Thị trường hàng xách tay nhộn nhịp trước ngày 'giới nghiêm'

Từ ngày 15/10, người bán hàng xách tay sẽ bị xử phạt hành chính tới 200 triệu đồng nếu vi phạm qui định mới về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm.

Hàng xách tay là những mặt hàng do cá nhân mua trực tiếp từ nước ngoài mang về Việt Nam. Đó có thể là hàng do những người đi du lịch, du học sinh, tiếp viên hàng không xách về sau những chuyến đi từ nước ngoài.

Do tâm lí thích dùng hàng ngoại của người tiêu dùng nên thị trường hiện nay có rất nhiều nơi bán hàng xách tay cả ở các cửa hàng truyền thống và trên các trang mạng xã hội.

Thập cẩm hàng xách tay không có tem mác

Phần lớn hàng xách tay là các mặt hàng mĩ phẩm, nước hoa, sản phẩm thời trang, thậm chí cả thuốc, thực phẩm chức năng, sữa công thức, đồ ăn từ nhiều quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp Đức, Nga.

Một cửa hàng bán đồ xách tay trên phố Nguyễn Đổng Chi (Hà Nội) bán rất nhiều các sản phẩm như dầu gội, sữa tắm, mĩ phẩm, đồ vệ sinh cá nhân hay thậm chí là sản phẩm thời trang được bày bán la liệt trong cửa hàng.

Nhiều sản phẩm chỉ có thông tin bằng tiếng nước ngoài, không có tem phụ bằng tiếng Việt. Khi hỏi thông tin về một sản phẩm, người bán cho biết đây là dầu gội thảo dược của Nga, có thể trị gàu và làm mềm mượt tóc, với giá bán chỉ 150.000 đồng/chai 550ml.

Người bán tiết lộ hầu hết sản phẩm tại cửa hàng đều là hàng xách về từ nhiều nước như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu hay Nga nên không có tem mác bằng tiếng Việt và giấy tờ kèm theo. Những sản phẩm do doanh nghiệp trong nước nhập về mới có tem mác bằng tiếng Việt.

Sản phẩm dầu gội có tem nhãn hoàn toàn bằng tiếng Nga, không có tem phụ bằng tiếng Việt. (Ảnh: Tường  Vy)

Hàng xách tay về Việt Nam còn rẻ hơn hàng chính hãng

Trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, người tiêu dùng có thể dễ dàng thấy các sản phẩm xách tay xuất hiện tràn lan.

Son Bobbi Brown Crushed Lip Color có giá bán trên web của hãng tại Mỹ là 29 USD/thỏi (~ 672.000 đồng), nhưng ở Việt Nam, giá chỉ còn khoảng 415.000 đồng – 588.000 đồng/thỏi tùy loại.

Sữa Meiji số 9 của Nhật Bản (800g) dành cho các bé từ 1 - 3 tuổi tại cửa hàng Kid Plaza hay Bibo Mart đều có giá niêm yết là 445.000 đồng/sản phẩm, nhưng một số cửa hàng trực tuyến niêm yết giá chỉ từ 315.000 – 390.000 đồng. Người bán thường rao sản phẩm với dòng quảng cáo là hàng phân phối chính hãng, có chất lượng tốt.

Thị trường hàng xách tay vẫn nhộn nhịp trước ngày áp dụng qui định mới - Ảnh 2.

Một sản phẩm son Bobbi Brown được đăng bán trên trang thương mại điện tử có giá rẻ hơn nhiều so với giá web của hãng sản xuất. (Ảnh: Chụp màn hình)

Thị trường hàng xách tay vẫn nhộn nhịp trước ngày áp dụng qui định mới - Ảnh 3.

