Thu phí tự động không dừng nguy cơ vỡ tiến độ, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT báo cáo

Trước tình trạng thu phí tự động không dừng nguy cơ vỡ tiến độ, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT báo cáo trước ngày 30/11.

IMG_3506

Thu phí không dừng nguy cơ vỡ tiến độ. (Ảnh minh họa: Di Linh)

Yêu cáo báo cáo tiến độ thu phí không dừng sau vụ VETC xin dừng

Ngày 21/11, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng gửi Bộ GTVT.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11 về tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng.

Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung phân tích thực trạng, khó khăn, vướng mắc và đánh giá khả năng hoàn thành đối với việc triển khai thu phí tự động.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT đề xuất giải pháp đồng bộ, khả thi nhằm bảo đảm chuyển toàn bộ các trạm thu phí sang hình thức điện tử không dừng.

Trước đó, Công ty TNHH Thu phí tự động VETC đã có văn bản gửi Bộ trưởng GTVT đề xuất dừng thực hiện Hợp đồng dự án thu phí không dừng giai đoạn 1.

VETC cho biết, Dự án bắt đầu triển khai từ cuối tháng 11/2014, đến nay đã 5 năm thực hiện. Tổng mức đầu tư (điều chỉnh vào tháng 1/2019) là 2.030 tỉ đồng. Phạm vi dự án bao gồm 44 trạm BOT.

Trong đó đã đầu tư và vận hành thu phí không dừng 23/27 trạm (do Công ty VETC đầu tư trong 4 trạm còn lại có 2 trạm dang dừng thu phí, 2 trạm Công ty VETC đang thực hiện đầu tư).

Đã kết nối vận hành thu phí 4/17 trạm (do Nhà đầu tư BOT đầu tư; trong 4 trạm đã kết nối vận hành thì có 3 trạm của Nhà đầu tư Tasco). Giá trị đầu tư đã thực hiện khoảng 1.300 tỉ đồng.

VETC cho biết, ngày 4/7/2019, do việc triển khai Dự án quá chậm và kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền để duy trì vận hành Dự án, đơn vị này đã có văn bản đề xuất với Bộ GTVT chẩm dứt Hợp đồng Dự án nếu các khó khăn không được tháo gỡ trước 31/7/2019.

Đến ngày 13/8/2019, Bộ GTVT đã họp thống nhất về lộ trình kí kết hợp đồng dịch vụ. Cụ thể, sẽ hoàn thành đàm phán, kí kết hợp đồng dịch vụ trước 30/8/2019, riêng VEC và VIDIFI hoàn thành trước 1/10/2019.

"Tuy nhiên, kết quả triền khai không đạt được tiến độ và mục tiêu đã đề ra (rất chậm và kéo dài) đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc duy trì và vận hành Dự án", VETC cho biết.

Đến nay, Công ty VETC mới có 11/44 trạm kí được phụ lục hợp đồng/hợp đồng dịch vụ. Còn lại 33 trạm chưa kí được phụ lục hợp đồng/hợp đồng.

Do đó, VETC đề xuất Bộ GTVT lựa chọn nhà đầu tư khác nhận chuyển giao dự án hoặc nhà nước nhận lại dự án để tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, Bộ GTVT không đồng ý.

IMG_5264

Thu phí tự động không dừng giúp minh bạch thu phí, hạn chế ùn tắc giao thông. (Ảnh minh họa: Di Linh).

Hai dự án thu phí không dừng đang ra sao?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí BOT được chia làm 2 giai đoạn (2 dự án) bao gồm:

Dự án giai đoạn 1 (áp dụng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên); Dự án giai đoạn 2 (áp dụng cho các trạm còn lại trên toàn quốc).

Để đủ điều kiện triển khai thực hiện dự án, các bên cần đàm phán kí kết 2 loại Hợp đồng gồm Phụ lục Hợp đồng BOT về việc thu phí tự động không dừng giữa Bộ GTVT với các nhà đầu tư BOT và Hợp đồng dịch vụ giữa các nhà đầu tư BOT với nhà cung cấp dịch vụ.

Trước mắt, trong thời gian đầu khi dự án đưa vào khai thác, để hình thành thói quen cho người dân sử dụng dịch vụ, tại mỗi trạm thu phí sẽ vận hành 1 làn thu phí hỗn hợp mỗi hướng để cho các phương tiện chưa dán thẻ có thể lưu thông.

Theo Bộ GTVT, Dự án giai đoạn 1 có tổng số 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác. Dự án này do Công ty VETC triển khai thực hiện.

