Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 28 điểm, tương đương 0,1%, và đóng cửa ở 28.336 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite tăng nhẹ, lần lượt 0,3% và 0,4%.
CNBC dẫn lời ông Mike Katz – chuyên gia tại công ty quản lí tài sản Seven Points Capital nhận định: "Tôi nghĩ mọi người đều đang trong trạng thái theo dõi và chờ đợi. Có rất nhiều thông tin trái chiều về dự luật hỗ trợ kinh tế và mỗi dòng tít báo lại khiến thị trường biến động một chút nhưng không có chuyển dịch nào đáng kể vì tình hình vẫn chưa rõ ràng".
Tính chung cả tuần qua, Dow Jones và S&P 500 giảm lần lượt 0,95% và 0,5%, chấm dứt chuỗi tăng ba tuần liên tiếp trước đó. Nasdaq Composite thì kết thúc chuỗi tăng 4 tuần liên tục khi giảm 1,1% trong tuần qua.
Ngày 23/10, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi "vẫn kiên quyết không thay đổi" về một số vấn đề liên quan tới gói giải cứu kinh tế. Ông Mnuchin nói: "Nếu bà Pelosi chịu nhượng bộ thì hai bên sẽ có thỏa thuận. Chúng tôi đã đạt được nhiều tiến bộ trong nhiều lĩnh vực, nhưng vẫn còn các vấn đề lớn mà chúng tôi đang phải giải quyết".
Tổng thống Trump ngày 23/10 tuyên bố ông không muốn gói cứu trợ trong tương lai sẽ giải cứu các bang do Đảng Dân chủ lãnh đạo. Các chỉ số chứng khoán chính đồng loạt giảm xuống mức thấp nhất phiên sau tuyên bố này.
Các nhà đầu tư đã theo dõi diễn biến các cuộc đàm phán tại Washington trong vài tuần qua để đánh giá khả năng một gói cứu trợ mới được thông qua. Nhiều chuyên gia thị trường và nhà kinh tế, bao gồm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell, cho rằng một đợt hỗ trợ tài khóa tiếp theo là rất cần thiết đối với quá trình hồi phục của nền kinh tế, vốn đã bị thiệt hại nặng nề vì đại dịch Covid-19.
Trong một diễn biến khác, giá cổ phiếu Intel – một thành viên của chỉ số Dow Jones – lao dốc 10,6% sau khi hãng sản xuất chip này công bố kết quả kinh doanh không hoàn toàn khả quan. Lợi nhuận quí III phù hợp với kì vọng của giới phân tích nhưng doanh thu từ mảng trung tâm dữ liệu lại thấp hơn so với dự báo.
Cả tuần qua, nhóm công nghệ của chỉ số S&P 500 giảm hơn 2% giữa những lo ngại về khả năng Đảng Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng cũng như chiếm đa số tại lưỡng viện Quốc hội. Kịch bản "Làn sóng xanh" này sẽ gây áp lực lên các cổ phiếu công nghệ đang được định giá rất cao.
CNBC trích dẫn phân tích của Bank of America cho biết: "Chúng tôi cho rằng chiến thắng toàn diện của Đảng Dân chủ là rủi ro nghiêm trọng nhất đối với các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn" vì Đảng Dân chủ thường ủng hộ tăng thuế suất và thắt chặt quản lí các tập đoàn công nghệ.