Sữa Meiji số 9 của Nhật Bản (800g) dành cho các bé từ 1 - 3 tuổi tại một cửa hàng trên Lazada có giá rẻ hơn so với giá bán tại các siêu thị. (Ảnh: Chụp màn hình)

Một người mua son Bobbi Brown xách tay trên kênh thương mại điện tử chia sẻ cảm nhận sau khi mua hàng rằng: "Sản phẩm cầm rất chắc tay, lên màu đẹp mịn, dưỡng đủ. Vì là dòng son cao cấp nên dùng rất thích. Tôi kiểm tra mã code của mặt hàng. Mọi thông tin đều cho thấy đây là hàng chính hãng, hạn sử dụng cũng mới nên tôi yên tâm".

Để tạo lòng tin với khách hàng, người bán tiết lộ lí do các sản phẩm có giá rẻ hơn so với hàng của nhà phân phối vì đây là hàng săn giảm giá, hay tự người bán gom hàng giảm giá.

Bên cạnh đó, người bán còn tặng thêm các sản phẩm kèm theo và nhiệt tình hỗ trợ khách hàng nên nhiều người tiêu dùng hài lòng và tin tưởng. Cũng vì chất lượng tốt, có đánh giá cao, với tâm lí "sính ngoại" nên hết người này người kia lại mách nhau chỉ chỗ mua, tạo nên cơn sốt hàng ngoại chính hãng.

Tại một cửa hàng chuyên bán túi xách cao cấp trên đường Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cửa hàng niêm yết sản phẩm Neverfull GM của Louis Vuitton với giá 28,9 triệu đồng, trong khi giá trên website của Louis Vuitton là 1.580 USD (~ 36,6 triệu đồng).

Sản phẩm Neverfull GM với giá 28,9 triệu đồng niêm yết tại cửa hàng và kênh bán hàng online Facebook. (Ảnh: NVCC)

Sản phẩm trrong cửa hàng không hề có tem mác bằng tiếng Việt, theo thông tin trên hóa đơn bán lẻ, các sản phẩm được mua từ các cửa hàng hay sân bay ở các nước như Pháp, Đức, Singapore rồi về Việt Nam.

Theo người bán, sở dĩ sản phẩm có giá rẻ như vậy là bởi đây không phải là hàng chính hãng mà là hàng "Like Auth" (sản phẩm gần giống với hàng chính hãng nhưng là hàng giả), song người bán lại quảng cáo là "hàng chính hãng".

Ngoài ra, người bán cũng tiết lộ cửa hàng còn có dòng "cao cấp" và "siêu cấp" của túi xách, với giá 1,89 triệu và 4,88 triệu đồng, rẻ hơn gấp hàng chục lần so với hàng chính hiệu.

Hàng xách tay có phải hàng nhập lậu?

Theo Nghị định 98/2020 do Chính phủ ban hành ngày 26/8, "Hàng hóa nhập lậu" gồm: Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; không có giấy phép nhập khẩu hoặc không đáp ứng điều kiện theo qui định pháp luật; không đi qua cửa khẩu, không làm thủ tục hải quan theo qui định hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan.

Thị trường hàng xách tay vẫn nhộn nhịp trước ngày áp dụng qui định mới - Ảnh 5.

Hàng xách tay có phải hàng nhập lậu? (Ảnh: Tường Vy)

Ngoài ra, hàng nhập lậu bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ đi kèm hoặc có nhưng không hợp pháp theo qui định; không có tem dán vào hàng hóa hoặc có nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

Căn cứ vào qui định , các mặt hàng xách tay cũng có thể là hàng nhập lậu nếu thuộc diện hàng nhập khẩu không làm thủ tục hải quan theo qui định, đang lưu thông trên thị trường nhưng không có hóa đơn, chứng từ đi kèm. Các cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt hành chính tới 200 triệu đồng.

Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10, đây là một biện pháp mạnh tay để bảo vệ người tiêu dùng khỏi hàng lậu, hàng nhái. Bình luận trên trang mạng xã hội, nhiều người cho rằng qui định mới cũng sẽ phần nào làm thức tỉnh những người bán hàng vô tình vi phạm pháp luật hoặc tiếp tay cho gian lận thương mại.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.