Hôm qua, ngày 20/1, thiếu gia phố núi Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) bất ngờ chia sẻ thông tin đính hôn với người đẹp Đàm Thu Trang sau hơn một năm hẹn hò. Lễ hỏi của cặp đôi được tổ chức tại Lạng Sơn - quê của cô dâu.
Trên trang cá nhân, Cường Đôla khoe hình ảnh hạnh phục tại lễ đính hôn, với sự chứng kiến của gia đình hai bên, đặc biệt là sự có mặt của mẹ anh- bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Quốc Cường Gia Lai (QCG). Bà Loan trao quả hồi môn chúc mừng cho con trai và con dâu tương lai.
Đây cũng được xem là hôn lễ đầu tiên của đại gia phố núi, dù trước đó anh từng sống chung với Hồ Ngọc Hà 10 năm, và có với nhau một con trai nhưng cặp đôi chưa từng tổ chức đám cưới.
Đám cưới của Cường Đôla được coi là cái kết khép lại một năm đầy thăng trầm trong hoạt động kinh doanh, sau khi rút mọi hoạt động tại Quốc Cường Gia Lai.
“Vận đen” nhận chuyển nhượng 32 ha Phước Kiển giá bèo
Mở đầu cho một năm sóng gió của đại gia phố núi là vụ chuyển nhượng khu đất hơn 32 ha với giá rẻ bèo tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM, được báo chí thông tin từ giữa tháng 4/2018.
Cụ thể, Công ty Quốc Cường Gia Lai của Cường Đôla và Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (Tân Thuận) - doanh nghiệp có 100% vốn của Thành ủy TP HCM, có giao dịch mua bán chuyển nhượng quyền sử dụng đất một dự án lớn tại huyện Nhà Bè.
Lô đất này có tổng diện tích hơn 32 ha này nằm bên đường Nguyễn Hữu Thọ, thuộc xã Phước Kiển được Công ty Tân Thuận bán cho QCG với giá 419 tỉ đồng. Mức giá này được cho là thấp hơn nhiều mặt bằng thị trường và gây thiệt hại cho ngân sách khoảng 2.000 tỉ đồng.
Thực chất, giao dịch mua bán chuyển nhượng giữa QCG và Tân Thuận diễn ra vào năm 2017. Ngay sau khi thông tin được phanh phui, Thành ủy TP HCM đã chỉ đạo Công ty Tân Thuận đàm phán hủy hợp đồng chuyển nhượng này với Quốc Cường Gia Lai, vì Tân Thuận tự ý chuyển nhượng mà không báo cáo theo Quy chế quản lý tài sản của Thành ủy, và chuyển nhượng đất đã đền bù không qua đấu giá là trái quy định.
Cường Đôla với vai trò là Phó tổng giám đốc QCG đã cho biết rằng hợp đồng mua khu đất hơn 32 ha này là giao dịch dân sự thông thường, thuận mua vừa bán. Về việc bồi thường, Phó tổng giám đốc Nguyễn Quốc Cường thời điểm đó nói khu đất nông nghiệp này có diện tích đền bù không tập trung, không có mặt tiền vào khu đất. Hiện diện tích phần lớn khu đất vẫn là đất hoang, lau sậy mọc um tùm.
Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Ban thường trực Thành uỷ, phía Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai đã huỷ hợp đồng chuyển nhượng khu đất hơn 32 ha tại Phước Kiển vào giữa tháng 5. Bà Nguyễn Thị Như Loan cho rằng trong vụ này, doanh nghiệp của bà và con trai đã mua với giá thị trường và không được ưu ái gì ở khu đất này như dư luận vẫn nghĩ.
Quốc Cường Gia Lai liên tục gặp thua lỗ
Vụ việc ở Phước Kiển khép lại tưởng chừng sẽ kết thúc “vận đen” vào đầu năm, nhưng khó khăn vẫn tiếp tục bám theo doanh nghiệp của thiếu gia phố núi Cường Đôla.
Kết quả doanh thu trong quý III/2018 của Quốc Cường Gia Lai giảm gần 30% so với cùng kì năm trước, khi đạt 82,5 tỉ đồng, cùng khoản lợi nhuận trước thuế khiêm tốn 1 tỉ đồng, tức chỉ gần bằng 1% quý III/2017.
