Theo dữ liệu từ các thử nghiệm giai đoạn cuối trên qui mô lớn tại Anh và Brazil, vắc xin Covid-19 tiềm năng của AstraZeneca và Đại học Oxford cho hiệu quả phòng bệnh đến 90% khi tình nguyện viên được tiêm nửa liều và cách ít nhất một tháng sau tiêm liều mới.
Bình luận về thành tựu trên, ông Andrew Pollard - Giám đốc Tổ điều chế vắc xin của Đại học Oxford, cho hay: "Kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy chúng tôi đã có một loại vắc xin ngừa Covid-19 cho cả thế giới".
Hãng dược AstraZeneca cho biết họ sẽ sản xuất khoảng 200 triệu liều vắc xin vào cuối năm 2020, gần gấp 4 lần so với đối thủ Pfizer. Sau đó, sớm nhất là vào quí I/2021, AstraZeneca có thể cung ứng cho thế giới khoảng 700 triệu liều khác.
Theo hợp đồng của AstreZeneca và chính phủ các nước, giá một mũi tiêm chỉ rơi vào khoảng vài USD, thấp hơn nhiều so với giá của hai đối thủ tiềm năng khác là Pfizer và Moderna.
Trước đó, giá vắc xin ngừa Covid-19 của Pfizer là khoảng 19,5 USD/liều và của Moderna là khoảng 25 - 37 USD/liều. Cả hai vắc xin đều yêu cầu hai mũi tiêm để đạt hiệu quả phòng bệnh tốt nhất, tức là một liệu trình của Pfizer và Moderna lần lượt rơi vào khoảng 39 USD/người và 50 - 74 USD/người.
Giá của một vắc xin tiềm năng khác là Sputnik V của Nga hiện chưa được công bố. Phát ngôn viên của Quĩ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) cho biết Moscow sẽ công khai giá vắc xin Sputnik V trong tuần này.
Theo Reuters, vắc xin của AstraZeneca có thể được vận chuyển và bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh bình thường, nhờ đó chính phủ các nước, đặc biệt là nước nghèo, có thể dễ dàng phân phối vắc xin trên diện rộng.
Trong khi đó, vắc xin của Pfizer lại yêu cầu bảo quản và vận chuyển ở nhiệt độ siêu lạnh (khoảng -70 độ C) khiến quá trình phân phối gặp nhiều trở ngại.
Khả năng triển khai vắc xin nhanh chóng hơn đồng nghĩa rằng bất luận giàu hay nghèo, các nước đã có sẵn kế hoạch phân phối đều có thể giúp người dân tiếp cận vắc xin trên diện rộng, đồng thời giúp ngăn chặn sự gián đoạn về kinh tế và xã hội mà đại dịch Covid-19 gây ra.