Thị trường dầu mỏ toàn cầu biến động do thiếu vốn đầu tư

Thị trường dầu mỏ toàn cầu lại đang biến động. Tín hiệu tích cực và tiêu cực xuất hiện lẫn lộn trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới phải áp lệnh phong tỏa mới nhằm kiểm soát đại dịch Covid-19. Song, một rủi ro lớn đang bao vây thị trường dầu mỏ mà ít người để tâm.

Trong phiên giao dịch ngày 13/1, giá dầu thế giới chạm đỉnh 11 tháng và đang hướng đến mốc 57 USD/thùng nhờ cam kết cắt giảm sản lượng kéo dài từ liên minh dầu mỏ OPEC .

Tuy nhiên, mây đen đã xuất hiện trở lại khi phần lớn thị trường OECD phải vật lộn với các biến thể Covid-19 mới. Tâm lí lạc quan về giá dầu trong ngắn hạn sẽ suy yếu khi nhu cầu nhiên liệu hóa thạch bị ảnh hưởng khi các đợt phong tỏa tiếp tục.

Thị trường có thể phải gánh chịu thêm một đợt dư thừa nguồn cung khác trong nửa đầu năm 2021 nếu các nhà xuất khẩu không giữ lời hứa giảm sản lượng.

Kịch bản rủi ro cho ngành dầu mỏ

Song, thị trường sẽ có một thời kì hậu Covid-19, nhiều khả năng là ngay sau mùa hè năm nay khi các chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 được triển khai sâu rộng.

Mối đe dọa thực sự của thị trường dầu mỏ trong những năm tới hiện đang bị bỏ qua. Thị trường chắn chắn đang hướng tới một cuộc khủng hoảng nguồn cung lớn, nhưng không phải do thừa cung dầu, oilprice.com nhận định.

Kỉ nguyên Covid không chỉ loại bỏ nhu cầu dầu mỏ ngắn hạn và thúc đẩy mối quan tâm với các năng lượng tái tạo mà còn làm giảm chi tiêu vốn (capex) của các công ty thăm dò và khai thác dầu mỏ.

Các nhà phân tích từng chỉ ra kịch bản vốn đầu tư vào ngành dầu mỏ đạt đỉnh, song một số khác phản đối rằng đầu tư vào năng lượng tái tạo sẽ lấp đầy chỗ trống. Tuy nhiên, thực tế rất đáng lo ngại.

Mối nguy khi thị trường dầu mỏ toàn cầu khát vốn đầu tư - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters.

Nhu cầu dầu thô, khí đốt tự nhiên và các sản phẩm dầu mỏ khác có thể duy trì trong khoảng 108 - 110 triệu thùng/ngày trong một thời gian dài trước khi đạt đỉnh trong vài thập kỉ tới.

Theo oilprice.com, thậm chí nhu cầu dầu mỏ có thể tăng ít nhất 10 triệu thùng/ngày so với mức hiện tại. Thế thì, nguồn cung bổ sung sẽ đến từ đâu? Khi vốn đầu tư vào thăm dò và khai thác chững lại và các công ty lớn quay lưng với dầu mỏ, không rõ bằng cách nào thị trường có thể đáp ứng nhu cầu này.

Nguyên nhân do đâu?

Trong đại dịch Covid-19, doanh nghiệp dầu mỏ quốc tế chứng kiến doanh thu, giá trị thị trường và sự quan tâm của các nhà đầu tư tổ chức sụt giảm nghiêm trọng. Sự lao dốc của thị trường tài chính ảnh hưởng lớn đến tổng vốn hóa của các doanh nghiệp dầu mỏ. Cho đến nay, vốn hóa của các công ty này đã giảm xuống mức không lường trước được.

Tháng 10/2020, các báo cáo cho thấy tổng giá trị vốn hóa của 5 công ty dầu mỏ lớn nhất nước Mỹ đã giảm 45% xuống còn 367 tỷ USD, trong khi cùng kì năm trước là 674 tỷ USD.

Thứ nhất, các động lực kinh tế vĩ mô toàn cầu như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tình trạng sản xuất vượt cung kéo dài gây ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp dầu mỏ.

Theo oilprice.com, một chỉ báo lớn cho thấy mức độ thiệt hại của ngành dầu mỏ là sự kiện ExxonMobil bị khỏi chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sau gần một thế kỉ hồi tháng 8/2020.

Exxon từng là một trong các công ty đại chúng lớn nhất thế giới. Vốn hóa thị trường của công ty dầu mỏ này sụt giảm mạnh trong năm 2020, từ 300 tỷ USD hồi tháng 9/2019 xuống còn 144 tỷ USD vào tháng 10/2020.

Các công ty dầu khí châu Âu cũng bị ảnh hưởng trong năm 2020. Gần như toàn bộ 25 công ty dầu khí lớn nhất tại Bắc Mỹ và châu Âu (tính theo giá trị vốn hóa) đều chứng kiến vốn hóa sụp đổ trong năm 2020. Giá trị vốn hóa của hai ông lớn châu Âu là Royal Dutch Shell và BP lần lượt giảm 33,5% và 34,5%.

Thứ hai, các tổ chức đầu tư lớn đang quay lưng với nhiên liệu hóa thạch. Chương trình nghị sự toàn cầu dần tập trung vào năng lượng tái tạo và giảm phát thải khí nhà kính. Do đó, các chính sách năng lượng mới cũng gây tổn hại đến hoạt động đầu tư vào ngành dầu mỏ.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) và nhiều tổ chức khác tuyên bố đang chấm dứt tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch.

2021 - năm của bước ngoặt

2021 có thể là năm bước ngoặt cho thị trường dầu mỏ, khi các khoản đầu tư giảm và làn sóng phá sản trên diện rộng có thể tạo ra một đợt gián đoạn nguồn cung chưa từng thấy trước đây. Với danh sách ngày càng nhiều dự án thăm dò và quyết định đầu tư bị trì hoãn, mối đe dọa càng lớn.

Trong một báo cáo của Diễn đàn Năng lượng Quốc tế (IEF) và công ty tư vấn BCG hồi tháng 12 năm ngoái, các nhà phân tích cảnh báo mức chi tiêu vốn và khẩu vị đầu tư giảm sẽ là mối đe dọa thực sự đối với thị trường dầu mỏ.

Liên minh OPEC, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và một số tổ chức khác cũng từng nêu rõ, các khoản đầu tư tích lũy liên quan đến nhiên liệu hóa thạch đang giảm dần. Thậm chí OPEC còn nhấn mạnh, ngành dầu mỏ cần khoảng 12,6 nghìn tỷ USD đầu tư để duy trì nguồn cung dầu ở mức hiện tại trong những thập kỉ tới.

Công ty tư vấn Rystad Energy cho biết, nhu cầu dầu mỏ đã giảm mạnh trong năm 2020, nhưng mức nhu cầu cao của năm 2019 có thể quay lại trước năm 2024/2025 nếu trong dài hạn, ngành dầu mỏ rót trung bình 380 tỷ USD vốn đầu tư cho hoạt động thăm dò mỗi năm.

Oilprice.com nhận định, việc đầu tư mạnh tay là rất cần thiết để tránh kịch bản giá dầu tăng cao và giảm bớt biến động trên thị trường trong tương lai.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.