Ông N.T, cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh, chia sẻ hiện nay tại Tây Ninh có khoảng vài trăm giáo viên bậc THCS và tiểu học không có việc làm do tỉnh không có chỉ tiêu.
“Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các trường ĐH-CĐ không có sự phối hợp với các sở để nắm bắt nhu cầu nhân lực giáo viên ở từng địa phương. Bộ GD-ĐT cũng không quan tâm lắm tới việc này, nên dù nói là giảm chỉ tiêu sư phạm, nhưng vẫn cấp cho nhiều trường đào tạo dư so với nhu cầu thực tế.
Vì vậy, thủ khoa sư phạm và các ngành khác nói chung, cũng như sinh viên sư phạm vẫn có thể thất nghiệp, điều này khiến chúng tôi rất đau lòng”. Theo ông N.T, việc này Bộ GD-ĐT có một phần trách nhiệm.
Ông T. lấy ví dụ, có năm một trường CĐ sư phạm gửi chỉ tiêu lên Sở GD-ĐT Tây Ninh xin duyệt, Sở thấy không phù hợp nên không đồng ý, nhưng bằng cách nào đó, trường này vẫn được Bộ GD-ĐT cho phép.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, từng là Thư ký của BCĐ Quốc gia về Quy hoạch phát triển nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội, cho biết Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký ban hành một Chỉ thị gửi các Sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ có đào tạo sư phạm và các đơn vị trực thuộc Bộ yêu cầu thực hiện các nội dung về triển khai thực hiện quy hoạch nhân lực trong ngành giáo dục. Văn bản này ra đời nhằm thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30.5.2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện quy hoạch nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
Theo đó, các sở phải có trách nhiệm đánh giá hiện trạng đội ngũ giáo viên, xác định nhu cầu bồi dưỡng, thay thế và đào tạo mới nhân lực trong ngành giáo dục của địa phương, lập kế hoạch đào tạo theo nhu cầu đã được xác định và phối hợp với các trường ĐH, CĐ sư phạm để tổ chức thực hiện kế hoạch hiệu quả.
Đối với các trường ĐH, CĐ khi mở ngành đào tạo phải xác định quy mô dựa theo nhu cầu phát triển nhân lực của ngành, địa phương, khả năng cung ứng nhân lực trên địa bàn hoặc vùng lân cận…
Các đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT thì phải tập trung xây dựng và thực hiện quy hoạch mạng lưới phát triển các trường ĐH, CĐ, các cơ sở đào tạo sư phạm trình độ ĐH theo vùng và các trường ĐH sư phạm trọng điểm, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin dự báo nhu cầu nhân lực ngành giáo dục, xây dựng chính sách, cơ chế tuyển sinh đáp ứng nhu cầu nhân lực của bộ, ngành và địa phương.
“Nhưng rất tiếc là các cơ quan liên quan không tích cực thực hiện nên tình trạng mất cân đối về đội ngũ giáo viên vẫn diễn ra như nhiều năm qua. "Sự việc một thủ khoa sư phạm chờ việc trong một thời gian dài như vậy, thì những sinh viên khác tốt nghiệp xong liệu có nhiều cơ hội?”, ông Hoàng Ngọc Vinh nhận định.
"Đừng quan trọng quá về bằng cấp, làm tốt việc hay không là do năng lực (trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng mềm). Mình cũng là một kỹ sư tốt nghiệp bách khoa, sau 3 năm ra trường mình và các bạn cùng lớp không có ai thất nghiệp cả. Thời gian đầu mọi người gặp khó khăn nhưng sau 2, 3 năm mọi người đều tìm được cho mình một công việc phù hợp. Nếu một kỹ sư thủ khoa mà không xin được việc thì chỉ có thể là năng lực kém mà thôi", bạn đọc Thái Bảo khẳng định. Bạn đọc Duc Ha chia sẻ: Tôi nghĩ không phải lỗi do đào tạo, nếu không đào tạo tốt không thể trở thành thủ khoa. Lỗi hệ thống công chức cũng không phải, vì họ chưa thể sắp xếp. Lỗi do cá nhân bạn ấy, bạn đã trở thành thủ khoa phải học giỏi, không vào nhà nước thì tư thục miễn bạn cống hiến cho xã hội, đấy là mặt khác của vấn đề... Bạn đọc Nguyệt nói: Hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Đừng đổ lỗi cho xã hội, đừng đổ lỗi cho cơ chế. Nếu bạn đã giỏi thì đi đâu cũng sống được. |