Mới đây, trong bản báo cáo tình hình thị trường quí III/2019, batdongsan.com.vn đã dành hẳn một phần để báo cáo về thị trường bất động sản quận Thanh Xuân (Hà Nội) sau vụ cháy ở ở kho hàng của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (mã CK: RAL).
Biểu đồ sự thay đổi lượng tin đăng tại phường Hạ Đình, Khương Đình và Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội trong tháng 8-9/2019. (Ảnh chụp màn hình báo cáo của batdongsan.com.vn).
Cụ thể, batdongsan.com.vn đã phân tích dữ liệu từ lượng tin đăng tất cả các loại hình bất động sản (trong đó có nhà riêng bán, nhà mặt phố bán, nhà riêng cho thuê, căn hộ chung cư thuê và bán) tại phường Hạ Đình, Khương Đình và Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân từ ngày 1/8 - 30/9.
Theo đó, vụ cháy ngày 28/8 diễn ra trong khoảng thời gian lượng tin đăng bán và cho thuê tại ba phường trên đang giảm. Sau vụ cháy khoảng 1 tuần, lượng thông tin đăng bán và cho thuê đã nhích lên một chút và ổn định cho tới cuối tháng 9 vừa qua (khoảng 1.800 - 1.900 tin).
Tuy nhiên, theo biểu đồ, tại thời điểm cuối tháng 9/2019, lượng tin rao bán và cho thuê ở các phường Hạ Đình, Khương Đình và Thanh Xuân Trung cũng chỉ ở mức tương đương với tuần thứ ba của tháng 8/2019.
Lượng tin rao bán này thậm chí cao hơn nhiều so với thời điểm đầu tháng 8/2019 (khoảng 1.500 tin) nhưng vẫn thấp hơn đỉnh trong tuần 4 của tháng 8/2019 (trước khi xảy ra vụ cháy, khoảng 2.050 tin)
Đối với các loại tin bán nhà riêng, nhà mặt phố, đến cuối tháng 9/2019, lượng tin đã xấp xỉ so với thời điểm cao nhất trước khi xảy ra vụ cháy vào ngày 28/8. Đặc biệt, đối với loại hình nhà riêng cho thuê, lượng tin rao hiện nay (khoảng 50 tin) đã vượt đỉnh của tháng 8/2019 (41-45 tin).
Về giá bán căn hộ chung cư ngay gần nhà máy Rạng Đông, trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Dũng (phòng kinh doanh của Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy, chủ đầu tư của dự án Golden Land) cho hay mức độ giao dịch trong nửa đầu tháng 9/2019 và thời điểm này vẫn như các tháng trước do vị trí của dự án này khá đặc biệt so với mặt bằng chung, không có cạnh tranh.
Dự án Golden Land của Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy là một trong những dự án chung cư ở gần nhà máy Rạng Đông. (Ảnh: Minh Anh).
Theo anh Dũng, tỉ lệ % giao dịch vẫn như trước, giá vẫn không giảm và tuỳ vị trí căn hộ sẽ có giá khác nhau.
Đối với thời điểm giữa tháng 9/2019, giá 30-34 triệu đồng/m2 là giá bàn giao thô của căn ở vị trí mặt đường có tên là Gold Tower, còn cả dự án lại lấy tên là Golden Land. Các căn bên trong thì có giá dao động trong khoảng 27-28 triệu đồng/m2 (giá tính theo tim tường)".
Còn thời điểm hiện tại, ngày 16/10, theo anh Dũng, lượng căn ở tòa ngay mặt đường của dự án này không còn nhiều và chỉ còn những căn bàn giao hoàn thiện với giá khoảng 40 triệu đồng/m2. Đối với các căn ở tòa bên trong thì giá khoảng 28 - 29 triệu đồng/m2 (giá tính theo thông thủy).
Liên quan tới vụ cháy ở nhà máy Rạng Đông, ngày 5/10 vừa qua, Binh chủng Hóa học hoàn thành nhiệm vụ tiêu tẩy thủy ngân, trả lại không gian an toàn cho doanh nghiệp này.
Theo quan sát của chúng tôi vào chiều 15/10, sinh hoạt của người dân ở mặt đường phố Hạ Đình (đối diện khu vực bị cháy của nhà máy Rạng Đông) gần như đã trở lại bình thường.
Người dân đã bày bán thực phẩm ngay đối diện khu vực bị cháy của nhà máy Rạng Đông như trước đây. (Ảnh: Minh Anh).
Tại mặt phố đoạn đối diện khu vực bị cháy của nhà máy Rạng Đông cũng đã xuất hiện một số thông tin cho thuê nhà.
