Hầu hết các nhà đầu tư đều dự đoán Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ "án binh bất động" trong cuộc họp chính sách tổ chức trong hai ngày 4 và 5/11 tới.
Tuy nhiên, các quan chức của FOMC được kì vọng sẽ thảo luận về các lựa chọn chính sách phù hợp tại thời điểm này. Khi bất ổn chưa dứt, không có gì ngạc nhiên khi thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện một động thái nào đó trong cuộc họp sắp tới, CNBC nhận định.
"Tôi thấy việc Fed đợi đến tháng 12 mới hành động sẽ chẳng mang lại lợi ích gì", bà Aneta Markowska, Kinh tế trưởng tại ngân hàng đầu tư Jefferies, cho hay. "Rất nhiều thứ đã thay đổi trong hai tuần qua. Gần như tất cả những lo lắng mà Fed đề cập hồi tháng 9 đều đã hoặc sắp thành hiện thực. Vì thế, thời gian là vàng bạc, Fed không nên chần chừ".
Cảm giác cấp bách đó có vẻ phi lí khi nền kinh tế lớn nhất thế giới vừa ghi nhận tăng trưởng GDP hàng năm 33,1% trong quí III. Ngoài ra, thị trường lao động đã khôi phục được 11,4 triệu việc làm và thị trường nhà ở cũng đang trong giai đoạn bùng nổ.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của Fed và một số cơ quan khác lo ngại rằng số liệu kinh tế tích cực chỉ xuất hiện trong quí III, trong khi gói kích thích tài khóa của chính phủ đã cạn kiệt. Số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt khiến người ta lo lắng về áp lực kinh tế mới khi nhiều địa phương tại Mỹ có thể phải phong tỏa trở lại.
Ngân hàng trung ương Mỹ còn gặp phải một vấn đề khác. Thị trường tài chính không tin tưởng vào nỗ lực gần đây của Fed để đẩy lạm phát lên cao hơn cũng như không tin vào lời hứa hẹn không tăng lãi suất cho đến khi đạt được mục tiêu này.
Theo các chỉ số thị trường, kì vọng lạm phát thực chất đã giảm xuống kể từ khi Fed cho phép lạm phát chạy vừa phải trên ngưỡng 2% sau một thời gian dài lạm phát rơi xuống dưới mốc này.
Trong quá khứ, Fed từng dùng tỉ lệ thất nghiệp như một tín hiệu sơ bộ để tăng lãi suất nhằm ngăn chặn lạm phát. Tuy nhiên, Fed sẽ không thực hiện chính sách tương tự trong tương lai.
Hôm 30/10, Bộ Thương mại Mỹ cho biết lạm phát toàn phần (headline inflation) đã tăng lên 1,4% trong tháng 9 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tốc độ mong muốn của ngân hàng trung ương Mỹ.
Bà Markowska bình luận: "Thị trường muốn thấy Fed có thêm nhiều động thái chính sách nhưng thực tế lại không có gì. Vào tháng 9, có lẽ Fed cảm thấy không cần phải gấp gáp hành động làm gì. Tuy nhiên từ đó đến nay, mức độ cấp bách đã tăng lên".
Trên thực tế, Fed đã thực hiện một biện pháp bổ sung mà thị trường đang mong đợi.
Hôm 30/10, Fed thông báo nới lỏng một số điều kiện đối với Chương trình Cho vay Phố Main dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Fed giảm khoản vay tối thiểu từ 250.000 USD xuống 100.000 USD và nới lỏng các hạn chế về nợ cho người nộp đơn.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách ngày càng có ít lựa chọn hành động, bản thân các quan chức Fed đã bày tỏ nhiều thái độ nghi ngờ khác nhau về vấn đề này.
Nhà kinh tế David Mericle của Goldman Sachs cho hay: "Nếu đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng vào mùa đông năm nay gây thiệt hại kinh tế nhiều hơn dự đoán và FOMC muốn giúp đỡ, các lựa chọn chính sách của họ sẽ khá hạn chế".
"Động thái tiềm năng nhất từ Fed chính là điều chỉnh thành phần hoặc tốc độ mua tài sản, nhưng các quan chức Fed chỉ bày tỏ sự ủng hộ nửa vời cho hướng đi đó vì họ cho rằng nó không thể mang lại hiệu quả", ông Mericle nói tiếp.
Trên thực tế, các nhà đầu tư đều dự đoán động thái tiếp theo của Fed là thay đổi chương trình mua tài sản. Fed đang mua tối thiểu 120 tỉ USD trái phiếu Kho bạc và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp (MBS) mỗi tháng. Fed có thể thay đổi các thành phần của giao dịch để đạt được nhiều mục đích khác nhau.
CNBC dẫn lời các nhà kinh tế tại RBC Capital Markets cho biết: "Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi nghĩ Fed sẽ không tích cực hành động cho lắm. Tuy nhiên, Chủ tịch Jerome Powell có thể sẽ nhắc lại rằng Fed sẵn sàng làm những gì cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế".
"Chúng tôi không dự đoán FOMC sẽ đưa ra thay đổi nào tại cuộc họp chính sách tuần sau. Song, chúng tôi hi vọng Fed sẽ không ngần ngại hành động nhanh chóng nếu số ca nhiễm tăng đến mức buộc chính quyền các bang phải ban bố lệnh phong tỏa trở lại", nhóm nhà kinh tế tại RBC Capital Markets nhận định.
Fed sẽ theo dõi chặt chẽ các điều kiện tài chính trong những ngày tới và kết quả của cuộc bầu cử tổng thống có thể cung cấp gợi ý về qui mô của gói kích thích tài khóa bổ sung.
Theo CNBC, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ tuần qua, việc thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay cũng như áp lực lên người tiêu dùng từ một cuộc suy thoái kinh tế tiềm ẩn là ba dấu hiệu mà các quan chức Fed sẽ lưu tâm.