Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Năm 2021 sẽ tạo điều kiện cho fintech để phát triển kinh tế số

Người đứng đầu NHNN khẳng định năm 2021 sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý triển khai các biện pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho hoạt động fintech nhằm tận dụng tốt cơ hội phát triển kinh tế số tại Việt Nam.
Thống đốc NHNN: Năm 2021 sẽ tạo điều kiện cho hoạt động fintech nhằm tận dụng tốt cơ hội phát triển kinh tế số tại Việt Nam - Ảnh 1.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: SBV).

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng mới đây đã có buổi gặp mặt cuối năm với các định chế tài chính quốc tế, các đại sứ quán, các tổ chức tín dụng (TCTD) nước ngoài và phái đoàn ngoại giao tại Việt Nam.

Tại buổi gặp mặt, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ năm 2021 đang đến gần với nhiều nhiệm vụ mới, thách thức mới. Chính phủ Việt Nam kiên định mục tiêu kép vừa tích cực tập trung phòng chống dịch bệnh để đảm bảo an toàn cho tính mạng, sức khỏe của người dân vừa triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Thống đốc khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, cẩn trọng, phối hợp hiệu quả với các chính sách vĩ mô, tăng cường hoạt động quản lý, thanh tra giám sát nhằm duy trì ổn định tiền tệ tài chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý triển khai các biện pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho hoạt động fintech nhằm tận dụng tốt cơ hội để phát triển kinh tế số tại Việt Nam nói chung và trong ngành ngân hàng nói riêng.

Đánh giá về năm 2020, Thống đốc cho rằng năm vừa qua là một năm đi vào lịch sử thế giới với những thách thức chưa từng có bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tới hoạt động kinh tế - xã hội toàn cầu, gây ra nhiều khó khăn, hệ lụy cho doanh nghiệp và các quốc gia. 

Bất chấp những khó khăn của kinh tế, thương mại thế giới và trong nước, kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn duy trì tăng trưởng dương nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và có các chính sách kịp thời hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. 

Vừa qua, IMF dự báo kinh tế Việt Nam năm 2020 đạt 2,4%, ở mức cao nhất trên thế giới với mức lạm phát được kiểm soát dưới 4% như mục tiêu đặt ra. Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng Việt Nam đã tích cực chung tay cùng Chính phủ và các cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ nền kinh tế vượt qua những khó khăn trong thời gian dịch bệnh.

"Các chính sách hỗ trợ của ngành ngân hàng như cắt giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ cơ cấu nợ, miễn giảm phí trong giao dịch thanh toán… đã và đang được đánh giá cao, góp phần chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp và xã hội, đóng góp tích cực vào công cuộc phòng chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cho mọi đối tượng", bà Hồng phát biểu.

Song song với việc hỗ trợ phòng chống dịch và phục hồi hoạt động kinh tế, Thống đốc cũng đánh giá công tác tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu cũng đã được triển khai tích cực.

Đóng góp vào những thành quả trên không thể không nhắc đến vai trò của tất cả các đối tác nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, phái đoàn ngoại giao.

“Sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời, tích cực của các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước dành cho Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng được Chính phủ Việt Nam và NHNN đặc biệt trân trọng”, Thống đốc nhấn mạnh.

chọn
Vinhomes lãi ròng hơn 35.000 tỷ đồng
CTCP Vinhomes (Mã: VHM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 với tổng doanh thu quy đổi cao kỷ lục.