Đề thi trắc nghiệm môn toán gồm 50 câu
Theo tin tức trên báo Tri Thức Trực Tuyến, tại tọa đàm sáng 8/9 do Cổng thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết trong vài ngày tới, Bộ GD&ĐT sẽ công bố toàn văn dự thảo kỳ thi THPT quốc gia 2017, tiếp thu ý kiến của dư luận để thực hiện quy chế thi.
Theo đó, kỳ thi 2017 vẫn được sử dụng cho 2 mục đích là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Dự kiến học sinh hệ THPT sẽ phải thi 3 môn bắt buộc: Ngữ văn, Toán học, Ngoại ngữ. Hai bài thi tự chọn là bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và tổ hợp Khoa học xã hội. Học sinh hệ giáo dục thường xuyên sẽ thi 2 môn bắt buộc: Toán và Ngữ văn.
Ngoài bài thi Ngữ văn, các bài thi khác đều theo phương thức trắc nghiệm. Trong đó, đề trắc nghiệm môn Toán sẽ gồm 50 câu, các bài trắc nghiệm còn lại sẽ có 60 câu. Thí sinh làm bài thi trên giấy. Mỗi thí sinh sẽ có một mã đề riêng, hạn chế tối đa không thí sinh nào trùng đề trong cùng một phòng thi.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, đề thi 2017 sẽ được chọn lựa, bổ sung từ ngân hàng 17.000 câu hỏi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Nếu đề thi của ĐH Quốc gia Hà Nội thi với mục đích tuyển sinh thì đề thi 2017 thi với hai mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh. Từ thời điểm này đến gần kỳ thi 2017, ban ra đề tiếp tục bổ sung vào ngân hàng đề thi này.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhận định: “Trước đây, những người ra đề thi đều bị 'nhốt' cả tháng trời để đảm bảo sự bảo mật, thì hiện nay không cần thiết làm điều đó”.
Nếu đề thi Đánh giá năng lực thí sinh làm bài hoàn toàn trên máy, đề thi THPT quốc gia 2017, các em vẫn làm bài trên giấy, do cơ sở vật chất trên toàn quốc chưa đảm bảo. Sau khi làm bài thi, thí sinh sẽ bị thu hồi đề, tuyệt đối không được mang đề thi ra bên ngoài.
Đề trắc nghiệm môn Toán sẽ gồm 50 câu. (Ảnh minh họa). |
Giáo viên trở tay không kịp
Báo VTC News thông tin, với hình thức thi trắc nghiệm môn Toán như trong dự thảo thi THPT quốc gia 2017, giáo viên THPT tại TP HCM cho rằng sẽ làm hao mòn tư duy học sinh còn thầy cô không kịp thời gian để chuẩn bị.
Ông Phạm Hồng Danh, Chủ tịch hội đồng trường THPT Vĩnh Viễn cho rằng, hình thức thi trắc nghiệm áp dụng với môn Toán như Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 "là một bước lùi trong thi cử".
Trong dự thảo vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, kỳ thi THPT quốc gia 2017 gồm 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Trong đó, trừ môn Văn, tất cả các môn còn lại sẽ theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Theo ông Danh, môn Toán là môn nền tảng của khoa học tự nhiên, rèn luyện cho học sinh khả năng tư duy, tính toán và lập luận chặt chẽ. Với hình thức kiểm tra bằng trắc nghiệm tư duy và kỹ năng lập luận của học sinh sẽ bị thui chột. "Học sinh sẽ phụ thuộc vào máy tính, chỉ cần học cách bấm máy cho ra kết quả. Các em sẽ không còn biết cách diễn đạt chặt chẽ, thuyết phục để ra kết quả đó. Nếu thi cử như vậy sẽ tạo ra một thế hệ rô bốt bấm máy tính", ông Danh nói.
Ông Danh khẳng định, việc dạy học Toán theo cách thi trắc nghiệm sẽ dễ dàng hơn cách thi tự luận. Cách chấm thi cũng đỡ tốn kém và nhanh chóng hơn. "Nhưng những điều đó không quan trọng nếu chúng ta mất đi một thế hệ học sinh biết tư duy, lập luận logic", ông bày tỏ.
Cùng quan điểm, ông Trần Tuấn Anh, giáo viên Toán của Trung tâm giáo dục thường xuyên Gò Vấp nói rằng, thi trắc nghiệm Toán sẽ khó tìm ra học sinh giỏi thực sự, hay nói cách khác là tính phân loại học sinh sẽ giảm đi. Với cách thi trắc nghiệm, một bài toán có thể được giải quyết trong một cú bấm máy tính nhưng học sinh lại không biết vì sao có kết quả đó.
"Môn Toán là môn học cần suy luận, rèn luyện tư duy. Đây cũng là môn cơ bản, liên quan trực tiếp đến các môn Lý, Hóa... Học và thi Toán theo kiểu trắc nghiệm sẽ làm hao mòn tư duy của học sinh", ông Tuấn Anh phân tích.
Không chỉ lo lắng về "tác hại" của cách thi trắc nghiệm áp dụng cho môn Toán, một số giáo viên tại TP HCM đang bối rối về cách dạy cho học sinh theo hình thức thi cử này.
Lãnh đạo một trường công lập tại quận Phú Nhuận dù khá đồng thuận với những đổi mới trong phương án, hình thức thi THPT quốc gia 2017 theo dự thảo, nhưng cho rằng nó quá vội vàng.
"Chúng tôi có thể đáp ứng những đổi mới trong việc thay đổi bài thi, hình thức thi nhưng cần hơn một năm để chuẩn bị cho điều đó. Hiện, giáo án giảng dạy đã được giáo viên hoàn thành, các em cũng học vài tuần nay thì việc thay đổi cho kịp cuối năm học này là không thể", ông bày tỏ.
Cùng nỗi lo, ông Trần Đức Thành, Hiệu trưởng THPT An Dương Vương (quận Tân Phú) cho rằng giáo viên, học sinh cần 1-2 năm mới chuẩn bị tốt cho hình thức thi mới. Theo hiệu trưởng này, thi trắc nghiệm Toán vẫn mang lại hiệu quả cho học sinh nếu giáo viên dạy học bài bản, cách ra đề hay.
"Nhưng về lâu dài, khó tránh được việc dạy mẹo để làm bài thi hơn là dạy phương pháp suy luận, giải toán của giáo viên", ông Thành băn khoăn.
Tuy nhiên, một số giáo viên ủng hộ phương án thi trắc nghiệm môn Toán. Là người có chuyên môn ngành này, ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng THPT Nhân Việt (quận Tân Phú) cho rằng, ở nhiều nước tiên tiến đã áp dụng hình thức trắc nghiệm Toán. Hình thức trắc nghiệm đủ đánh giá lượng kiến thức trong chương trình, thích hợp cho các dạng toán mang tính ứng dụng thực tiễn.
Phương pháp dạy và học Toán theo hình thức trắc nghiệm cũng không khó thực hiện. "Có điều, thời điểm áp dụng hình thức này theo dự thảo của Bộ Giáo dục quá gấp, các trường sẽ khó xoay sở", ông Hiếu nói.
An Yên (Tổng hợp)