9 tháng đầu năm 2018, doanh thu doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Như Loan và con trai đạt 519,1 tỉ đồng, giảm hơn 24% so với cùng kì, lợi nhuận trước thuế 57,6 tỷ đồng, chỉ bằng 11,8% so với năm ngoái.
Công ty này cũng ghi nhận khoản tồn kho gần 7.300 tỉ đồng, tăng 380 tỉ đồng so với đầu năm. Khu dân cư Phước Kiển tại huyện Nhà Bè tồn kho nhiều nhất với khoảng hơn 4.800 tỉ đồng. Nợ phải trả của doanh nghiệp cũng tăng vọt lên gần 8.400 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn, chiếm 94,5%.
Theo lí giải của ban lãnh đạo, do đặc thù hoạt động kinh doanh bất động sản có thời gian thi công dài, một số dự án đang xây dựng, chưa đến giai đoạn bàn giao nên chưa có doanh thu. Đồng thời doanh nghiệp cũng không có khoản thu nhập đáng kể nào từ việc đầu tư tài chính.
Bất ngờ thôi sạch chức vụ tại Quốc Cường Gia Lai vì lí do cá nhân
Giữa lúc tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tháng 11/2018, Cường Đôla đã chủ động xin từ nhiệm vai trò thành viên HĐQT của Quốc Cường Gia Lai nhiệm kỳ 2017-2021.
Ngày 16/11, HĐQT công ty đã thông qua đơn từ nhiệm của ông Cường sau khi được bầu vào HĐQT với vị trí thành viên vào ngày 26/4/2012, và tái bổ nhiệm 29/6/2017. Theo đó, ông Cường chỉ giữ chức phó tổng giám đốc của Quốc Cường Gia Lai.
Tuy nhiên, vào ngày 19/11, tức chỉ 3 ngày sau khi Cường Đôla rời ghế HĐQT, bà Nguyễn Thị Như Loan đã kí quyết định chấp thuận đơn từ nhiệm chức phó tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai của con trai Nguyễn Quốc Cường.
Nguyên nhân từ nhiệm cả 2 vị trí trên đều là lí do cá nhân. Như vậy, chỉ trong vài ngày, đại gia phố núi Cường Đôla đã thôi sạch các vị trí tại Quốc Cường Gia Lai và không còn giữ bất kì chức vụ nào.
Theo thông tin từ doanh nghiệp này, ông Cường được nhận mức lương 5 triệu đồng khi ở vị trí thành viên HĐQT. Mức này đã tăng so với con số 3 triệu đồng trước đó.
Theo báo cáo tài chính mới nhất, Cường Đôla còn nắm giữ 537.500 cổ phiếu QCG, tương đương tỉ lệ sở hữu gần 0,2%. Giá trị thị trường của số cổ phiếu này khoảng 2,8 tỷ đồng, thấp nhất trong số những người thuộc gia đình bà Như Loan.
Mở nhà hàng và cưới vợ, kết thúc một năm “đen đủi”
Ngay sau khi thôi hết tất cả chức vụ tại doanh nghiệp gia đình với “lí do cá nhân”, Cường Đôla tiết lộ trên Facebook cá nhân về việc tập trung cho những dự định kinh doanh mới, cụ thể là mở nhà hàng và dành thời gian chăm sóc siêu xe.
Chuỗi nhà hàng C-tao của đại gia phố núi mang phong cách ẩm thực Hong Kong đã khai trương từ đầu năm ngoái, đến tháng 11/2018, có thêm một chi nhánh khác ở thành phố biển Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Bằng việc kinh doanh nhiều món từ thịt bò, thịt lợn và hải sản, chuỗi nhà hàng của Cường Đôla tập trung vào thực phẩm hữu cơ, giảm dầu mỡ và gia vị phù hợp với khẩu vị của người Việt.
Kết thúc một năm thăng trầm trong kinh doanh, Cường Đôla đã "lần đầu tiên chịu đám cưới" khi về chung nhà với kiều nữ Đàm Thu Trang ngày 20/1.