Theo thống kê từ Hải quan, Việt Nam đã nhập khẩu gần 140.000 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 216,3 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2018. Với mức giá trung bình 35.500 đồng/kg, thịt ngoại đang hấp dẫn hơn nhiều lần so thịt nội.
Có thể thịt ngoại đang là vấn đề ngoài tầm với đối với người nông dân các tỉnh, tuy nhiên tại các thành phố lớn, thịt ngoại đã len lỏi vào các nhà hàng, các siêu thị, trung tâm thương mại.
Chính thành phố lại là thị trường lớn nhất của người chăn nuôi Việt Nam, nếu nơi này rơi vào tay các nhà nhập khẩu thịt ngoại, chắc chắn người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm của mình.
Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 35 thị trường trên thế giới, nhưng gần đây, khi mà cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lên cao, sản phẩm chăn nuôi từ Mỹ khó vào Trung Quốc, ngược lại sản phẩm Trung Quốc cũng sẽ rớt giá do không nhập khẩu được vào Mỹ, dư luận lo ngại có thể thị trường Đông Nam Á nói chung, trong đó có Việt Nam sẽ “tràn ngập” sản phẩm chăn nuôi của Mỹ và Trung Quốc.
Những lo ngại đó không phải là không có cơ sở khi Mỹ cung cấp 30% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của Việt Nam.
Trong khi thịt ngoại đang dần tạo dựng chỗ đứng khá vững chắc ở các thành phố lớn thì ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn chưa giải quyết được vấn đề giá thành và cung cầu, nên sức cạnh tranh không được cải thiện, thậm chí khoảng từ đầu tháng 7/2018 giá heo hơi trên cả nước tăng mạnh lên tới 55.000 đồng/kg.
Trong năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 33.115 tấn thịt heo các loại và 6 tháng đầu năm 2018 cả nước nhập khẩu 19.581 tấn thịt heo.
Việc giá thịt nội tăng cao càng khiến cho thịt ngoại có cơ hội xâm chiếm thị trường theo quy luật “nước chảy chỗ trũng”.
Bình quân trị giá mỗi kg thịt heo nhập khẩu chỉ vào khoảng 26.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thịt heo trong nước đang cao gấp đôi so với giá thịt heo nhập. Giá heo hơi tại Đồng Nai đã trên mức 52.000 đồng/kg.
Ngành hàng các loại thịt ở Việt Nam ước tính trị giá 18 tỉ USD và nằm trong top 10 nước sản xuất và tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới.
Mỗi người Việt hiện đang tiêu thụ 33,5 kg thịt/năm nhưng đến năm 2020, dự kiến sẽ tăng lên 39 kg. Sau hơn một năm khủng hoảng thừa nguồn cung, tổng đàn heo trong nước giảm khiến giá heo tăng cao.
Đây là điều kiện thuận lợi cho nguồn cung thịt heo từ Mỹ cũng như thịt từ các nước khác vào Việt Nam với số lượng lớn.
Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sắp được ký kết và như vậy, hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ, thịt từ các nước châu Âu vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn.
Cuộc chiến thịt nội, thịt ngoại này, có thể người tiêu dùng và các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm thịt sẽ có lợi thế được tiếp cận với nguồn thịt vừa rẻ vừa chất lượng cao, nhưng xét về tổng thể, giá trị thương hiệu cũng như đầu ra của sản phẩm chăn nuôi Việt Nam sẽ ngày càng thu hẹp lại ngay tại sân nhà.
Thế mạnh hiện nay của doanh nghiệp nội chính là thói quen mua sắm thịt tươi của người tiêu dùng. Nhưng thói quen này cũng đang thay đổi, cùng với sự phát triển nhanh chóng của hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm hiện đại.
Thịt tốt đối với nhiều người tiêu dùng bây giờ được hiểu là thịt được bảo quản, giết mổ ở cơ sở có uy tín, an toàn. Thói quen tiêu dùng thay đổi cũng là nguyên nhân khiến các nhà nhập khẩu thịt nắm bắt và đáp ứng theo nhu cầu đó.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi Việt Nam còn phải bỏ ra số ngoại tệ rất lớn để nhập nguyên liệu thức ăn, con giống… đồng thời nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ khiến cho nguồn nội lực dành cho phát triển ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng.
Mức thuế đối với thịt bò nhập từ Mỹ là 7 - 18%. Giá thịt nhập khẩu rất rẻ, nhất là thịt heo và gà… cộng với mức thuế thấp cũng khiến cho nguồn thu thuế từ thịt nhập khẩu không thật sự có đóng góp nổi bật cho ngành chăn nuôi, chưa kể nhiều thủ đoạn trốn thuế vẫn được các doanh nghiệp nhập khẩu áp dụng và bị lên án.
Một số sản phẩm như phụ phẩm, chân gà, lòng heo… được mua giá rẻ ở các nước, lại chịu mức thuế nhập khẩu thấp sẽ có nhiều cơ hội thâm nhập thị trường trong nước.
Việc nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt cũng đặt ra nhiều thách thức về dịch bệnh.