Đến thời điểm này Bộ GTVT đã tiến hành đàm phán, kí kết Phụ lục Hợp đồng BOT với 35/39 trạm, 4 trạm đang tiếp tục đàm phán (trong 44 trạm có 5 trạm do VEC quản lí không phải kí Phụ lục Hợp đồng); các trạm thu phí thuộc dự án giai đoạn 1 đã cơ bản lắp đặt và vận hành hệ thống ETC.

Cụ thể là đang lắp đặt, vận hành 25/26 trạm trên Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (1 trạm chưa lắp đặt do phải di dời vị trí) và 13 trạm trên các tuyến quốc lộ khác.

5 tuyến cao tốc do VEC quản lí chỉ có 1 tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đang lắp đặt thiết bị, dự kiến vận hành trong năm 2019, 4 tuyến còn lại chưa thể triển khai thực hiện do gặp khó khăn về nguồn vốn nên không thể hoàn thành trong năm 2019 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án giai đoạn 2 gồm 33 trạm và Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế; đã lựa chọn Liên danh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và một số doanh nghiệp về công nghệ là nhà đầu tư thực hiện dự án.

Hiện nay, Liên danh Nhà đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục xin phép Thủ tướng Chính phủ thành lập Doanh nghiệp dự án để triển khai các bước tiếp theo tuân thủ qui định.

Hai dự án thu phí không dừng nguy cơ không hoàn thành tiến độ

Đối với dự án giai đoạn 1, Bộ GTVT cho biết việc triển khai các dự án do VEC quản lí có nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện dẫn đến 4/5 tuyến cao tốc thực hiện rất chậm, khó có thể hoàn thành tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nguyên nhân chính là việc chưa bố trí được nguồn vốn để đầu tư hệ thống thiết bị Front-End tại các trạm thu phí do hiệp định vay vốn các dự án đã hết.

Bên cạnh đó, việc chuyển VEC về Ủy ban quản lí vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong khi qui định pháp luật về phân cấp, phân quyền giữa Bộ GTVT và Ủy ban quản lí vốn nhà nước chưa rõ ràng cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai hệ thống ETC.

Ngoài ra, vướng mắc về đàm phán tỉ lệ trích doanh thu giữa VEC và đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng (Hợp đồng dịch vụ).

Về phương án tài chính dự án thu phí tự động không dừng, Bộ GTVT cho biết đến thời điểm này cơ bản các trạm thu phí thuộc dự án giai đoạn 1 đã được lắp đặt, vận hành công nghệ thu phí tự động.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan nên việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó vướng mắc lớn nhất hiện nay của dự án là doanh thu hoàn vốn cho dự án ETC không như dự kiến ban đầu do tiến độ ký Hợp đồng dịch vụ, trích doanh thu còn chậm.

Ngoài ra việc nhiều dự án BOT sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu (do lưu lượng phương tiện thấp hơn so với dự báo, chưa được tăng phí theo đúng lộ trình trong Hợp đồng, việc giảm phí quanh trạm thu phí theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ) cũng làm ảnh hưởng đến nguồn thu của dự án thu phí tự động không dừng.

Đáng chú ý, Bộ GTVT cho biết số lượng phương tiện dán thẻ (e-tag) và nộp tiền vào tài khoản giao thông để tham gia dịch vụ thu phí tự động không dừng chưa cao (khoảng 800.000 thẻ/3,5 triệu phương tiện dán thẻ sử dụng dịch vụ ETC).

Nguyên nhân là do chủ phương tiện vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt trong khi việc thanh toán, nộp và quản lí tài khoản giao thông chưa được thuận tiện cho người sử dụng dẫn đến chưa khuyến khích được người dân tham gia dịch vụ.

"Việc bắt buộc các phương tiện chưa dán thẻ không được đi qua làn thu phí tự động không dừng mặc dù đã được triển khai nhưng vẫn cần có lộ trình và chế tài để thực hiện", Bộ GTVT cho biết.

Đối với dự án giai đoạn 2, Bộ cho biết việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng đã được Tổng cục Đường bộ hoàn thành từ tháng 5/2019, tuy nhiên đến thời điểm này Nhà đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục thành lập Doanh nghiệp dự án theo qui định.

Điều này dẫn đến chưa đủ cơ sở pháp lí để thực hiện các bước tiếp theo như Thiết kế bản vẽ thi công (TKBVTC), kí Hợp đồng tín dụng, thi công lắp đặt thiết bị…

"Với tiến độ thành lập Doanh nghiệp dự án chậm như hiện nay, dự án có nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ theo Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ", Bộ GTVT thông tin.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.