Nhìn lại giai đoạn 2011-2013
Đã gần 10 năm trôi qua nhưng bức tranh đóng băng của thị trường năm 2011- 2013 vẫn còn đầy ám ảnh. Đó là khoảng thời gian im lìm và bất động của thị trường.
Khởi đầu cho chuỗi ảm đạm đó là Nghị quyết số 11 về yêu cầu Ngân hàng nhà nước (NHNN) giảm tốc độ và tỉ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với năm 2010, nhất là lĩnh vực bất động sản của Chính phủ.
Tiếp nối sự rời rạc từ thời điểm cuối năm 2010, cộng hưởng từ siết tín dụng, thị trường bất động sản 2011-2013 bắt đầu khoảng thời gian chạm đáy khi nguồn vốn - nhựa sống bị thắt chặt từ phía các ngân hàng.
Nhiều doanh nghiệp chậm tiến độ dự án, thậm chí phải bán tháo hàng loạt khi nguồn vốn cạn kiệt, khó triển khai. Không ít doanh nghiệp phải tái cấu trúc cả về số lượng dự án, cả về qui mô dự án, cả về giá thành sản phẩm của dự án. Chênh lệch giữa cung - cầu rõ rệt, giá bất động sản rớt mạnh trên thị trường. Đi qua giai đoạn sốt nóng 2009-2010, lực cầu trên thị trường suy yếu rõ rệt.
Ám ảnh của giai đoạn đó là sự đổ vỡ domino của hàng loạt các dự án bất động sản. Từ những sản phẩm “đắt hàng”, những cuộc thi công và mở bán rầm rộ, cọc tiền nhà không cần giấy tờ pháp lí đã chấm dứt bằng dãy nhà bỏ hoang và hành trình phá sản của không ít doanh nghiệp và doanh nhân. Một số dự án đã đổ vỡ, một số dự án đã bị thu hồi. Đây cũng là giai đoạn mà vốn FDI đổ vào bất động sản thấp kỉ lục trong vòng 5 năm trở lại trước.
Nguyên nhân của sự đóng băng thị trường 2011-2013 được cho là đến từ chính sách điều tiết khô cứng vĩ mô trong siết tín dụng. Sự sốt nóng của giai đoạn trước đã đẩy thị trường rơi vào tình trạng “vỡ bong bóng”.
Soi chiếu với thị trường bất động sản hiện tại
Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 đã trở thành tác nhân đẩy thị trường bất động sản nhanh chóng rơi vào điểm trũng nhanh hơn so với dự đoán trước đó.
Trải qua một năm sóng gió 2019, thị trường bất động sản 2020 đã được cảnh báo là khó chồng khó. Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 4 – 2019 của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đã đưa ra dự báo về thị trường năm 2020 đầy lo ngại: Đây sẽ là một năm bất ổn và khắc nghiệt với bất động sản.
Cơ sở này được đưa ra từ các tín hiệu lượng cung sản phẩm ra nhỏ giọt nhưng khối lượng hàng tồn kho ở mức khổng lồ.
Số liệu thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, chỉ tính riêng phân khúc condotel, lượng hàng tồn lên 10 vạn căn.
Mặc dù tỉ lệ hấp thu được ghi nhận là có nhưng lượng giao dịch sụt giảm đáng kể. Những phân khúc đắt tiền có xu hướng giảm xuống.
So sánh với kịch bản năm 2011-2013, thị trường bất động sản giai đoạn hiện tại đang lặp lại các chỉ số như nguồn vốn tín dụng bị siết (trước đó, đầu năm 2020, NHNN đã ra Thông tư về việc siết tín dụng bất động sản); lực cầu yếu và doanh nghiệp bất động sản lao đao.
“Cầm cự” là chiến lược mà không ít doanh nghiệp địa ốc đã thực hiện trước hàng loạt sự kiện mở bán bị hoãn, doanh thu không được thực hiện, chi phí quảng cáo cắt giảm. Quá trình đào thải, cắt giảm nhân sự cũng diễn ra. Doanh nghiệp buộc phải tái cơ cấu.
Khác với giai đoạn 2011-2013, điểm sáng của thị trường bất động sản ở hiện tại đó là khả năng xoay xở vốn của doanh nghiệp khi cung ứng ra thị trường nguồn trái phiếu lớn.
Tất nhiên, sự thích ứng linh hoạt cũng như kinh nghiệm quản lí rủi ro của doanh nghiệp đã đi qua giai đoạn trước tới thời điểm hiện tại đã gia tăng.
Trước đó, tại sự kiện Diễn đàn thường niên bất động sản 2019, ông Trương Anh tú cho rằng, thị trường bất động sản năm 2011-2013 có một điểm khác là niềm tin của nhà đầu tư bị mất. Còn thị trường ở giai đoạn 2018-2019 và sang nước 2020, niềm tin của nhà đầu tư vẫn còn.
Cũng tại Diễn đàn, dự báo về thị trường năm 2020 vẫn còn tươi sáng. Nhưng đến hiện tại, không thể phủ nhận thực tế, sự xuất hiện đại dịch toàn cầu Covid-19 đã và đang kéo thị trường không diễn ra theo kịch bản lạc quan như thế. Bởi một cuộc khủng hoảng kinh tế đang đến gần. Và một nền kinh tế bị đe dọa thì bất động sản khó có bức tranh sáng ở thời điểm hiện tại và tương lai gần.
Dẫu đang lặp lại 1 phần kịch bản 2011-2013 nhưng nhà đầu tư vẫn nuôi kì vọng vào sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ sớm trở lại khi đại dịch được kiểm soát.