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thu H. (ở Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội), một người dân có nhà cho thuê chia sẻ: "Tôi mới thông báo cho thuê, có cả hàng xóm sang hỏi thuê nhưng người ta trả rẻ quá nên tôi chưa đồng ý cho thuê".
Theo chị H., dù là hàng xóm của nhau, biết thừa là công tác tẩy độc đã kết thúc nhưng chính người hàng xóm của chị đã ép giá thuê mà chị đưa ra từ 8 triệu đồng còn 6 triệu đồng mỗi tháng.
Một thông báo cho thuê cửa hàng ngay đối diện khu vực bị cháy của nhà máy Rạng Đông. (Ảnh: Minh Anh).
"Ở đây có tâm lý là gần khu nhà máy bị cháy thì ép giá xuống chứ thực tế, nhà tôi vẫn ở đây (căn hộ có 3 tầng thì cho thuê tầng 1 làm cửa hàng), hàng ngày nhìn sang bên nhà máy thì thấy các đơn vị của bộ đội dọn sạch sẽ và tẩy sạch độc rồi.
Mọi thứ ở đây đã trở lại bình thường. Tâm lí của người đi thuê thì cứ ép giá chứ sợ thì đã không thuê", chị H. chia sẻ.
Cũng theo chị H., xung quanh đây cũng có một số nhà khác cho thuê và cũng có hiện tượng bị ép giá xuống.
"Nhưng tôi cũng thấy một số người trước đây thuê bán hàng ở đây thì họ vẫn cứ tiếp tục bán hàng chứ không trả lại mặt bằng. Việc bán hàng bây giờ cũng đã quay trở lại bình thường dù không đông bằng thời điểm trước khi vụ cháy xảy ra", chị H. cho hay.
Một trong những thông tin rao bán nhà được dán trên bảng thông báo ở mặt phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. (Ảnh: Minh Anh).
Trong một cuộc trao đổi khác với chúng tôi, anh P.V.T (một người rao bán nhà tại khu vực phố Hạ Đình) cho hay do gia đình mua nhà ở đường Lê Văn Lương nên mới rao bán chứ không phải vì lí do gì liên quan đến vụ cháy ở nhà máy Rạng Đông mới rao bán.
Anh T. cho biết thêm anh mới rao bán sáng 15/10 với mức giá 1,45 tỉ đồng cho căn hộ 82 m2, thì đến tối 15/10 đã có hai người hỏi mua. Anh T. nói: "Mức giá mà họ đưa ra là 1,37 tỉ đồng. Do còn lăn tăn một số vấn đề nên tôi chưa quyết định bán".
Nói về những thông tin rao bán nhà, căn hộ trong khu vực bán kính 5000 mét tính từ nơi bị cháy của nhà máy Rạng Đông, hồi giữa tháng 9/2019, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho hay, một thị trường BĐS bình thường thì ngay trong sự bình thường đó đã có sự cắt lỗ. Khi nhà đầu tư dùng vốn đi vay mà gặp khi thị trường có tình hình thanh khoản chậm do siết tín dụng ngân hàng thì họ sẽ phải bán cắt lỗ.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hội Môi giới bất động sản Việt Nam. (Ảnh: TheLEADER).
Đối với thị trường, thông tin ảnh hưởng rất nhiều. Ví dụ thông tin qui hoạch Hoài Đức trở thành quận thì giá bất động sản tại đó có thể tăng lên. Đó là thông tin tốt. Còn đối với những thông tin xấu kiểu như thông tin từ vụ cháy ở nhà máy Rạng Đông thì sẽ có ảnh hưởng nhất định.
Đã có thông tin một số người dân ở khu vực đó di chuyển ở chỗ khác. Điều này khiến những người có ý định mua chung cư nói riêng và mua bất động sản nói chung để ở tại đây sẽ lưỡng lự và có thể là không mua nữa. Trong khi đó, những nhà đầu tư lướt sóng tại đây lại kì vọng bán được hàng. Nhưng khi áp lực trả nợ ngày càng lớn thì đắt rẻ gì họ cũng phải bán. Đó là hoạt động cắt lỗ trong thị trường bất động sản rất bình thường của những nhà đầu tư".
Theo ông Đính, đối với những khách hàng thực sự quan tâm dự án để ở thì người ta có thể tìm hiểu vị trí khác trong bối cảnh này. Tuy nhiên, với những nhà đầu cơ có thực lực, nguồn vốn của họ ổn định, không chịu áp lực trả nợ thì đó là một cơ hội. Đối với những trường hợp bán cắt lỗ trong giai đoạn này thì vẫn có thể xảy ra những tình huống mua để đầu tư mới.