Thi công trở lại cầu cửa ngõ TP HCM sau 6 năm ngưng trệ

Cầu Tân Kỳ - Tân Quý, quận Bình Tân, được khởi động lại sau nhiều năm dang dở, dự kiến cuối năm nay hoàn thành giúp giảm ùn tắc cửa ngõ Tây Nam thành phố.

Sáng 21/6, công trình được thi công trở lại sau khi chính quyền TP HCM hoàn tất thủ tục chuyển từ hình thức đầu tư BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) sang dùng vốn ngân sách.

Đây cũng là dự án BOT đầu tiên ở thành phố dừng trước thời hạn hợp đồng để chuyển qua đầu tư công. Trên công trường, nhà thầu đã huy động nhân lực cùng nhiều loại vật tư, máy móc, thiết bị, chuẩn bị thi công đồng loạt các hạng mục để sớm hoàn thiện dự án.

Hiện trạng cầu Tân Kỳ - Tân Quý, sáng 21/6. (Ảnh: Gia Minh).

Nằm trên đường Tân Kỳ - Tân Quý, cầu bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát. Công trình có tổng chiều dài 385 m, trong đó phần cầu dài 83 m, 4 làn xe và lề đi bộ hai bên, phần còn lại là đường dẫn hai đầu. Ngoài ra, dự án còn có các hạng mục như đường gom, xây kè dọc kênh Tham Lương, hệ thống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng.

Trước đó, dự án được TP HCM phê duyệt năm 2017, khởi công đầu năm 2018 theo hình thức BOT, do Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng (IDICO-IDI) làm nhà đầu tư.

Công trình khi đó có tổng vốn 312 tỷ đồng, sau nâng lên 668 tỷ đồng do tính cả lãi vay trong thời gian xây dựng, chờ thu phí. Cuối năm 2018, dự án hoàn thành 70% khối lượng nhưng ngưng trệ đến nay do vướng giải tỏa mặt bằng và bị xác định không phù hợp với Nghị quyết 437 của Quốc hội (không được làm dự án BOT trên đường hiện hữu).

Công nhân của nhà thầu được huy động đến công trường, chuẩn bị thi công dự án. (Ảnh: Gia Minh).

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM, dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý hiện có tổng vốn 491 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng chỉ chiếm phần nhỏ, khoảng 25 tỷ đồng. Vốn cho giải tỏa mặt bằng 190 tỷ đồng và 230 tỷ đồng là khoản tiền thanh toán cho nhà đầu tư cũ. Công trình dự kiến thông xe cuối năm nay, cùng với đường Tân Kỳ - Tân Quý chuẩn bị hoàn thành mở rộng.

Theo Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường, cầu Tân Kỳ - Tân Quý là công trình quan trọng, góp phần hoàn thiện trục đường huyết mạch đi qua ba quận ở cửa ngõ thành phố là Bình Tân, Tân Bình và Tân Phú, dẫn vào khu trung tâm. Công trình khi đưa vào khai thác cũng giúp chỉnh trang đô thị, đồng bộ với dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát đang được thành phố triển khai, tạo thuận lợi cho giao thông thuỷ và thoát nước.

Vị trí cầu Tân Kỳ - Tân Quý. (Đồ họa: Đăng Hiếu).

Ngoài cầu Tân Kỳ - Tân Quý, phía Tây Nam thành phố nhiều công trình khác cũng dự kiến hoàn thành cuối năm nay, như đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa; mở rộng tuyến Hoàng Hoa Thám, Tên Lửa... Đây đều là các dự án trọng điểm ở TP HCM, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, giảm ùn tắc và chỉnh trang đô thị.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.