gia khác để đưa về Trung Quốc với tốc độ chưa từng thấy, nhằm đáp ứng nhu cầu. 

photo-2

Quầy thịt tại siêu thị ở Bắc Kinh. (Ảnh: EPA).

Hai tuần trước, Bắc Kinh cũng đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu từ Canada. Kết quả là giá thịt heo cũng đang tăng bên ngoài Trung Quốc. 

Châu Âu đã chứng kiến một bước nhảy vọt ít nhất 35% trong bảng giá thịt heo kể từ đầu năm. Ông Claxton cho biết: "Vấn đề là tổng xuất khẩu thịt heo toàn cầu năm 2018 chỉ là 8 triệu tấn trong khi Trung Quốc cần đến 24 triệu tấn. Không có đủ thịt heo trên thế giới để lấp đầy khoảng trống này". 

Vì sao dịch tả heo châu Phi bùng phát mạnh ở Trung Quốc?

Dịch tả heo châu Phi là một loại vi-rút rất dễ lây lan gây tử vong cho heo. Nó cực kì cứng đầu, có thể sống sót khi được nấu và chế biến, và sẽ tồn tại trong thịt đông lạnh trong nhiều năm. Nó được truyền trực tiếp giữa các động vật, hoặc bằng cách cho ăn thịt bị nhiễm bệnh, và cũng đã có trường hợp thức ăn gia súc bị nhiễm bệnh. 

Ở Trung Quốc và Việt Nam, căn bệnh này đã lan nhanh với tốc độ kinh hoàng, một phần nhờ thói quen mua hàng tại địa phương: heo sống thường xuyên được vận chuyển để cung cấp cho thị trường và những người bán thịt. Mặc dù chính phủ có kế hoạch hiện đại hóa gần đây, ngành chăn nuôi heo Trung Quốc vẫn bị chi phối bởi những người chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình. Phần còn lại của thế giới đang hồi hộp chờ đợi xem dịch tả heo châu Phi sẽ tấn công tiếp theo ở đâu. 

Mỹ hiện đang thông qua luật pháp để tăng số lượng thanh tra biên giới, trong khi Đan Mạch và Đức đang xây dựng hàng rào vững chắc trong nỗ lực ngăn chặn heo rừng. 

Zoe Davies thuộc Hiệp hội heo quốc gia Anh, cho biết: "Giờ đây, chúng tôi đã lên tinh thần để ghi nhận ca mắc dịch tả heo đầu tiên, thay vì ngồi lo toan cấm cửa heo nhập khẩu". Cô lo lắng về số lượng lớn các hộ sản xuất nhỏ ở Anh không coi trọng vấn đề này. 

"Chỉ cần một con heo bị nhiễm virut là coi như xong trên toàn vương quốc", bà nhấn mạnh.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.