Thu phí tự động không dừng: Nhà đầu tư BOT không thể 'khai man'

Dư luận đang đặt câu hỏi việc giám sát thu phí đường bộ thủ công của cơ quan quản lý đã thực hiện chặt chẽ hay chưa và nhà đầu tư BOT sao lại chần chừ triển khai lắp đặt thu phí tự động không dừng?
thu phi tu dong khong dung nha dau tu bot khong the khai man
Ảnh minh họa. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+).

Sau vụ cướp 2,2 tỉ đồng tại trạm thu phí cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, một số thông tin đã được đưa ra về vấn đề an ninh, an toàn cho các trạm thu phí và “khai man” doanh thu thu phí, tính minh bạch trong công tác thu phí. Câu hỏi đặt ra là việc giám sát thu phí đường bộ thủ công của cơ quan quản lý đã được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả hay chưa và tại sao nhà đầu tư BOT lại chần chừ triển khai lắp đặt thu phí tự động không dừng?

Lỗ hổng giám sát thu phí thủ công Các cuộc kiểm tra, giám sát hệ thống trạm thu phí tại các trạm thu phí dự án BOT trên toàn quốc của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong những năm vừa qua đã chỉ ra nhiều tồn tại, sai sót của nhà đầu tư khi số thu phí dự án báo cáo chênh lệch thấp hơn thời điểm kiểm tra hay hàng loạt các lỗi về dữ liệu để phục vụ công tác hậu kiểm.

Đặc biệt, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát doanh thu thu phí của các tuyến đường. Mới đây, cơ quan điều tra công an đã phát hiện và xử lý gian lận thu phí của tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương kéo dài từ 2015 đến nay.

Cơ quan công an đã tiến hành bắt giữ khẩn cấp Giám đốc Công ty Yên Khánh chi nhánh Long An và 4 người khác để điều tra về hành vi “mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật nhằm che giấu doanh số thu phí, trốn thuế” tại các trạm thu phí trên cao tốc này. Với lưu lượng xe lớn bởi đây tuyến đường cao tốc huyết mạch đến cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người bày tỏ lo ngại số tiền thất thoát sẽ lớn đến như thế nào khi công tác quản lý lỗ hổng giám sát thu phí vẫn đang bỏ ngỏ?

Trong khi đó, nhà đầu tư “khai man” doanh thu sẽ dẫn đến kéo dài thời gian thu phí, điều chỉnh phương án tài chính và số tiền này sẽ rơi vào tay ai? Một trường hợp cần phải kể đến đó là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã bị mất hàng trăm nghìn thẻ thu phí phát cho xe lưu thông trên tuyến đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai.

Theo kết quả rà soát, từ tháng 1- 8/2015, tổng số lượng thẻ định danh phát ra là 3.451.787 thẻ (phát ra từ 11 trạm thu phí trên toàn tuyến), số lượng thẻ định danh không thu hồi được là 137.221 thẻ, chiếm 3,97% số lượng thẻ phát ra. Giải thích cho sự việc này, VEC đưa ra nguyên nhân là do tuyến đường tồn tại các điểm mở chưa đóng khi khai thác đường cao tốc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tại sao VEC không khai báo sớm và loay hoay việc truy trách nhiệm lãnh đạo đơn vị buông lỏng công tác quản lý, thất thoát thẻ vé.

Để tăng cường công tác quản lý doanh thu đảm bảo công khai, minh bạch, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương rà soát, đánh giá việc quản lý các phần mềm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ tại các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư do Bộ quản lý. Trên cơ sở đó, Tổng cục Đường bộ đề xuất phương án quản lý phần mềm thu phí dịch vụ phù hợp, chống thất thoát doanh thu, báo cáo Bộ trong tháng 3/2019.

Chây ì lắp thu phí tự động không dừng Nhằm giám sát chặt chẽ hơn, theo ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), Tổng cục đang thực hiện dự án xây dựng quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu phí đường bộ, giám sát cả thu phí một dừng và thu phí không dừng. Theo đó, toàn bộ dữ liệu ở các trạm thu phí sẽ được truyền thẳng về Tổng cục, sử dụng một số công cụ để nhận biết các giao dịch bất thường, sau đó sẽ kiểm tra, trong quá trình giám sát sẽ kiểm tra ngẫu nhiên.

“Phần mềm này sẽ tạo ra kênh giám sát độc lập của cơ quan quản lý nhà nước, hiện đã làm xong. Trong tháng Hai sẽ thí điểm trước 3 trạm, nếu thành công sẽ nhân rộng ra toàn bộ các trạm,” ông Toàn nói. Mặc dù Chính phủ đặt lộ trình hết năm 2018 tất cả trạm thu phí sử dụng đường bộ trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, đến hết năm 2019 áp dụng thu phí không dừng cho tất cả các trạm thu phí còn lại (giai đoạn 1 có tổng cộng 44 trạm với trên 600 làn thu phí phải thực hiện thu phí không dừng). Tuy nhiên, đến nay, dự án mới hoàn thành 26 trạm BOT với 91 làn thu phí không dừng và chưa đáp ứng theo tiến độ đề ra...

Tại nhiều cuộc họp của Bộ Giao thông Vận tải về thu phí không dừng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá sự phối hợp của nhà đầu tư BOT đường bộ trong triển khai thu phí không dừng chưa tốt. Có nhiều nhà đầu tư BOT bằng nhiều cách gián tiếp cản trở triển khai thu phí không dừng. Điều này do một số nhà đầu tư BOT ngại minh bạch, một số lại lo không kiểm soát được nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động, giấu doanh thu.

Bộ trưởng Thể yêu cầu đến hết năm 2019 phải chấm dứt thu phí thủ công, tất cả trạm BOT trên cả nước phải thu phí tự động không dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. “Thu phí tự động không dừng sẽ giúp giám sát việc thu phí, doanh thu thu phí dễ hơn thu phí thủ công rất nhiều. Cùng đó, lợi ích xã hội vô cùng to lớn, như giảm thời gian dừng xe trả phí, tâm lý của lái xe và người dân tốt hơn, yên tâm và tin tưởng hơn vào hoạt động thu phí,” người đứng đầu ngành giao thông quả quyết.

thu phi tu dong khong dung nha dau tu bot khong the khai man 'Qui định' từ chối phục vụ ô tô trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây như thế nào?

Trên trang web của VEC E có thông tin về qui định từ chối phục vụ ô tô trên cao tốc TP HCM - Long ...

chọn
Nơi quy hoạch tổ hợp nhà ở của HanoiHouse tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu
Tại góc ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu có một khu đất hơn 0,2 ha, được quy hoạch cho dự án nhà ở thấp tầng và cao tầng. Chủ cũ của dự án này trước đây là Indeco, sau nhiều năm chậm triển khai đã chuyển giao cho chủ mới là HanoiHouse.