Trong nền kinh tế toàn cầu, việc xuất khẩu và nhập khẩu theo những quy luật cung cầu là chuyện bình thường. Một nền chăn nuôi muốn xuất khẩu thì không thể không chấp nhận việc nhập khẩu các sản phẩm từ các thị trường khác.
Tuy vậy, việc tổ chức sản xuất trong nước và chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu phải được đặt lên hàng đầu.
Nhập khẩu chỉ có ý nghĩa khi nó kích thích sự phát triển của ngành chăn nuôi trong nước. Ngược lại, nếu không kiểm soát được nhập khẩu, sẽ tạo ra nhiều hệ lụy kìm hãm phát triển và làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng trong nước. |
Tình hình chăn nuôi gà hiện nay tại Đông Nam bộ gặp nhiều khó khăn, do giá giảm mạnh, nhiều hộ nuôi đã giảm đàn. Nguyên nhân phần nhiều là phải cạnh tranh với sản phẩm gà nhập ngoại được bán với giá rẻ, khiến người chăn nuôi trong nước thua lỗ.
Các sản phẩm gà nhập khẩu vào Việt Nam được tiêu thụ tại các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, chợ địa phương, không có tem, mác, dán nhãn, không có nguồn gốc xuất xứ.
Trong khi, gà trong nước bán ra thị trường phải truy xuất nguồn gốc, đáp ứng đủ các thủ tục, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch thú y, chất lượng…
Tình trạng sản phẩm gà ngoại chất lượng không đảm bảo tràn ngập Việt Nam đã có từ nhiều năm nay, nhưng vấn đề này chưa được giải quyết triệt để.
Do vậy, cần kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng các sản phẩm thịt gà cũng như các sản phẩm thịt nhập khẩu khác vào Việt Nam nếu không ngành chăn nuôi trong nước sẽ khó cạnh tranh, bị “giết chết” ngay trên sân nhà.
Cùng đó, cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng với sản phẩm chăn nuôi trong nước và hàng ngoại nhập, có như vậy mới tạo sự phát triển ổn định, bền vững, người chăn nuôi mới có lợi nhuận.
Ông Nguyễn Quốc Kiệt, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Thủy sản Gò Công
Việc các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu giá rẻ vào Việt Nam thời gian qua đã ảnh hưởng nhiều đến người chăn nuôi và tiêu dùng trong nước.
Với người tiêu dùng, khi sử dụng các sản phẩm giá rẻ, chất lượng không đảm bảo này sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe nhất.
Người chăn nuôi không tiêu thụ được sản phẩm, thua lỗ. Theo đó, kiến nghị, cần phải kiểm soát chặt chẽ sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam; Cùng đó xây dựng và phát triển những vùng chăn nuôi an toàn, sạch bệnh, sản phẩm chất lượng cao.
Như mô hình của Hợp tác xã Gò Công đang thực hiện, với 40 hộ viên, tổng đàn 120.000 con gà, mỗi năm cung ứng ra thị trường 200.000 con, lợi nhuận thu về 3,5 - 4 tỉ đồng.
Toàn bộ sản phẩm gà của Hợp tác xã áp dụng chăn nuôi VietGAP, kiểm soát nghiêm ngặt các yếu tố đầu vào từ thức ăn, con giống, thuốc, kháng sinh… đảm bảo thịt gà thơm ngon, được người tiêu dùng tin tưởng.
Thương hiệu sản phẩm gà của Hợp tác xã đã được phân phối tại các cửa hàng tiện ích tại địa phương và TP. Hồ Chí Minh.
Gần đây, Hợp tác xã đã ký kết đưa sản phẩm gà Gò Công vào hệ thống siêu thị BigC. Theo đó, cần hướng tới chăn nuôi an toàn, bền vững, chất lượng cao thì không lo đầu ra của sản phẩm.
Giá heo hơi hôm nay ngày 19/11 tại Trung Quốc: Giá heo hơi bình quân tiếp tục suy giảm
Mức giá heo hơi hôm nay 19/11 tại Trung Quốc đang là 13.41 nhân dân tệ/kg (45.000 đồng). |
Giá heo (lợn) hơi hôm nay (19/11): Tăng ở miền Bắc
Giá heo (lợn) hơi hôm nay (19/11) tại miền Bắc có vài địa phương tăng nhẹ so với hồi cuối tuần trước, khu vực miền ... |
Dự báo giá heo (lợn) hơi ngày 19/11: Dịch cúm lợn châu Phi tiếp tục lan rộng ở Trung Quốc
Dự báo giá heo (lợn) hơi 19/11 tương đối ổn định trên thị trường cả nước. Tuy nhiên trong tuần qua giá heo có biến ... |
Giá heo (lợn) hơi hôm nay (18/11): Đảo chiều liên tục
Giá heo (lợn) hơi hôm nay (18/11) tương đối ổn định trên thị trường cả nước. Tuy nhiên trong tuần qua giá heo có biến ... |
Dự báo giá heo (lợn) hơi ngày 18/11): Miền Bắc dần đi vào ổn định
Dự báo giá heo (lợn) hơi (18/11) trên thị trường đang dần đi vào ổn định sau một tuần nhiều biến động. Khu vực miền ... |